Theo ông Nam, trong hơn 1.000 ha mà Doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất có hơn 400 ha chồng lấn với các dự án khác. “Đây không phải là đề án của riêng Doanh nghiệp Xuân Trường vào khu vực này. Hiện nay, tại khu vực này có 3 - 4 dự án đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chấp thuận. Vấn đề này, UBND thành phố yêu cầu Sở KH&ĐT họp với các nhà đầu tư. Trong quá trình đó phải xây dựng một quy hoạch tổng thể”, ông Trần Ngọc Nam nói.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Trần Ngọc Nam cũng đánh giá, việc 4 - 5 năm sau khu vực trên có thể trở thành Di sản thế giới như Doanh nghiệp Xuân Trường kỳ vọng là hơi quá.
Trao đổi với Báo GD&TĐ sáng 26/12, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội cho biết, tới thời điểm này vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản chính thức nào từ phía doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng liên quan đến đề xuất đầu tư xây dựng Khu du lịch tâm linh Hương Sơn.
“Quần thể di tích Hương Sơn đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, trước hết phải thực hiện đúng theo Luật Di sản văn hóa, việc đầu tư cho quần thể Hương Sơn xứng tầm với không gian đặc biệt chúng tôi rất mong muốn. Nhưng ai đầu tư, đầu tư như thế nào phải gắn liền với quyền lợi của địa phương, của Nhà nước. Phải thực hiện chủ trương chung vừa tôn tạo di tích nâng cao tầm di tích lên nhưng phải đảm bảo đời sống nhân dân…” - ông Tuấn Anh nhấn mạnh.