Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 138 của Chính phủ, năm 2018 công tác phòng, chống tội phạm đã được tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, làm giảm 0,61% số vụ phạm pháp hình sự so với năm 2017. Tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 82,32% (cao hơn 1,9% so với cùng kỳ), tỉ lệ giải quyết và xử lý tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt 90,2%, nhiều mặt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Theo đó, các cơ quan tố tụng đã điều tra, khám phá nhanh các vụ trọng án, các vụ án lớn, phức tạp về ma tuý, kinh tế, tham nhũng, công nghệ cao, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc được coi trọng, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia.
Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 234.606 vụ vi phạm (tăng 4% so với cùng kỳ), thu nộp ngân sách Nhà nước 19.377 tỷ đồng (tăng 7,7%), khởi tố 1.446 vụ án, 1656 đối tượng (tăng 6%).
Tuy nhiên, công tác phòng chống tội phạm và chống buôn lậu vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là, công tác tham mưu, nắm và dự báo tình hình trong một số trường hợp còn bị động, chưa kịp thời, chưa sát với thực tiễn, đã để xảy ra một số vụ tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, nhiều loại tội phạm diễn biến phức tạp tại một số địa bàn.
Công tác chống buôn lậu tuy đã được tập trung chỉ đạo nhưng vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản, các vụ việc vi phạm vẫn là nhỏ, hầu hết việc xử lý chỉ dừng lại ở vận chuyển, mang vác thuê (mới xử lý phần ngọn), chưa triệt để phá được tận gốc nên tình hình vẫn diễn biến phức tạp.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên là do chúng ta chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc; người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền ở một số địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; chưa xây dựng được lực lượng nòng cốt, chưa sâu sát nắm bắt tình hình địa bàn, khu dân cư.
“Chúng ta đã nói nhiều về trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng thực tế chúng ta chưa thực hiện nghiêm quy định này. Sau nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra ở các địa phương và ở cả cơ quan Trung ương nhưng người đứng đầu vẫn không bị xử lý kỷ luật, xem xét trách nhiệm. Tới đây, Chính phủ sẽ tăng cường kiểm tra, đánh giá và xem xét vấn đề này nhằm siết chặt kỷ luật kỷ cương đối với các cơ quan hành chính Nhà nước”.Phó Thủ tướng Thường trực thẳng thắn nêu rõ
Thực hiện nhiệm vị trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các lực lượng tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết chặn đứng tình trạng “tham nhũng vặt” ở các cơ quan hành chính, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức.
Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang được giao xây dựng văn bản liên quan đến vấn đề này. Tổ chức phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại ngay chính lực lượng chức năng (Công an, Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường, Cảnh sát biển, Thuế…). Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Đối với những người có biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng thì phải điều chuyển và xử lý nghiêm theo quy định, bảo đảm nội bộ trong sạch, vững mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Cần làm tốt công tác phòng ngừa, công tác nghiệp vụ, điều tra cơ bản, tiếp nhận và xử lý tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả.