Trước phản ánh của cử tri cho rằng, nhiều trường hợp người dân bỏ tiền ra mua sản phẩm do nghệ sĩ giới thiệu, nhưng sau đó sử dụng không hiệu quả, thậm chí “tiền mất tật mang”. Cử tri đề nghị cần có sự quản lý chặt chẽ hơn, kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm.
Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định việc xử lý hành vi vi phạm về quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã được quy định tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này thuộc UBND cấp tỉnh/thành phố, thanh tra chuyên ngành: Văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; y tế; nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý, Bộ VH,TT&DL phối hợp tích cực với các bộ, ngành liên quan (Bộ Y tế, Bộ TT&TT...) tăng cường thanh tra, kiểm tra, theo dõi, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo.
Lãnh đạo Bộ VH,TT&DL cũng lưu ý các nội dung quảng cáo liên quan đến tính năng, tác dụng, hiệu quả của thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trong thời gian tới Bộ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định của Luật Quảng cáo nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đề xuất siết chặt quản lý hành vi của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có tầm ảnh hưởng, trong đó có quy định yêu cầu người quảng cáo khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về sản phẩm, dịch vụ phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm, dịch vụ đó.
Ngoài ra, Bộ VH,TT&DL yêu cầu các cơ quan, đơn vị khối nhà hát thuộc Bộ quán triệt các nghệ sĩ, diễn viên thực hiện nghiêm quy định pháp luật khi tham gia hoạt động quảng cáo, đặc biệt là đối với các nội dung quảng cáo liên quan đến tính năng, tác dụng, hiệu quả của thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.