Hải Phòng:

Siết chặt hoạt động dạy thêm, giáo dục liên kết

GD&TĐ - Ngoài dạy thêm, học thêm tại các đơn vị giáo dục trên địa bàn TP Hải Phòng thì hoạt động liên kết cũng “nở rộ”.

Giờ học tại Trường THCS Trần Phú, quận Kiến An.
Giờ học tại Trường THCS Trần Phú, quận Kiến An.

Trước thực trạng tổ chức dạy thêm, học thêm; liên kết dạy học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập, UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý.

Thanh lọc tiêu cực

Ngoài dạy thêm, học thêm tại các đơn vị giáo dục trên địa bàn TP Hải Phòng thì hoạt động liên kết cũng “nở rộ”. Các hoạt động liên kết như: Dạy học ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài, tin học, kỹ năng sống, giáo dục STEM, Toán tư duy… tại các cơ sở giáo dục mang lại hiệu ứng tích cực song vẫn còn những hạn chế; tính thiết thực và hiệu quả chưa cao. Thậm chí có nơi còn biểu hiện ép buộc người học, tạo ra dư luận xã hội không tốt, gây quá tải với học sinh và bức xúc trong phụ huynh.

Trước thực trạng trên, ngày 11/10, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng có Văn bản số 2253/UBND-VX yêu cầu Sở GD&ĐT Hải Phòng chủ trì, cùng UBND các quận, huyện, sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung chấn chỉnh để việc dạy thêm, học thêm, liên kết giáo dục tại cơ sở giáo dục công lập phát huy hiệu quả thực chất, được sự đồng thuận cao của học sinh, phụ huynh.

Theo văn bản, các đơn vị chức năng phải tăng cường quản lý, chỉ đạo cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm, liên kết giáo dục, bảo đảm nguyên tắc theo nhu cầu, tự nguyện của người học và gia đình. Nâng cao trách nhiệm công khai, giải trình của cơ sở giáo dục, người đứng đầu với học sinh, phụ huynh và xã hội.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng chỉ đạo, trong trường hợp phát hiện cơ sở giáo dục, đơn vị vi phạm quy định pháp luật hoặc tạo ra dư luận xã hội không tốt, gây bức xúc trong phụ huynh, theo thẩm quyền, có thể yêu cầu chấm dứt việc tổ chức dạy học liên kết để thực hiện thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động; không để xảy ra điểm nóng về dư luận xã hội và bức xúc trong học sinh, phụ huynh.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, ngày 14/10, Sở GD&ĐT Hải Phòng ban hành Công văn 3175 triển khai hoạt động trên. Theo đó, các phòng GD&ĐT quận, huyện thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố, tiến hành rà soát điều kiện pháp lý, sự đồng thuận của học sinh và phụ huynh, điều kiện giáo viên, giáo trình, tài liệu, hợp đồng, chất lượng liên kết. Đồng thời tham mưu UBND quận, huyện chỉ đạo nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của các trung tâm làm nhiệm vụ giáo dục thường xuyên trên địa bàn, đặc biệt với trung tâm có hoạt động liên kết.

Các trường THPT và trung tâm GDTX nghiên cứu kỹ điều kiện về giáo viên, giáo trình, tài liệu, hợp đồng liên kết… Chỉ thực hiện hoạt động liên kết khi đảm bảo các điều kiện và sự đồng thuận của học sinh, phụ huynh; Thực hiện nghiêm chỉ đạo của các cấp quản lý và các phòng chuyên môn về nội dung có liên quan; báo cáo về sở GD&ĐT theo quy định.

Nói “không” với việc ép buộc

Thực hiện Nghị quyết 05 của Huyện ủy, Đề án 2568 của UBND huyện, năm học 2024 - 2025, ngành GD-ĐT huyện Vĩnh Bảo triển khai cho trẻ mầm non toàn huyện làm quen với tiếng Anh. Theo đó, các trường đã thông tin tới phụ huynh việc trẻ 3 tuổi trở lên làm quen với tiếng Anh dự kiến 8 buổi/tháng (4 buổi với giáo viên nước ngoài và 4 buổi với giáo viên Việt Nam); học phí là 220.000 đồng/trẻ/tháng.

Tuy nhiên, Vĩnh Bảo là huyện ngoại thành còn nhiều khó khăn nên triển khai hoạt động này khiến phụ huynh băn khoăn. Một số bố, mẹ cho rằng, hoạt động dạy học với trẻ kín các buổi, nhà trường xen kẽ lịch dạy học ra sao để đáp ứng các điều kiện. Cùng đó, có phụ huynh nêu ý kiến trẻ còn nhỏ, chưa sõi tiếng Việt thì học tiếng Anh không hiệu quả và điều kiện kinh tế gia đình không đáp ứng được.

Theo ông Đoàn Văn Thành - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo, thực hiện cho trẻ làm quen tiếng Anh là theo chủ trương của ngành và chính quyền địa phương, phụ huynh đăng ký trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc. Sở dĩ phòng triển khai rộng tới các trường để đảm bảo công bằng nhu cầu học tập cho trẻ, trên cơ sở nhà trường bàn bạc và đồng thuận của cha mẹ. Kinh phí dạy học theo quy định của thành phố.

Năm học này, Trường Tiểu học Lê Lợi, huyện An Dương triển khai dạy học liên kết môn Tiếng Anh có yếu tố người nước ngoài, kỹ năng sống với học sinh khối 1, 2 và 3; STEM và Tiếng Anh có yếu tố người nước ngoài với khối 4, 5. Cô Hiệu trưởng Trịnh Thị Xoan cho hay, nhà trường căn cứ vào các hướng dẫn của ngành để triển khai nhiệm vụ năm học, trong đó có hoạt động liên kết.

Để tổ chức hiệu quả, trường thực hiện nguyên tắc: Tự nguyện của phụ huynh, xếp thời khóa biểu vào buổi thứ 10, công khai minh bạch các hoạt động và khoản thu. Nếu phụ huynh không đồng ý, thầy cô tuyệt đối không ép buộc. Nhà trường phát hiện cá nhân nào ép học sinh tham gia sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Năm học 2024 - 2025, Trường THCS Trần Phú (quận Kiến An) triển khai dạy học liên kết kỹ năng sống cho khối 6, 7, 8 với 71,3% học sinh tham gia; Tiếng Anh có yếu tố nước ngoài với khối 6, 7, tỷ lệ tham gia là 26,2%. Hai môn học này, học sinh học 1 tiết/tuần. Thời khóa biểu xếp vào tiết cuối của buổi học chính khóa hoặc học thêm.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thúy Hường chia sẻ, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của sở GD&ĐT, UBND quận và phòng GD&ĐT, nhà trường triển khai dạy liên kết theo trình tự, quy định tại Thông tư 21 (2018), Thông tư 04 (2014) của Bộ GD&ĐT và các văn bản hướng dẫn của cấp trên.

Nhà trường tôn trọng tinh thần tự nguyện của học sinh và phụ huynh, tuyệt đối không ép buộc dưới bất cứ hình thức nào; việc dạy liên kết thực hiện đúng Hợp đồng ký kết với trung tâm, trong đó đảm bảo chương trình, đội ngũ, nội dung giảng dạy, báo cáo về phòng GD&ĐT đúng thời gian quy định.

“Nhà trường quản lý chặt chẽ trên cơ sở hệ thống sổ đầu bài và sổ trực ban giám hiệu, giáo viên; thực hiện kiểm tra đột xuất, định kỳ theo Kế hoạch kiểm tra nội bộ của trường, rút kinh nghiệm với trung tâm để nâng cao chất lượng dạy học liên kết”, cô Hường cho biết.

Trường THCS Hồng Bàng, quận Hồng Bàng có 2.600 học sinh. Theo thầy Hiệu trưởng Trịnh Doãn Toản, nhà trường chỉ triển khai dạy thêm, học thêm trong trường theo quy định (12 tiết/tuần với các khối lớp). Việc dạy thêm đảm bảo tự nguyện, thống nhất với phụ huynh và tách biệt với giờ học chính khóa.

Với khối lớp 6, các em học Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh; khối 7, 8, 9 ngoài 3 môn kể trên, học sinh học thêm môn Khoa học tự nhiên. Ngoài ra, khối 6, 7 các em học 1 tiết/tuần về tin học văn phòng. Nhà trường không thực hiện dạy học liên kết với trung tâm bên ngoài.

Ông Phạm Quốc Hiệu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho hay, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, sở triển khai tới các phòng GD&ĐT, phòng chuyên môn, đơn vị giáo dục trực thuộc. Sở sẽ họp với lãnh đạo các đơn vị giáo dục để quán triệt tinh thần, siết chặt hoạt động dạy thêm, học thêm, liên kết. Đồng thời, sở thành lập đoàn kiểm tra thực tế các đơn vị. Trên cơ sở kiểm tra, rà soát sẽ báo cáo UBND TP và chấn chỉnh, xử lý nếu có sai phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.