Siết chặt đào tạo, sát hạch lái xe!

Siết chặt đào tạo, sát hạch lái xe!

Trong nhiều vụ, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe gây tai nạn; mà chưa gắn trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe…

Theo các chuyên gia, Bộ Công an, nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ. Trong nhiều vụ, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe gây tai nạn; mà chưa gắn trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe… 

Khoảng 60% học viên đạt kết quả sau  sát hạch lần một

Theo thông tư 38/2019 TT-BGTVT,  siết chặt quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, quy trình sát hạch lái xe ngày càng được cải tiến sát với các tình huống tham gia giao thông. Bên cạnh đó, việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giám sát tất cả các khâu trong quy trình sát hạch thời gian qua đã giúp hạn chế tối đa sự can thiệp của con người...

Từ ngày 1.5.2020, theo quy định mới, các cơ sở đào tạo lái xe phải lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết. Bên cạnh đó, trong thời gian học lý thuyết, học viên phải điểm danh bằng vân tay và nhận diện khuôn mặt để đảm bảo tham gia đầy đủ khóa học. Nếu không tham gia đầy đủ, học viên sẽ không được tham gia thi sát hạch.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, về cơ bản, các trung tâm đào tạo, cấp phép lái xe chấp hành nghiêm chỉnh Thông tư 38, áp dụng tối đa công nghệ để quản lý, giám sát vấn đề thi lý thuyết và thực hành. Các trung đã đầu tư công nghệ để tổng cục kiểm tra qua hình ảnh và đã áp dụng 60 câu hỏi lý thuyết. Với việc áp dụng khoa học công nghệ đã kiểm soát được việc gian lận về điểm số hay thi hộ, do vậy nếu các học viên không nghiêm túc trong học tập sẽ không có kết quả tốt, cụ thể hiện chỉ khoảng 60% học viên đạt kết quả sau sát hạch lần một.

Kinh nghiệm từ Hà Nội

Theo đại diện Trung tâm Đào tạo Lái xe Thái Việt (huyện Thường Tín, Hà Nội), với quy định hiện tại, học viên phải điểm danh cả đầu vào và đầu ra. Ngoài giám sát bằng camera có độ phân giải cao đối với phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe cũng phải lắp đặt camera để trích xuất nhiều hình ảnh tại khu sa hình sát hạch và được truyền trực tiếp về sở GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam giúp việc kiểm tra sát hạch cấp giấy phép lái xe được công khai minh bạch.

Ghi nhận của phóng viên tại Trung tâm Sát hạch và cấp giấy phép lái xe ôtô Đức Thịnh (xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh): Tại khu vực hội trường học và sát hạch lý thuyết được bố trí 5 màn hình kết nối với hệ thống camera để các học viên có thể theo dõi và giám sát các học viên khác đang trong quá trình sát hạch lý thuyết cũng như thực hành nhằm bảo đảm công khai, minh bạch. Tại các khu vực như phòng thi lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình, khu vực trước khi sát hạch lái xe ngoài đường trường đều bố trí tủ đựng đồ cá nhân cho học viên. Đồng thời, có nhân viên sử dụng máy dò thiết bị cầm tay rà soát từng học viên nhằm kịp thời phát hiện và ngăn ngừa các trường hợp sử dụng điện thoại, đồng hồ thông minh và thiết bị nghe lén.

Theo Giám đốc Trung tâm Sát hạch và cấp giấy phép lái xe ôtô Đức Thịnh - ông Nguyễn Đức Hải, việc trang bị camera giám sát không chỉ hạn chế tiêu cực khi tham gia phần sát hạch lý thuyết mà còn giúp các học viên tập trung hơn khi thực hành lái xe. Việc sử dụng điện thoại khi đang lái xe ôtô rất nguy hiểm, đặc biệt là với những người mới học. Trên xe còn có camera để chụp ảnh ngẫu nhiên học viên để tránh trường hợp thi hộ.

Tại sân sát hạch lái xe trong hình, hàng chục học viên đang trải qua các phần thi như đề-pa ngang dốc, qua ngã tư có đèn tín hiệu giao thông, ghép xe ngang vào nơi đỗ... với hệ thống cảm biến điện tử chấm điểm tự động. Từ trên đài quan sát, chốc chốc lại thấy tiếng của cán bộ sát hạch thông báo về quá trình thi của từng học viên. Có lúc là học viên phạm lỗi nào đó, có lúc là chúc mừng ai đó vượt qua bài thi...

Đại diện Sở GTVT Hà Nội, ông Đào Duy Phong - Trưởng Phòng Quản lý phương tiện và người lái - cho biết, toàn thành phố hiện có 37 cơ sở đào tạo và 13 trung tâm sát hạch. Trong những năm qua, thành phố đã chỉ đạo phải kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc khâu sát hạch đầu ra; từ đầu năm 2020 đến nay, tỉ lệ đỗ trên tổng số học viên tham gia sát hạch trung bình đối với ôtô là 55%.

Đặt mục tiêu loại bỏ tiêu cực, hạn chế tối đa sự can thiệp của con người, Hà Nội là một trong những số ít địa phương đi đầu cả nước tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào giám sát công tác đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe. Cụ thể, từ ngày 1.9.2019, các trung tâm sát hạch trên địa bàn thành phố đã thực hiện truyền trực tuyến công tác sát hạch qua hệ thống camera theo quy định về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để thực hiện giám sát.

Từ ngày 1.5.2020, 100% các cơ sở đào tạo lái xe đều đã ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ôtô (trừ hạng B1) nhằm tăng cường quản lý việc học lái xe ôtô; công khai thông tin và thời gian học, bảo đảm học đúng, học đủ số giờ theo quy định. Sở GTVT Hà Nội cũng tăng cường công tác thanh tra thường xuyên và đột xuất các cơ sở đào tạo và sát hạch... 

Kiểm tra toàn bộ các trung tâm đào tạo lái xe

Bộ GTVT vừa có văn bản yêu Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai đợt kiểm tra đối với các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật để kịp thời phát hiện, xử nghiêm các sai phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu xây dựng trung tâm quản lý dữ liệu quốc gia về công tác đào tạo, sát hạch lái xe. Triển khai thí điểm thực hiện dịch vụ công mức độ 4 trên cổng dịch vụ công quốc gia về đổi giấy phép lái xe quốc gia tại Hà Nội và Hà Nam trong năm 2020; báo cáo Bộ GTVT kết quả thí điểm để nhân rộng ra toàn quốc.

Giao Thanh tra Bộ GTVT chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành tăng cường thanh, kiểm tra công tác đào tạo sát hạch lái xe; kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; kiểm soát tải trọng phương tiện cơ giới đường bộ; kinh doanh dịch vụ vận tải.

Theo laodong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ