Sĩ tử vùng cao miệt mài ôn luyện trước ngày 'vượt vũ môn'

GD&TĐ - Nhà cách trường hàng chục km, nhiều sĩ tử vùng cao xin ở lại khu bán trú hoặc thuê trọ gần trường để thuận tiện cho việc ôn thi tốt nghiệp THPT.

Học sinh Trường THPT Quan Sơn, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Lường Toán.
Học sinh Trường THPT Quan Sơn, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Lường Toán.

Ôn tập ngày đêm “vượt vũ môn”

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 chỉ còn lại ít ngày, thời điểm này các sĩ tử vùng cao Thanh Hóa đang gấp rút chuẩn bị hành trang tốt nhất sẵn sàng “vượt vũ môn”. Tại Trường THPT Quan Sơn - điểm thi cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 150km, thầy và trò nhà trường vẫn miệt mài ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi.

Nhà ở bản Phe (xã Tam Thanh, Quan Sơn), cách trường hơn 20km, vì vậy Hà Thu Hằng (lớp 12A1) đành phải ở lại trong khu bán trú của nhà trường. Chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp nên Hằng đang gấp rút ôn tập, đặc biệt nữ sinh luôn cố gắng giữ tâm trạng thoải mái, bình tĩnh nhất có thể.

Hằng cho biết, ngoài thời gian ôn thi trên lớp cùng thầy cô, nữ sinh người dân tộc Thái thường luyện đề vào buổi tối. Thời điểm này, gần như ngày nào Hằng cũng miệt mài ôn thi tới 12h đêm. Thói quen này được nữ sinh duy trì suốt thời gian qua, đặc biệt là khi bước vào giai đoạn “nước rút”.

“Em học theo tổ hợp khối C với ước mơ được trở thành cô giáo gieo chữ ở vùng cao. Em nghĩ rằng, con đường học hành không hề dễ dàng nhưng. Dù hiện tại em cũng khá lo về kỳ thi sắp tới nhưng em sẽ cố gắng hết mình”, Hằng bộc bạch.

Tương tự, em Hà Thị Mai Uyên (lớp 12A2, Trường THPT Quan Sơn) cũng miệt mài ôn tập ngày đêm trước ngày “vượt vũ môn” thi tốt nghiệp THPT. Nhà của Uyên ở bản La, xã Trung Xuân (Quan Sơn), cách trường hơn 15km nên nữ sinh cũng ở lại khu bán trú của nhà trường.

Ngoài lịch ôn các môn thi tốt nghiệp trên lớp cùng thầy cô, Uyên dành buổi chiều để học các môn theo tổ hợp xét tuyển đại học. Thời gian buổi tối, nữ sinh tập trung luyện đề, củng cố kiến thức.

Nữ sinh Hà Thu Hằng (lớp 12A1, Trường THPT Quan Sơn) ôn thi tốt nghiệp THPT. Nhà ở xa trường nên Hằng xin ở lại khu bán trú để thuận tiện cho việc ôn luyện. Ảnh: Lường Toán.

Nữ sinh Hà Thu Hằng (lớp 12A1, Trường THPT Quan Sơn) ôn thi tốt nghiệp THPT. Nhà ở xa trường nên Hằng xin ở lại khu bán trú để thuận tiện cho việc ôn luyện. Ảnh: Lường Toán.

“Hiện tại, em tự tin khoảng 60% về mặt kiến thức. Để việc ôn thi đạt hiệu quả, em cũng thường dạy sớm để ôn luyện, đồng thời năng trao đổi với thầy cô và bạn bè để kịp thời tháo gỡ mọi thắc mắc. Những lúc rảnh, em thường chơi thể thao hoặc đi bộ để giải tỏa áp lực thi cử”, Uyên chia sẻ.

Khuôn mặt rạng ngời, Uyên bật mí dự định xét tuyển vào khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Hồng Đức. Trở thành cô giáo gieo chữ vùng cao là ước mơ được nữ sinh dân tộc Thái ấp ủ từ lâu.

Thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, trường có 192 thí sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp. Ngoài học sinh của trường, Trường THPT Quan Sơn còn tiếp nhận 102 thí sinh của Trường THCS&THPT Quan Sơn, và 10 thí sinh tự do.

"Nhà trường chỉ đạo giáo viên cốt cán ở tất cả các bộ môn thi tốt nghiệp phụ trách công tác ôn luyện cho các em. Đến thời điểm hiện tại, thầy và trò đều rất cố gắng, tinh thần ôn luyện rất hăng hái", thầy Đạo chia sẻ.

Đồng hành cùng trò

Ngoài lịch ôn theo thời khóa biểu, gần một tháng qua, thầy giáo Hà Văn Nghiệp vẫn miệt mài, say sưa phụ đạo cho học sinh yếu người đồng bào dân tộc Mông. Lớp học miễn phí này được thầy giáo trẻ duy trì vào các buổi tối. Thông qua lớp học này, thầy Nghiệp đặt mục tiêu học sinh sẽ đạt được mức điểm trung bình.

“Đồng hành cùng các em từ đầu năm học, tôi cảm nhận được sự chăm chỉ, chịu khó của học trò. Tuy nhiên, hầu hết các em học sinh người dân tộc Mông, khả năng tiếp thu bài còn chậm nên đòi hỏi phải có phương pháp giảng dạy phù hợp”, thầy Nghiệp chia sẻ.

Lớp học miễn phí của thầy giáo trẻ vùng cao đã duy trì gần một tháng nay. Nhiều hôm thầy và trò miệt mài tới 11h khuya. “Tuy khả năng tiếp thu bài còn chậm, nhưng tôi vẫn nhìn thấy sự nỗ lực cố gắng rất nhiều từ các em. Ngoài truyền dạy kiến thức, tôi cũng nhiều lần lặn vào tận bản để động viên gia đình và học trò”, thầy Nghiệp bộc bạch.

Thao Dính Pó (lớp 12A3) là một trong những học sinh người Mông tham gia lớp phụ đạo miễn phí của thầy Nghiệp. Nhà ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy (Quan Sơn), cách trường hơn 30km nên Pó phải thuê trọ ở gần trường.

Thao Dính Pó ôn luyện trước ngày "vượt vũ môn" thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: LT.

Thao Dính Pó ôn luyện trước ngày "vượt vũ môn" thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: LT.

Thời điểm này, Pó cũng đang gấp rút ôn tập, chuẩn bị hành trang tốt nhất sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 diễn ra sắp tới. Ngoài thời gian ôn luyện trên trường, Pó chăm chỉ luyện đề, đọc lại sách giáo khoa để nắm vững kiến thức cơ bản.

“Mỗi ngày, em thường thức dậy từ 4h giờ sáng để ôn lại kiến thức. Về mặt tâm lý, em cũng khá sẵn sàng cho kỳ thi sắp tới. Do điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đã nhiều tuổi rồi nên em có nguyện vọng học nghề sau khi tốt nghiệp THPT”, Pó tâm sự.

Theo kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, năm nay số lượng thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT của tỉnh là hơn 36.400 thí sinh. Trong đó, thí sinh hệ THPT hơn 32.300 em.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tại Thanh Hóa được tổ chức với 75 Điểm thi. Trong đó, có 22 điểm thi thuộc khu vực miền, 3 điểm thi cách xa trung tâm TP Thanh Hóa hơn 200 km gồm: Trường THPT Quan Sơn, THPT Quan Hóa và THPT Mường Lát.

Năm nay, tỉnh Thanh Hóa dự kiến huy động hơn 6.200 người phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Trong đó, cán bộ coi thi gần 3.490 người, lực lượng công an, quân đội gần 800 người,...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ