Sĩ tử vào trường thi được vua ban cơm rượu

GD&TĐ - Sự coi trọng học vấn, trí thức, sinh viên Quốc tử giám được triều đình đài thọ, cấp cho tiền gạo để học… đã được sử sách ghi rõ.

Cỗ hạng ba dành cho Tân khoa dự yến, bốn người một cỗ (29/12/1897). Ảnh tư liệu
Cỗ hạng ba dành cho Tân khoa dự yến, bốn người một cỗ (29/12/1897). Ảnh tư liệu

Ở trường thi nước ta, có khi sĩ tử còn được nhà vua ban cho cơm ăn rượu uống và lò sưởi, đệm ấm để chống rét.

Đó là chuyện diễn ra trong kì thi Hội năm Minh Mạng thứ 19 (1838). Do kì thi tổ chức vào đầu tháng 3, mùa xuân, nên trời còn rét đậm. Theo “Đại Nam thực lục”, lần đó vua Minh Mạng ngự xem trường thi Hội, gặp lúc trời mưa rét, quan trường ra đón, vua sai ban cho rượu, lại chia cấp cho sinh viên đi thi ăn cơm, uống rượu và lò sưởi, đệm cỏ, rồi miệng đọc một bài thơ tự viết.

Thơ rằng:

Trời tuyết cho than buổi sớm nay

Anh hoa nhả hết, trạng khoa này,

Mới hay tùng bách càng ưa rét,

Cố gắng cùng nhau báo đức dày.

Lần đó, vua bảo quan trường là bọn Trương Đăng Quế rằng: “Trẫm từ lên ngôi tới nay, để ý trọng việc văn đã lâu, mà học thức của học trò, chưa thấy ngày được cao sáng, là vì thầy, bạn nguồn gốc không bằng đời trước, không phải nhân tài có khác? Vả sự học quý ở có kiến thức, đem ra làm việc mới có thực dụng, bài thi không cần phải tìm tòi sự lạ lùng bí ẩn, dù đem việc hiện nay ra hỏi, nhưng kiến thức sâu hay nông cũng định được”.

Sau khi vua Minh Mạng qua đời năm 1840, vua Thiệu Trị lên ngôi, nối tiếp truyền thống của vua cha, cũng rất tôn trọng sĩ tử. “Đại Nam thực lục” viết về vua Thiệu Trị rằng “Vua rất trọng đạo Nho, yêu học trò”. Tháng 3 nhuận năm Thiệu Trị năm thứ nhất (1841), triều đình tổ chức kì thi Hội.

Khoa này, kì đệ nhất, nhà vua đích thân ra đầu bài (thường các vị vua chỉ ra đầu bài kì thi Đình). Kì thi nào vua cũng ban cho các cống sĩ ăn cơm trưa. Nhà vua truyền chỉ rằng: “Khoa trước cho than, khoa này cho ăn cơm, là thịnh điển của triều đình ưu đãi các sĩ phu, bọn sĩ phu các người đều nên cố sức làm văn, bày tỏ hết sở trường của mình, để đáp lại lòng chu chuân của ta khuyến khích, cất nhắc nhân tài, nối việc chấn hưng văn trị.

Vua Thiệu Trị cũng sắc cho bọn quan chức phục vụ trường thi là Vũ Văn Giải rằng: “Các người là người làm cơm, phải nên cẩn thận cho các sĩ phu tài tuấn của ta được tiến lê; cần phải tinh khiết, không được sơ sài”.

Khoa thi năm đó, có viên giám sinh Nguyễn Xuân Thưởng tuổi ngoại 60 tuổi, không dự hạng lấy đỗ. Vua mở xem danh sách, bảo Nội các rằng: “Nhà nước dạy nuôi nhân tài, muốn cho được kịp thời bổ dùng, sao nỡ để cho họ chìm mãi trong nhà học, đọc sách đến bạc đầu ư?”. Do đó, vua truyền cho bộ Lại sát hạch, bổ Nguyễn Xuân Thưởng làm Huấn đạo huyện Phú Xuyên (Hà Nội ngày nay).

Khi nghe tin có người học sinh ở tận Thái Nguyên đem lương vào Quốc tử giám để học, vua Thiệu Trị phán rằng: “Thái Nguyên là tỉnh ở nơi biên viễn, thế mà người học sinh ấy lại cố chí đến Kinh đô để được biết văn vật chế độ của nước nhà, cũng đáng khen, nên cấp cho học bổng cũng như hạng ấm sinh”. Sử nhà Nguyễn chép rằng, do lời khích lệ của vua, từ đấy, các sĩ phu đua nhau học tập, văn phong càng thêm mở mang.

Sau đó, vua Thiệu Trị hỏi bộ Lễ rằng: “Thi Hội lấy đỗ vào hạng trúng cách có số ngạch nhất định không?”. Thượng thư Phan Huy Thực thưa rằng: “Chưa có. Còn thi Hương thì duy tỉnh Thừa Thiên là có định ngạch”. Vua phán: “Về thi Hương, các trường cũng nên định trước số ngạch lấy đỗ, nếu không thì quan trường sợ phép nước, có khi thành ra quá khắc. Thí dụ như năm trước đây, Lâm Duy Thiếp làm chủ khảo trường Nghệ An, chỉ lấy đỗ có 5 người, đến khi nhà vua ra lệnh cho đình thần duyệt lại, lấy thêm hơn 10 người nữa, sau đó thi Hương, thi Hội người ta nối nhau đỗ lên. Nếu không có một phen duyệt lại như thế, chẳng hoá ra bỏ sót người tài ư?

Nghề thi cử xưa nay vẫn có cái mộng được người mặc áo đỏ (1) gật đầu và có sự than thở rằng học đến bạc đầu mà không đỗ, chính là vì thế. Ta xem điển lệ của nhà Thanh, thi Hương, thi Hội, số lấy đỗ đều có ngạch nhất định. Nếu người tuổi già mới đỗ, không thể cho ra làm quan được, cũng cho có hàm rồi về hưu. Thi cử để lấy người tài, rộng rãi như thế, bộ nên nhớ lấy, đợi sau này định lại rõ để thi hành”.

Việc quan tâm đến sĩ tử của vua Thiệu Trị còn được thể hiện khi quan Kinh doãn kinh thành là Phạm Khôi tâu xin dời trường thi đến dựng ở phường Đại Đồng trong Hoàng thành. Vua dụ hai bộ Lễ và bộ Công rằng: “Trường thi cũ ở Nguyệt Biều, địa thế ẩm thấp, đến mùa thu, mưa ngập, học trò vào trường làm văn, rất là không tiện. Bộ thần nên đi hội khám ngay, chọn chỗ đất cao ráo để làm, chớ để ở nơi thấp ướt, làm khổ cho bọn học trò”.

Ở tỉnh Bắc Ninh là có danh sĩ Chu Doãn Trí, con trai Tiến sĩ triều Lê Chu Doãn Mại, là người có học hạnh, tính điềm đạm, không hám vinh lợi. Tỉnh thần Nguyễn Đăng Giai khai tên tâu lên, nên vua Thiệu Trị sai cấp cho tiền ăn đường về Kinh. Doãn Trí viện là tuổi già ốm yếu từ chối.

Đến khi Đăng Giai vào chầu, vua lại hỏi Trí là người thế nào, Giai thưa rằng: “Trí, văn học và hạnh kiểm đều khả thú, chỉ sợ y tuổi già, không thể làm việc được nữa thôi!”. Vua phán rằng: “Nhân tài, đã khó kiếm được, mà lại cũng khó biết được! Sĩ phu nếu thích điềm tĩnh, không ra làm quan, mà vua lại cố ép phái ra, thì cũng không phải là cách đối đãi người hiền”. Sau đó, vua truyền chỉ khen ngợi, lại sai đem rượu “hoa hồng dương tửu” đến tận nhà Chu Doãn Trí ban cho.

(1) Vua Thiệu Trị nhắc điển tích Âu Dương Tu nhà Tống làm chủ khảo trường thi, khi chấm văn của người nào, hễ ưng ý, gật đầu thì sau quyển văn của người ấy quả nhiên được đỗ. Người mặc áo đỏ, chữ Hán là “chu y sứ giả”, tượng trưng cho quan trường chấm thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.