Sĩ tử Trung Quốc tìm đủ mánh gian lận, bất chấp nguy cơ bóc lịch

GD&TĐ - Từ dấu vân tay giả đến cục tẩy điện tử, sĩ tử ngày càng sáng tạo hơn về phương thức gian lận trong cuộc đua một mất một còn.

Sĩ tử Trung Quốc tìm đủ mánh gian lận, bất chấp nguy cơ bóc lịch

Gaokao, kỳ thi tuyển sinh đại học của Trung Quốc, diễn ra ngày 7-8/6 năm nay với sự tham gia của gần 10 triệu sĩ tử. Trong khi phần lớn đối mặt với bài kiểm tra quan trọng nhất cuộc đời bằng cách học bài thâu đêm suốt sáng, một bộ phận thí sinh không thể tránh khỏi cám dỗ của việc gian lận.

Theo SCMP ngày 7/6, dù người gian lận bị xem là tội phạm ở Trung Quốc với mức án cao nhất lên đến bảy năm tù, sĩ tử vẫn bất chấp bởi áp lực trúng tuyển các trường đại học hàng đầu luôn đè nặng.

Tuy nhiên, khi các phương thức gian lận thay đổi nhanh chóng, ngày càng tinh vi, chính quyền cũng liên tục cập nhật công nghệ và chiến thuật để đuổi kịp những kẻ thiếu nghiêm túc trong kỳ thi.

Cảnh sát tham gia tích cực vào quá trình kiểm soát gian lận thi cử ở Trung Quốc. Ảnh: NDTV

Cảnh sát tham gia tích cực vào quá trình kiểm soát gian lận thi cử ở Trung Quốc.

Năm nay, các cơ quan giáo dục ở Nội Mông sẽ sử dụng hệ thống nhận dạng tĩnh mạch ngón tay thay cho phương pháp xác minh vân tay truyền thống để đảm bảo đối tượng dự thi gaokao là thí sinh thật.

Với phương pháp xác thực sinh trắc học, sử dụng công nghệ nhận dạng dựa trên hình ảnh của mẫu tĩnh mạch ngón tay bên dưới bề mặt da, hệ thống sẽ khiến những người đi thi hộ không còn đất để hoạt động. Ngay cả anh em sinh đôi của thí sinh cũng không thể vượt qua trót lọt khi bị kiểm tra bởi hệ thống này.

Trong khi đó, tại tỉnh Hồ Bắc ở miền trung, cảnh sát không chỉ kiểm tra trường học mà còn cả căn hộ ở khu vực xung quanh đó. Họ sẽ theo dõi sát sao để phòng trường hợp ai đó thuê địa điểm ở gần trường, nhận câu hỏi và chuyển câu trả lời vào phòng thi thông qua thiết bị không dây, theo thông tin từ China National Radio hôm thứ hai.

Thường được triển khai cùng hệ thống nhận diện khuôn mặt và vân tay, thiết bị dò kim loại khiến điện thoại di động và các thiết bị điện tử không thể tuồn vào phòng thi. Tai nghe không dây, thiết bị máy bay không người lái sẽ bị phát hiện và chặn tín hiệu nếu ở trong khu vực diễn ra kỳ thi.

Tại các nơi như khu tự trị Ninh Hạ, trong mùa thi, các đại học sẽ cấm sinh viên rời khuôn viên trường, nhằm ngăn cản họ đi thi hộ cho ứng viên gaokao. Những ai được phép ra ngoài phải báo cáo điểm đến cụ thể.

Tuy nhiên, gaokao không phải kỳ thi duy nhất xảy ra hiện tượng gian lận. Dưới đây là một số thiết bị tinh vi được tìm thấy trong các cuộc thi quan trọng trên khắp Trung Quốc.

Dấu vân tay giả

Tháng 6/2014, một trong những trường hợp gian lận có tổ chức lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc xảy ra ở Hà Nam. 127 sinh viên đại học đã sử dụng dấu vân tay giả để vào phòng thi, làm bài hộ ứng viên vừa tốt nghiệp trung học. Mỗi sinh viên đã ứng trước 5.000 nhân dân tệ (gần 18 triệu đồng) để thực hiện nhiệm vụ liều lĩnh. Nếu kết quả cao, họ có thể nhận được hàng chục nghìn nhân dân tệ.

Theo phóng sự điều tra của Đài Truyền hình Trung ương, những kẻ chủ mưu đã hối lộ người coi thi để giúp sinh viên đại học, người đeo tấm màng với dấu vân tay của thí sinh, lọt vào phòng thi.

Sau khi chính quyền Hà Nam phát hiện, Bộ Giáo dục đã phạt những người liên quan, trong đó có 58 giáo viên. Tất cả người thi hộ đều bị đuổi khỏi trường đại học, học sinh trung học bị cấm dự thi đại học trong ba năm.

“Cục tẩy” điện tử

Một cục tẩy chứa bộ phát tín hiệu đã giúp 27 người gian lận trong kỳ thi lấy bằng dược sĩ ở tỉnh Giang Tô vào tháng 11 năm ngoái.

Bên trong lớp vỏ cao su ngụy trang cục tẩy, một bộ mạch tích hợp cho phép thí sinh gửi câu hỏi ra ngoài và nhận đáp án.

Một nhân viên cảnh sát đi tuần tra đã nghi ngờ cục tẩy có vấn đề, sau khi thấy một ứng viên nữ ngồi nhìn nhằm chằm vào nó. Cuộc điều tra được mở rộng, khiến 10 người bán thiết bị gian lận bị bắt giữ, 100 món đồ bị tịch thu.

Áo lót nghe trộm

Nhiều thiết bị gian lận được giấu trong áo lót. Ảnh: SCMP

Nhiều thiết bị gian lận được giấu trong áo lót.

Hơn 40 người bị phát hiện mặc áo lót có gắn điện thoại di động ở phần eo để gian lận trong kỳ thi quốc gia nhằm kiểm tra năng lực kỹ sư giám sát tại Tứ Xuyên năm 2014, Tân Hoa Xã thông tin.

Các ứng viên đã sử dụng cây bút có gắn camera để gửi câu hỏi ra ngoài, nhận đáp án thông qua điện thoại bằng tai nghe.

Ví công nghệ cao

Một người đàn ông đã cố gian lận bài thi viết trong kỳ thi lấy bằng lái xe ở Thâm Quyến vào tháng giêng năm 2016. Anh ta sử dụng camera dán ở cánh tay để gửi câu hỏi cho một huấn luyện viên, người được hứa trả thù lao 3.500 nhân dân tệ (12,5 triệu đồng) khi nhắc bài thông qua máy phát trong ví của ứng viên.

Sau khi thi, người đàn ông phát hiện quên ví và quay lại điểm thi để lấy. Tuy nhiên, sự lo lắng của anh ta khiến nhân viên an ninh nghi ngờ. 

Ứng viên này bị bắt giữ cùng huấn luyện viên và ba người trợ giúp khác.

Tai nghe siêu nhỏ

Việc nhét tai nghe siêu nhỏ vào ống tai là mánh gian lận phổ biến. Năm 2006, hai bệnh viện lớn ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) tiếp nhận nhiều ca yêu cầu gắp thiết bị ra khỏi tai của 16 học sinh trong cùng một ngày thi tiếng Anh.

Một bác sĩ cảnh báo tai nghe siêu nhỏ là mối nguy cho sức khỏe vì nó ngày càng được thiết kế nhỏ hơn để tránh bị phát hiện bằng mắt thường. Ông đã nhìn thấy loại tai nghe chỉ dài 3mm, dày 1mm. Có lần, bác sĩ buộc phải yêu cầu học sinh chụp X-quang và nhờ đến sự trợ giúp của kính hiển vi mới có thể gắp thiết bị gian lận ra khỏi tai. 

Tài liệu bí mật trong bút

Từ tháng 11/2004, một cửa hàng ở tỉnh Hồ Bắc đã cung cấp sản phẩm gian lận là cây bút có chứa công thức toán học.

Dụng cụ trông giống cây bút bình thường, nhưng có một cạnh kim loại có thể kéo ra, giấu mảnh giấy 6x18cm in tất cả công thức cần thiết trong các kỳ kiểm tra.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhân chỉ uống nước đường phèn pha chanh gừng trong 10 ngày liên tiếp rồi chuyển sang ăn tinh bột. Ảnh: BVCC

Nguy kịch do nhịn ăn gián đoạn

GD&TĐ - Theo bác sĩ ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương, việc nhịn ăn gián đoạn và ăn uống mất cân đối không thể hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.

HLV Leicester City bị sa thải

HLV Leicester City bị sa thải

GD&TĐ - Leicester City vừa ra thông báo về quyết định sa thải đối với huấn luyện viên Steve Cooper sau chuỗi thành tích kém cỏi ở Ngoại hạng Anh

Họa sĩ Ngô Xuân Bính trình bày về tác phẩm chủ đạo trong triển lãm gốm 'Hiện linh'.

Gốm của 'kỳ nhân'

GD&TĐ - Triển lãm gốm nghệ thuật 'Hiện linh' của tác giả Ngô Xuân Bính đã thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước.