Sĩ số học sinh cao ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục

GD&TĐ - Đây không chỉ là lo ngại của Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, mà còn là trăn trở của chính lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM tại buổi làm việc về thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực giáo dục. 

Sĩ số học sinh cao ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục

Áp lực di dân đang là nguyên nhân khiến cho nhiều mục tiêu của ngành Giáo dục TPHCM chậm về đích, dù địa phương này đã rất cố gắng trong thời gian qua.

Gấp rút quy hoạch lại mạng lưới trường lớp gắn với nhu cầu

Đó là đánh giá của một thành viên trong Đoàn giám sát khi biết sĩ số bình quân lớp học hiện nay của TPHCM là trên 40 em/lớp. Theo ông, sĩ số cao như thế sẽ ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục.

Nhìn nhận thẳng vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM cho biết ngành Giáo dục TPHCM trong mấy năm qua cũng rất cố gắng để kéo giảm sĩ số, hướng đến xây dựng môi trường giáo dục chất lượng, hội nhập quốc tế nhưng lực bất tòng tâm vì tỉ lệ di dân của TPHCM là quá cao.

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, hai năm qua, bình quân mỗi năm TPHCM đưa vào sử dụng mới từ 1.500 - 2.000 phòng học nhưng vẫn chỉ dừng ở việc đáp ứng được nhu cầu chỗ học cho học sinh. Bởi trung bình mỗi năm, số học sinh tăng thêm của địa phương dao động từ 60.000 đến 85.000 em.

“TPHCM đang phấn đấu thực hiện chỉ tiêu đến năm 2020 sẽ đạt 300 phòng học/10.000 dân, lúc ấy việc kéo giảm tỉ lệ học sinh/lớp xuống khoảng 33 em mới có thể thành hiện thực. Còn hiện tại TPHCM đang cố gắng đáp ứng được đầy đủ chỗ học cho con em nhân dân” - ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Giáo dục TPHCM đã trình và đề xuất với Thành ủy, UBND TPHCM những chính sách và mục tiêu phát triển cụ thể cho lộ trình 3 năm tới. Chúng tôi tin, với quyết tâm và nỗ lực vượt khó, TPHCM sẽ đạt được mục tiêu đề ra. Theo ông Đạt, ngân sách năm 2017 của TPHCM là cực kỳ khó khăn vì bị cắt giảm. Nhưng quan điểm và chủ trương của Thành ủy, UBND TPHCM là sẽ cùng nhau bước qua khó khăn. Vì vậy, chi cho an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo của TP sẽ không giảm ngân sách khi trình ra HĐND.

Đánh giá về những cố gắng của ngành Giáo dục TPHCM trong 2 năm qua, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Ngành GD&ĐT TPHCM cần tiếp tục suy nghĩ, trăn trở, có tiếng nói cùng với cả nước làm sao để giáo dục có sự đổi thay, kéo giảm khoảng cách giữa thực tế và nhu cầu.

Bà Minh nói: “Các đồng chí tiếp tục tư duy sâu, phối hợp với các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cùng với chúng tôi tiếp tục có những trao đổi, hội thảo để quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp. Làm sao để công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp vừa gắn với quy mô dân số, với quy hoạch và dự báo nguồn nhân lực trong từng giai đoạn. Chỉ có làm được như vậy, ngành Giáo dục TPHCM mới không mãi chạy theo tỉ lệ di dân tự do”.

Xã hội hóa giáo dục -quan trọng là đảm bảo chất lượng giáo dục

Đó là nhắc nhở của Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và quản lý hệ thống các trường ngoài công lập tại TPHCM.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT TPHCM 5 năm qua, công tác xã hội hóa giáo dục của TPHCM phát triển khá tốt. Thống kê năm học 2015 - 2016, tỉ lệ các trường ngoài công lập khối mầm non chiếm hơn 57%, khối tiểu học gần 5%, khối THCS hơn 2%, khối THPT gần 45%.

Công tác xã hội hóa giáo dục còn thể hiện rõ qua mô hình các trường tiên tiến, hiện đại theo xu hướng hội nhập quốc tế đang được triển khai và mở rộng trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM thì chính một số chính sách, quy định chung về giới hạn cán bộ quản lý ngành, số phòng ban chuyên môn, đã gây một số khó khăn trong công tác quản lý. Một số vấn đề nảy sinh trong thời gian qua cũng xuất phát từ nguyên nhân này.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM chỉ rõ: TPHCM có nhiều trường ngoài công lập có yếu tố nước ngoài, nhiều đơn vị liên kết đào tạo quốc tế, thu hút số lượng lớn học sinh, sinh viên từ các tỉnh đến học. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT không thể tổ chức được Phòng ngoài công lập để quản lý do vướng quy định cơ quan quản lý giáo dục không được quá 10 phòng. Đặc biệt mỗi Sở GD&ĐT không quá 3 Phó Giám đốc nên rất khó khăn cho việc quản lý hơn 1,5 triệu học sinh.

Đây là những vướng mắc theo ông Hiếu cần sớm được Bộ GD&ĐT tháo gỡ để công tác quản lý, đẩy mạnh xã hội hóa loại hình trường ngoài công lập được ổn định và tốt hơn.

Ghi nhận những kiến nghị, vướng mắc từ thực tế địa phương, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Xu hướng xã hội hoá là một xu hướng tất yếu của mỗi địa phương trong quá trình phát triển giáo dục. Tuy nhiên, việc làm sao có nhiều trường ngoài công lập chất lượng cao ở các cấp học, bậc học và tiếp cận trên cơ sở bình đẳng, đảm bảo quyền người học vẫn phải là ưu tiên hàng đầu trong việc phát triển và xây dựng mạng lưới trường lớp, tránh tình trạng làm vì áp lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.