Dạy học nơi đầu sóng

GD&TĐ - Quần đảo Nam Du gồm hơn 20 đảo lớn, nhỏ nằm sát nhau, thuộc sự quản lý của 2 xã: An Sơn và Nam Du (Kiên Hải, Kiên Giang).

Một góc quần đảo Nam Du. Ảnh: TG
Một góc quần đảo Nam Du. Ảnh: TG

Quần đảo nằm cách TP Rạch Giá khoảng 65 hải lý (gần 120 km), với khoảng 8 nghìn dân cư đang sinh sống. Riêng xã đảo An Sơn có Trường Mầm non An Sơn, Trường Tiểu học An Sơn và Trường THCS An Sơn (2 cấp học THCS và THPT).

Niềm vui, động lực dạy học trên đảo

Thầy Hoàng Ngọc Tỉnh - giáo viên Trường Tiểu học An Sơn quê ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang). Thầy Tỉnh ra xã đảo An Sơn dạy học từ khi ra trường, đến nay đã hơn 10 năm gắn bó.

Cùng trong cảnh xa nhà, cô Võ Thị Ngọc Tuyền sợ nhất lúc đau ốm không có người thân bên cạnh. Nhưng ở đây phụ huynh, học sinh nghe tin giáo viên bị ốm là đến thăm hỏi ngay. Người dân quý và thấu hiểu hoàn cảnh các thầy, cô giáo xa quê nên đội ngũ yên tâm công tác.

Đặc biệt, người dân ở đây thân thiện, khi đánh bắt trúng mùa, dân biếu giáo viên vài con cá, con mực. Dù món quà nhỏ nhưng tôi trân trọng tình cảm, đó cũng là một trong những lý do giúp tôi vượt khó khăn, bám trụ ở đây dạy học đến hôm nay”, thầy Tỉnh tâm sự.

Dạy cùng trường với thầy Hoàng Ngọc Tỉnh, cô Võ Thị Ngọc Tuyền quê ở Gò Quao (Kiên Giang) cũng có hơn 20 năm công tác trên hòn đảo này. Không giống như nhiều giáo viên trên đảo, chồng, con cô Tuyền đang ở trong đất liền, vì thế cô luôn canh cánh trong lòng nỗi nhớ gia đình, người thân.

Ở đảo muốn về quê thăm nhà là chuyện khó, giáo viên chỉ về khi có việc quan trọng, vì vậy lúc đầu ra đây cô Tuyền từng có ý nghĩ bỏ việc vì quá nhớ gia đình. Thế nhưng được sự quan tâm, động viên của các cấp lãnh đạo cùng tình yêu thương dành cho học sinh vùng khó khăn, cô quyết định ở lại. “Nếu thấy khó khăn mà nghỉ dạy thì học sinh trên đảo sao có thể ăn học thành tài”, cô Tuyền chia sẻ.

Hơn 20 năm đứng trên bục giảng ở xã đảo An Sơn, cô Tuyền có nhiều kỷ niệm đẹp với các thế hệ học sinh. Những năm mới về dạy, vào ngày lễ quan trọng như 8/3, 20/10 hoặc 20/11, được học sinh, phụ huynh tặng quà, cô khá bất ngờ.

Những món quà không phải hoa tươi hay vải vóc... mà đơn thuần là các loài hải sản do người dân đánh bắt được. Cô Tuyền xúc động vô cùng vì tình cảm chân thành mà bà con xã đảo đối với giáo viên xa nhà.

Quê tận Đắk Lắk, nguồn động viên lớn nhất giữ chân thầy Phan Phúc Luận - giáo viên trẻ Trường THCS An Sơn công tác 8 năm qua trên đảo không chỉ vì cảnh quan thiên nhiên, người dân thân thiện mà còn bởi sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền, ngành Giáo dục địa phương và sự giúp đỡ từ đồng nghiệp.

“Giáo viên trên đảo phần lớn ở xa nhà nên luôn coi nhau như ruột thịt; giúp đỡ những lúc khó khăn, đau ốm, quan tâm, động viên, hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ. Đó cũng chính là niềm vui, động lực giúp tôi vơi bớt phần nào nỗi nhớ nhà, dốc lòng, dốc sức vì sự nghiệp trồng người nơi xã đảo”, thầy Luận chia sẻ.

Trường THCS An Sơn được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: TG

Trường THCS An Sơn được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: TG

Khu nhà ở công vụ của giáo viên ở xã đảo An Sơn. Ảnh: TG

Khu nhà ở công vụ của giáo viên ở xã đảo An Sơn. Ảnh: TG

Còn những khó khăn

Quần đảo Nam Du không ngừng được đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch, nhưng thực tế cuộc sống, điều kiện dạy học của cán bộ, giáo viên xã đảo An Sơn còn một số khó khăn.

Chị Vũ Thị Thơm - nhân viên kế toán Trường THCS An Sơn và chồng là thầy Huỳnh Văn Tỷ - giáo viên Trường Tiểu học An Sơn chia sẻ, trên đảo không có điện lưới quốc gia mà sử dụng điện từ máy phát nên nguồn điện không ổn định, nhiều lúc máy phát hỏng, cúp điện 2 – 3 ngày, sinh hoạt, dạy học bất tiện vô cùng.

Khó khăn lớn khác là điều kiện chăm sóc sức khỏe. Ở đây có trạm y tế nhưng thiếu đội ngũ y, bác sĩ tay nghề cao nên trường hợp bệnh nặng phải chuyển về đất liền điều trị. “Ở đảo đi lại không dễ dàng, tàu chạy theo giờ, sợ nhất khi gia đình có người bệnh cần chuyển đi gấp, lại vào ban đêm có khi phải bao tàu tốn hơn chục triệu đồng, chưa kể việc chuyển đi chậm nguy hiểm đến tính mạng”, chị Thơm chia sẻ.

Thầy Hoàng Ngọc Tỉnh cho biết, hiện tổng mức lương và phụ cấp hàng tháng là trên 10 triệu đồng. Do chưa có gia đình riêng nên mức lương này cũng tạm đảm bảo cuộc sống. “Ở đảo vật giá cao hơn nhiều so với đất liền do phải vận chuyển xa. Bởi vậy, dù lương, phụ cấp giáo viên vùng hải đảo cao nhưng so mặt bằng giá cả thì không hơn trong đất liền là bao”, thầy Tỉnh chia sẻ.

Nói về thu nhập, chị Vũ Thị Thơm cho biết thêm, 2 vợ chồng được cấp nhà công vụ, nhưng thu nhập từ tiền lương hằng tháng vẫn phải gói ghém mới đủ chi tiêu do có 2 con nhỏ. Ngoại trừ dành một phần nhỏ phòng đau ốm, việc có dư để tích lũy rất khó. “Ở đây vật giá cao hơn nhiều đất liền, đặc biệt từ khi du lịch phát triển mạnh, ra đảo không có đất trống để trồng trọt, chăn nuôi, mọi thứ vẫn phải mua”, chị Thơm nói.

Ngoài trở ngại nêu trên, cán bộ, giáo viên công tác xã đảo An Sơn còn gặp khó trong việc đào tạo chuyên môn, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ. Theo thầy Phan Phúc Luận, ở trường có môn học chỉ 1 giáo viên đảm nhiệm nên muốn đăng ký đi tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ rất khó. Nếu đăng ký thì không có người dạy thay thế. Mặt khác, điều kiện đi lại bất tiện, nên muốn đi học tập, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cả giáo viên và ban giám hiệu đều đắn đo.

Những năm qua dù được cấp trên quan tâm đầu tư cơ sở vật chất nhưng hiện các điểm trường ở xã đảo An Sơn chưa có phòng học đa năng và phải sử dụng chung dẫn đến nhiều bất tiện. Điểm chính có phòng chức năng được trang bị nhưng chưa đầy đủ. Cấp học mầm non còn thiếu giáo viên…

Dù trường, lớp từng bước được đầu tư kiên cố, nhưng khi bước vào mùa mưa bão, giáo viên, học sinh các điểm trường xã đảo An Sơn vẫn nơm nớp lo sợ giông, lốc.

“Ở đây mùa mưa bão, gió thổi rất mạnh, trường nằm trên đồi cao, nhiều lúc mưa lớn kèm sấm chớp, trẻ mầm non còn nhỏ nên dễ hoảng sợ. Khi đó cô giáo chỉ biết ngồi ôm chặt lấy trẻ vào lòng”, cô Nguyễn Thị Thảo - Hiệu trưởng Trường Mầm non An Sơn chia sẻ.

Lớp học ở Trường Tiểu học An Sơn.

Lớp học ở Trường Tiểu học An Sơn.

Thầy Hoàng Ngọc Tỉnh - giáo viên Trường Tiểu học An Sơn có những phút giây vui tươi cùng học trò. (Ảnh tư liệu)

Thầy Hoàng Ngọc Tỉnh - giáo viên Trường Tiểu học An Sơn có những phút giây vui tươi cùng học trò. (Ảnh tư liệu)

Nỗ lực nâng chất dạy và học

Dù còn nhiều khách thức, nhưng chất lượng, thành tích giáo dục tại các điểm trường trên xã đảo An Sơn đạt được không kém nhiều so với các trường trong đất liền tỉnh Kiên Giang.

Cô Nguyễn Thị Huỳnh Tâm - quyền Hiệu trưởng Trường THCS An Sơn chia sẻ, hầu hết giáo viên nhà trường nhiệt huyết với nghề, không ngừng nỗ lực vượt khó để nâng cao chất lượng dạy và học. Hằng năm, trường có giáo viên đi thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh và đoạt giải.

Cô Đặng Thị Hoài - giáo viên Trường THCS An Sơn vừa đoạt giáo viên giỏi cấp huyện, chia sẻ: Muốn trò giỏi thì trước tiên thầy phải giỏi, thế nên bản thân luôn học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để có thể truyền đạt kiến thức cho học sinh tốt nhất.

Là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thầy Phan Phúc Luận luôn xác định càng khó khăn càng phải phấn đấu để góp phần rút ngắn khoảng cách giáo dục, chất lượng dạy học giữa vùng hải đảo với đất liền.

“Với những nỗ lực cống hiến hết mình của cán bộ, giáo viên, tinh thần vượt khó của học sinh, Trường THCS An Sơn nhiều năm liền có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT đạt 100%; hằng năm có học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh.

Đó chính là nguồn động lực lớn để cán bộ, giáo viên xã đảo An Sơn tiếp tục vượt khó bám trường, đảo gieo chữ giữa biển trời Tổ quốc”, cô Nguyễn Thị Huỳnh Tâm - quyền Hiệu trưởng Trường THCS An Sơn chia sẻ.

“Những năm gần đây, chất lượng giáo dục tại các xã đảo trên quần đảo Nam Du nói chung, xã đảo An Sơn nói riêng không ngừng nâng lên. Tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng các cấp học chiếm khoảng 95%, học sinh giỏi chiếm khoảng 30%. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực, đóng góp của cán bộ, giáo viên trên các xã đảo.

Ngành Giáo dục địa phương ghi nhận và tiếp tục tạo điều kiện tốt hơn để cán bộ, giáo viên yên tâm công tác, hết lòng, dốc sức vì sự nghiệp “trồng người” nơi đầu sóng”, ông Võ Hồng Phú - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ