Yếu tố quyết định chất lượng giáo dục
Nhóm nghiên cứu: GS.TS Vũ Văn Hùng, PGS.TS Trần Đức Tuấn, PGS.TS Phan Doãn Thoại - Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định: Những cuốn SGK được thiết kế và biên soạn với quan điểm giáo dục hiện đại, công nghệ tiên tiến là một trong những yếu tố quyết định nhất đến chất lượng giáo dục của một quốc gia.
SGK là một trong những công cụ chủ đạo để chuẩn hoá trình độ học tập của học sinh và qua đó góp phần nâng cao chất lượng học tập và chất lượng dạy học ở các nhà trường phổ thông. SGK là căn cứ và tài liệu quan trọng để GV tổ chức các hoạt động dạy và học trong nhà trường, đồng thời là tài liệu học tập chủ yếu của học sinh ở nhà trường và ở nhà.
Không phải tất cả các nước trên thế giới đều có SGK và ở nhiều nước phát triển SGK không được sử dụng như là một công cụ bắt buộc trong dạy học và giáo dục ở nhà trường.
Tuy nhiên, ở tất cả các nước đang phát triển SGK vẫn là một trong những phương tiện dạy học quan trọng nhất, được sử dụng thường xuyên và phổ biến nhất trong nhà trường. Vì vậy, việc sáng tạo những cuốn SGK có chất lượng và sử dụng chúng một cách hiệu quả được xem là một trong những con đường tốt nhất, đáng tin cậy nhất để đảm bảo chất lượng giáo dục ở các nhà trường phổ thông ở các nước đang phát triển.
Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh: Trong thời đại toàn cầu hoá và phát triển bền vững, SGK không những truyền bá kiến thức kỹ năng, giá trị cốt lõi mà nhân loại đã tích luỹ được cho các thế hệ trẻ mà còn là một công cụ quan trọng để mang đến những giá trị cao cả của hòa bình, sự phát triển bền vững và tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc và quốc gia trên toàn thế giới…
“Chìa khóa” của đổi mới GDPT
GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội đã chỉ ra, giữa SGK với Chương trình GDPT mới có mối quan hệ khăng khít. Những bộ SGK chất lượng có thể xem như “chìa khóa” để thực hiện thành công Chương trình GDPT mới.
Theo GS Đinh Quang Báo, chương trình được hiểu theo nghĩa bao gồm: Mục tiêu, nội dung, kế hoạch, phương pháp giáo dục, kiểm tra - đánh giá. Giữa các cấp độ chương trình có quan hệ hai chiều theo quan hệ giữa khái quát và cụ thể hoá. SGK là văn bản cụ thể hoá nhiều yếu tố đó của chương trình. Với quan hệ hữu cơ, hai chiều giữa SGK và chương trình cần xác định nguyên tắc không được tách hai quá trình xây dựng chương trình và soạn SGK...
Ảnh minh họa/ INT |
Trong giáo dục phổ thông các SGK phải là một tổng thể có tính hệ thống chặt chẽ, môn này liên quan đến môn kia, phân môn này liên quan đến phân môn kia trong một môn học, sách lớp dưới phục vụ sách lớp trên, sách lớp trên kế thừa, phát triển sách lớp dưới. Tóm lại giữa các SGK cần thể hiện mối quan hệ liên môn, quan hệ nội môn trong cả hệ thống giáo dục phổ thông. Những mối quan hệ này đã trở thành nguyên tắc cơ bản của lý luận dạy học các môn học trong nhà trường hiện đại.
Với giáo viên, SGK định hướng phân tích, lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức, phương tiện tổ chức dạy học. Còn với HS, SGK là nguồn kiến thức chính để tra cứu, gia công trí tuệ dưới sự tổ chức của GV qua đó chiếm lĩnh tri thức khoa học. Điều cần quán triệt để việc biên soạn làm cho quyển SGK khi sử dụng không chỉ là nguồn tra cứu thông tin khoa học, mà phải là sản phẩm nhận thức khoa học của HS.
Đây là một vấn đề khó của lý luận về SGK hiện đại, nhưng lần đổi mới giáo dục này của Việt Nam cần cố gắng triển khai như là một tiếp cận hiện đại trong biên soạn chương trình và SGK, và trong đổi mới căn bản phương pháp dạy học hướng tới chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận hình thành, phát triển năng lực học sinh.
Tất nhiên để thực hiện tiếp cận này, SGK không phải là vạn năng, mà cần các giải pháp khác nữa, trong đó GV có vai trò quyết định hiện thực hoá tiếp cận đó. Nhiệm vụ của GV không chỉ là cung cấp kiến thức đã được soạn sẵn trong SGK mà phải xem thông tin ở sách là “mô hình tri thức tĩnh” để gia công sư phạm biến thành “mô hình hoạt động - tư duy” để HS vừa chiếm được tri thức khoa học vừa học được phương pháp tìm tòi tri thức đó.
Nhược điểm lớn nhất của SGK truyền thống là tập trung vào chức năng cung cấp thông tin, kiến thức một môn học. Và khi quán triệt một cách máy móc SGK là pháp lệnh đã biến hoạt động dạy hướng vào truyền đạt cái có sẵn, hoạt động học tập trung vào ghi nhớ, rập khuôn SGK.
SGK chỉ thường mới thể hiện nguồn “chữ” - kiến thức tĩnh mà chưa thuận lợi cho GV, đặc biệt là HS nhìn được quy trình động, ẩn chứa trong mô hình kiến thức tĩnh đó, có thể vì SGK chỉ là mỏ chứa quặng phải khai thác để thu và tinh luyện quặng đó mới có thể dùng được trong đời sống con người. Với những yêu cầu trên, hiện tại nhà trường phổ thông hiện nay chưa hoàn toàn đáp ứng, vì vậy phải có bước quá độ tiệm cận đến phương án một chương trình nhiều SGK.
Để SGK đáp ứng yêu cầu CTGDPT mới
SGK trong nhà trường hiện đại vừa là nơi chứa đựng một khối lượng thông tin khoa học vừa là một kịch bản định hướng tổ chức các hoạt động dạy học. Điều đó buộc tác giả phải có năng lực hai trong một. Và những bộ SGK khi được dùng để dạy và học trong CTGDPT mới phải đáp ứng đủ 13 tiêu chí đã đề ra.
Trước hết về điều kiện tiên quyết của SGK: Đòi hỏi nội dung và hình thức SGK không trái với quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm. Nội dung và hình thức SGK không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội.
Về mặt nội dung SGK: SGK phải thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của CT môn học hoặc hoạt động giáo dục; bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Các thuật ngữ, khái niệm, định nghĩa, số liệu, sự kiện, hình ảnh bảo đảm chính xác, khách quan, nhất quán và phù hợp với trình độ HS; các số liệu, sự kiện, hình ảnh có nguồn gốc rõ ràng. Các thành tựu khoa học mới liên quan đến CT môn học, hoạt động giáo dục được cập nhật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phù hợp với mục tiêu của CT môn học, hoạt động giáo dục.
Những nội dung giáo dục về chủ quyền quốc gia, quyền con người, quyền trẻ em, bình đẳng giới, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được thể hiện hợp lý.
Về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục trong SGK: Đòi hỏi các bài học trong SGK tạo điều kiện cho GV vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy hoạt động học của HS làm trung tâm; tạo cơ hội và khuyến khích HS tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, phát huy tiềm năng của mỗi HS.
Các bài học trong SGK thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của HS và yêu cầu về đánh giá kết quả giáo dục được quy định trong CT môn học, hoạt động giáo dục, làm cơ sở cho việc đánh giá chính xác kết quả giáo dục.
Cấu trúc SGK có đủ các thành phần cơ bản sau: Phần, chương hoặc chủ đề; bài học; giải thích thuật ngữ; mục lục. Cấu trúc bài học trong SGK bao gồm các thành phần cơ bản như: Mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng.
Về ngôn ngữ sử dụng trong SGK và hình thức trình bày SGK: Ngôn ngữ sử dụng trong SGK là tiếng Việt (trừ SGK ngoại ngữ và SGK tiếng dân tộc thiểu số), bảo đảm các quy định về chính tả và ngữ pháp, các chữ viết tắt, các ký hiệu, phiên âm, đơn vị đo theo quy định của Bộ GD&ĐT; diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, thể hiện chính xác nội dung cần trình bày, phù hợp với lứa tuổi HS. Hình thức trình bày SGK cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, hệ thống ký hiệu, biểu tượng, kiểu chữ, cỡ chữ. Tranh, ảnh, bảng biểu, đồ thị, bản đồ, hình vẽ trong SGK rõ ràng, chính xác, cập nhật, có tính thẩm mỹ, phù hợp với nội dung bài học, lứa tuổi HS và chỉ rõ nguồn trích dẫn.