Sở GD&ĐT Đà Nẵng chủ trương, GV dẫu chỉ dạy một lớp nhưng phải biết được tổng thể của CT – SGK mới, giúp giáo viên thấy được sự xâu chuỗi, liên kết của chương trình.
Trao đổi trực tiếp với người biên soạn chương trình
Khi thực hiện một chương trình, nhiều SGK, GV không nhất thiết phải bám vào từng câu, từng ý trong SGK mà quan trọng là nắm vững chương trình để hướng dẫn HS đạt được yêu cầu mà chương trình quy định. CBQL dự giờ GV cũng phải đánh giá theo chuẩn chương trình, tức là yêu cầu cần đạt, chứ không phải đánh giá có dạy đủ ý trong SGK hay không.
Chính vì vậy, với quan điểm dù GV chủ yếu dạy lớp Một thì cũng phải nắm được chương trình của toàn bậc học; với các GV ở bậc THCS, THPT, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã xâu chuỗi lại chương trình khung của từng môn theo từng cấp học. Mục đích là GV dẫu chỉ dạy một lớp nhưng phải biết được tổng thể của CT – SGK mới, giúp GV thấy được sự xâu chuỗi, liên kết của chương trình. Điều này sở rút ra được từ “lỗ hổng” của những lần tập huấn thay sách trước đó.
Trong gần 3 tháng hè của năm học 2018, các GV có đủ thời gian để đọc và nghiên cứu tổng thể chương trình, tháng 9/2018, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã mời Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới là GS Nguyễn Minh Thuyết đến trao đổi trực tiếp với GV nhằm cung cấp thông tin về đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới cho đội ngũ CBQL, GV các trường học…
Ảnh minh họa/ Internet |
Những băn khoăn, thắc mắc của CBQL, GV sau khi nghiên cứu chương trình tổng thể cũng được GS Nguyễn Minh Thuyết giải đáp trong buổi trao đổi. Sự chuẩn bị chu đáo trong công tác truyền thông của Sở GD&ĐT với kỳ vọng CBQL, GV sẽ chủ động đón nhận chương trình, SGK mới một cách bình tĩnh, và không có những phản ánh kiểu như “cái này mới quá”, “cái này lạ lẫm quá”.
Bà Lê Thị Bích Thuận – GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Tùy theo điều kiện cụ thể, chúng tôi khuyến khích nhà trường tổ chức học gắn với hành, tạo hứng thú cho HS bằng cách kết nối đưa các em tham gia với các đơn vị sản xuất, cơ quan xí nghiệp, bảo tàng, trung tâm khoa học thực nghiệm, trung tâm khoa học giáo dục quốc tế để tạo không khí học tập năng động.
Khoảng 5 - 6 năm lại đây, Đà Nẵng tổ chức thành công chương trình học Lịch sử tại hệ thống các bảo tàng của địa phương để kết nối HS với hiện vật, liên hệ với lịch sử của địa phương”. Đây là những bước chuẩn bị nhằm giúp GV và HS làm quen với yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, tạo thuận lợi cho việc triển khai Chương trình – sách giáo khoa mới.
Chuẩn bị chu đáo, đầy đủ về đội ngũ
Ông Lại Tiến Hương – Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) cho biết: Trong xây dựng kế hoạch tuyển dụng GV cho năm học 2019 – 2020, Phòng GD&ĐT quận đã tham mưu với UBND quận trong xây dựng chỉ tiêu biên chế, trong đó ưu tiên đáp ứng đủ số lượng GV đáp ứng cho việc chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình – SGK mới.
Phòng GD&ĐT cùng với các trường lên danh sách những CB, GV cốt cán tham gia tập huấn bồi dưỡng và cũng tuyên truyền đến từng GV về hình thức bồi dưỡng kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Theo bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu (TP Đà Nẵng), các trường học trên địa bàn của quận đều ưu tiên bố trí đội ngũ GV ở khối lớp Một nên việc vừa dạy học vừa tham gia bồi dưỡng, tự bồi dưỡng cũng không quá áp lực cho GV.
Tuy nhiên, Phòng GD&ĐT cũng lưu ý BGH các trường học cần chú ý việc dạy – học ở khối lớp Một vì đây là năm học cuối cùng thực hiện chương trình SKG cũ, không thể loại trừ tâm lý sao nhãng ở cả giáo viên và phụ huynh nên nếu buông lỏng công tác quản lý, các em lớp Một sẽ bị thiệt thòi.
Sắp tới, việc thực hiện dạy học chương trình mới là phân hóa và lựa chọn. Trong đó, phân hóa trong là dạy sát với năng lực HS, phân hóa ngoài là dạy theo định hướng nghề nghiệp, theo sự lựa chọn môn học/chủ đề phù hợp với năng lực, sở trường của HS. Đón đầu chương trình – SGK mới, tùy theo điều kiện thực tế tại các đơn vị trường học, Đà Nẵng đã chủ động triển khai tổ chức dạy học phân hóa ở bậc tiểu học. Bà Lê Thị Bích Thuận cho biết: Với gần 100% các trường tiểu học đều học 2 buổi/ngày, việc tổ chức các nội dung và hình thức dạy học phân hóa ngoài không bị ràng buộc bởi thời khóa biểu, tính chất bài học cũng là điều kiện thuận lợi cho việc dạy học phân hóa.
Phòng GD&ĐT quận Hải Châu đã yêu cầu các tổ chuyên môn và mỗi giáo viên đứng lớp phải xây dựng kế hoạch phụ đạo HS khó khăn về học cụ thể ngay từ đầu năm học; lập hồ sơ theo dõi sự tiến bộ của HS; sử dụng các tiết tăng cường ở những trường học 2 buổi/ngày để bố trí các tiết học phụ đạo; trong thiết kế bài giảng, GV phải xây dựng câu hỏi, bài tập dành riêng cho từng đối tượng HS để thực hiện việc dạy học phân hóa.
“Việc GV quan tâm, tác động đến từng đối tượng học sinh được xem là một tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại tiết dạy. Ngoài ra, yêu cầu dạy học phân hóa còn được chỉ đạo trong việc kiểm tra, đánh giá HS. Việc thiết kế đề kiểm tra phải bảo đảm có các câu hỏi và bài tập theo 4 mức độ biết – hiểu – vận dụng – vận dụng cao với một tỉ lệ nhất định trong từng môn học tùy thuộc vào dung lượng kiến thức HS được học trong chương trình để bảo đảm tính phân hóa đối tượng HS” – bà Thúy Hà chia sẻ kinh nghiệm.