SEQAP khẳng định tính bền vững và tác động lan tỏa

GD&TĐ - Trong 6 năm triển khai, Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) đã khẳng định tính bền vững và tác động lan tỏa. 

SEQAP khẳng định tính  bền vững và tác động lan tỏa

Một số hoạt động cụ thể của SEQAP mang lại hiệu quả đã nhanh chóng được các cơ quan quản lý giáo dục mở rộng áp dụng cho các trường tiểu học khác. Hiệu quả của SEQAP đã từng bước được nhân rộng ra ngoài khuôn khổ và địa bàn tham gia thực hiện SEQAP.

Kinh nghiệm lan tỏa tới hơn 6.000 trường tiểu học không tham gia SEQAP

Theo báo cáo tổng kết của 36 tỉnh, những bài học kinh nghiệm về tổ chức triển khai dạy học cả ngày của SEQAP đã được hơn 6.000 trường tiểu học không tham gia SEQAP thuộc 36 tỉnh áp dụng và thực hiện với các phương án linh hoạt, cụ thể:

Thứ nhất: Việc lập kế hoạch thực hiện dạy học được hướng dẫn tại “Sổ tay hướng dẫn hoạt động ở trường tiểu học dạy học cả ngày” được các trường tuân thủ đầy đủ và vận dụng sáng tạo.

Thứ hai: Từ việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên về quản lý dạy học cả ngày và áp dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực thông qua sử dụng các tài liệu tập huấn, một số Sở GD&ĐT đã áp dụng kinh nghiệm của SEQAP để mở rộng tập huấn đến tất cả các trường tiểu học trong tỉnh, như Sở GD&ĐT Hòa Bình, Lào Cai…

Thứ ba: Về quản lý Quỹ Giáo dục nhà trường và Quỹ Phúc lợi học sinh theo hướng dẫn tại các Sổ tay hướng dẫn của SEQAP, với sự tham gia, giám sát của chính quyền xã và Ban Đại diện cha mẹ học sinh cũng là cách làm có hiệu quả, được các trường ngoài SEQAP học tập và làm theo.

Thứ tư: Các hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ lên lớp của các trường SEQAP khá bài bản và phong phú đã giúp đẩy mạnh phong trào dạy tốt - học tốt, trải nghiệm sáng tạo phát triển và có tính lan tỏa ra ngoài phạm vi địa bàn SEQAP.

Thứ năm: Các trường tiểu học và các cơ quan quản lý đã nhận thức rõ hơn về vai trò của công tác xã hội hóa khi thực hiện dạy học cả ngày, nên đã nhân rộng ra nhiều địa phương. Từ đó chứng minh rằng, ngay cả các trường tiểu học ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số vẫn có thể thực hiện được dạy học cả ngày thì các trường tiểu học ở vùng thuận lợi hơn càng có điều kiện để thực hiện tốt hơn.

Những minh chứng thuyết phục về tính bền vững

Từ nghiên cứu các báo cáo và khảo sát thực tế ở các địa phương và các trường tiểu học tham gia cho thấy rất rõ tính bền vững của SEQAP. Những minh chứng thuyết phục cho tính bền vững của Chương trình được phân tích cụ thể trong báo cáo tổng kết SEQAP (2010 - 2016).

Trước hết có thể nói đến việc một số kết quả tích cực của SEQAP đã được thể chế hóa thành các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo áp dụng trong công tác quản lý giáo dục tiểu học. Cụ thể: Góp phần xây dựng để Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT ngày 10/7/2012 về quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên; Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015 của liên Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ về quy định mã số, tiêu chuẩn nghề nghiệp chức danh GVTH công lập.

Điều đáng ghi nhận là, các Sổ tay hướng dẫn của SEQAP đã được Bộ GD&ĐT ban hành bằng các Quyết định, đã bảo đảm hiệu lực hành chính, đồng thời cũng là cơ sở để thể chế hóa thành các quy định áp dụng rộng rãi.

Để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nhà nước sẽ tiếp tục ban hành các chính sách mới nhằm thực hiện mục tiêu chuyển giáo dục tiểu học và giáo dục THCS sang chế độ giáo dục bắt buộc từ năm 2020, khi Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trong bối cảnh đó, việc áp dụng dạy học cả ngày ở giáo dục tiểu học sẽ được hỗ trợ cao hơn từ chính sách đầu tư của Nhà nước. Đây cũng là triển vọng lâu dài, phát triển từ kết quả đóng góp ban đầu của SEQAP về giải pháp thực hiện dạy học cả ngày.

Với kết quả tích cực đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các trường tiểu học tham gia, SEQAP đã góp phần tăng cường được niềm tin, sự ủng hộ của cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng vào việc thực hiện dạy học cả ngày. Từ đó, công tác xã hội hóa giáo dục tiểu học đã và đang được thúc đẩy phát triển; tăng cường phối hợp giữa giáo dục nhà trường, gia đình và cộng đồng, huy động thêm nguồn lực để giải quyết khó khăn, không chỉ thụ động chỉ trông chờ vào nguồn đầu tư của Nhà nước.

Thực tế ở các trường tiểu học thụ hưởng SEQAP đều tiến bộ về chất lượng giáo dục toàn diện, mặc dù ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn nhưng sau khi kết thúc đầu tư vẫn duy trì được thời lượng dạy học và ăn trưa cho học sinh. Đây cũng là thể hiện tính bền vững của SEQAP.

Bên cạnh đó, còn phải nói đến việc đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ và đã trưởng thành, phát triển thông qua triển khai dạy học cả ngày là nền tảng vững chắc và lâu dài cho việc chuyển các trường tiểu học sang dạy học 2 buổi/ngày và cả ngày trên phạm vi cả nước.

Sự bền vững cũng như tính ưu việt của mô hình dạy học cả ngày tại các trường tiểu học tham gia SEQAP đã đem lại chất lượng giáo dục, hiệu quả cao hơn, cho thấy cần phải tiếp tục duy trì mô hình này một cách lâu dài mang tầm chiến lược.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ