Bà Lagarde bị kết tội vì những sai phạm khi làm bộ trưởng tài chính Pháp năm 2008. Khi đó, bà đã ký quyết định bồi thường 429 triệu USD cho doanh nhân Bernard Tapie trong một vụ tranh chấp với chính phủ Pháp. Tuy nhiên, bà Lagarde luôn khẳng định mình không làm gì sai và không có mặt tại phiên tòa vì đang làm việc ở thủ đô Washington - Mỹ.
Trước đó, do bị cáo buộc sử dụng sai tiền công, bà Lagarde có nguy cơ đối mặt với án tù 1 năm và phải nộp phạt khoảng 15.000 USD.
Giải thích về phán quyết khiến nhiều người ngạc nhiên, thẩm phán Martine Ract Madoux nói: "Chúng tôi đã lưu ý tới bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu khi bà Lagarde gặp rắc rối". Ngoài ra, thẩm phán Madoux khẳng định danh tiếng tốt và vị thế quốc tế của bà Lagarde cũng là một trong những lý do.
Bà Christine Lagarde. Ảnh: EPA
Bà Lagarde cho biết bà sẽ không kháng cáo: "Có thời điểm mà một người phải ngừng lại, lật sang trang mới và tiếp tục làm việc với những người đặt niềm tin vào tôi". Phát biểu tại tòa hôm 16-12, bà Lagarde biện minh rằng bà luôn hành động có thiện chí và việc phải sống trong nghi ngờ 5 năm qua là một "thử thách".
Phán quyết có tội khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc liệu bà Lagarde có thể tiếp tục giữ chức vị tại IMF. Tối 19-12, ban quản trị của IMF, vốn luôn ủng hộ bà Lagarde trong suốt vụ việc, cho biết họ "tái khẳng định sự tin tưởng hoàn toàn vào khả năng của giám đốc trong việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả".
Theo đài CNN, bà Lagarde có vai trò then chốt trong những vụ IMF giải cứu những đất nước trên bờ vực sụp đổ như Hy Lạp và Ukraine.
Bà Lagarde là giám đốc điều hành thứ 3 liên tiếp của IMF dính phải các thủ tục tố tụng pháp lý. Người tiền nhiệm của bà, ông Dominique Strauss-Kahn, từ chức năm 2011 sau các cáo buộc lạm dụng tình dục. Còn ông Rodrigo Rato, người tiền nhiệm của ông Strauss-Kahn, hiện đang bị xét xử tội tham nhũng ở Tây Ban Nha.