Sen xứng đáng trở thành Quốc hoa Việt Nam

Sen xứng đáng trở thành Quốc hoa Việt Nam

Bản sắc văn hóa Việt

Tại văn bản gửi Thủ tướng, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) chất vấn: Bao giờ Thủ tướng chỉ đạo xây dựng đề án phát triển cây sen và xác định hoa sen là Quốc hoa của Việt Nam? Thủ tướng cần làm gì để các sản phẩm dệt từ tơ sen Việt Nam có điều kiện phục vụ quảng bá hình ảnh Việt Nam khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN từ năm 2020?

Trả lời đại biểu, Thủ tướng nêu rõ, Quốc hoa sẽ là biểu tượng văn hóa của một đất nước, được toàn dân tôn vinh, dùng trong các ngày lễ Tết, giao lưu văn hóa, nhất là trong giao lưu đối ngoại, nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc. Việt Nam có điều kiện địa lý, khí hậu thuận lợi cho nhiều loài hoa tồn tại và phát triển. Hoa có giá trị gắn bó với đời sống vật chất, tinh thần và rất gần gũi với mọi người Việt Nam trong đời sống hàng ngày.

Theo Thủ tướng, từ lâu hoa sen với những đặc tính ưu việt nổi trội về hương sắc, khả năng sống và phát triển, mang nhiều biểu tượng văn hóa, cốt cách của con người Việt Nam, hội tụ nhiều yếu tố để trở thành Quốc hoa của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc lựa chọn hoa sen là Quốc hoa cần được tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản, bảo đảm tính khoa học, tính xã hội và nhận được sự đồng thuận chung của cả nước.

Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch chủ trì xây dựng đề án “Quốc hoa Việt Nam”. Trong thời gian tới, Thủ tướng sẽ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện đề án, lấy ý kiến các cơ quan liên quan và ý kiến của đông đảo nhân dân để có thể lựa chọn được Quốc hoa của Việt Nam.

Về phát triển cây sen, Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy phát triển, trồng và chế biến các sản phẩm từ cây sen mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Hình thành vùng chuyên trồng sen, kết hợp với du lịch, các ngành nghề dịch vụ tại một số vùng có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với cây sen.

Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam thúc đẩy quảng bá các hàng hóa sản xuất trong nước, ưu tiên trước hết các sản phẩm đậm nét văn hóa Việt Nam như sen tới đông đảo bạn bè quốc tế, Thủ tướng hồi âm đại biểu Trần thị Quốc Khánh.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Xương: Trong văn hóa Việt Nam, hoa sen không chỉ là loài hoa đẹp mà còn là biểu tượng văn hóa trong tâm thức người Việt, là biểu tượng của nhân cách Việt. Đây cũng là loài hoa duy nhất hội tụ đủ trong mình những ý nghĩa nhân sinh cao quý, ý nghĩa triết học, âm dương và sự vươn dậy mạnh mẽ, ý chí sống mãnh liệt như dân tộc Việt Nam.

Cũng theo ông Xương, biểu tượng quốc gia của một nước rất quan trọng và có ý nghĩa trong việc khẳng định chủ quyền, văn hóa. Đồng thời là sự tự hào của nhân dân, dân tộc đó. Biểu tượng quốc gia của Việt Nam được công nhận chính thức trong các văn bản quy phạm pháp luật, kể cả Hiến pháp bao gồm: Quốc hiệu, Quốc huy, Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc thiều.

Xứng đáng Quốc hoa

Từ trước thềm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, vấn đề lựa chọn Quốc hoa cho Việt Nam đã được dư luận đặc biệt quan tâm. Sau các đợt trưng cầu ý kiến nhân dân và các nhà khoa học về Quốc hoa, tuy vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng đại đa số bầu chọn hoa sen là biểu tượng đặc trưng cho đất nước.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, về cơ bản, có ba loài hoa: Hoa mai (cụ thể là mai vàng miền Nam), hoa đào và hoa sen. Hoa đào và hoa mai vàng nếu xét theo các tiêu chí cơ bản thì chưa đạt bởi cả hai loài hoa này đều không thích nghi với mọi miền đất nước. Cũng có người đề xuất hoa tre nhưng tre chỉ đẹp thân chứ hoa không đẹp.

Riêng hoa sen thì hầu như đạt được tất cả các tiêu chí và được đa số chấp nhận và tôn trọng. Trong tiềm thức người Việt thì hoa sen đã là Quốc hoa. Việt Nam là dân tộc theo Phật giáo sớm, trong khi hoa sen chứa đựng triết lý sống của người Việt cũng như Phật giáo.

Theo các chuyên gia văn hóa, Ban đề án Quốc hoa đề ra 13 tiêu chí khá chuẩn mực để bầu chọn Quốc hoa. Tuy nhiên, chỉ nên lấy một số tiêu chí cơ bản, như: Có nguồn gốc lâu đời ở Việt Nam, thích nghi và được trồng ở hầu hết các vùng miền đất nước; Thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc, cốt cách của người dân Việt Nam; Bền đẹp về hình thức, màu sắc, hương thơm, có giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và đời sống; Được đại đa số người dân yêu thích, chấp thuận và tôn vinh.

“Theo tôi, việc chọn hoa sen là biểu tượng, là Quốc hoa là xứng đáng, thậm chí không có gì để bàn cãi. Tất nhiên, nhiều ý kiến bầu chọn các loài hoa khác chúng ta cũng rất tôn trọng. Nhưng, nếu cứ đi sâu bàn cãi mở rộng vấn đề với các loài hoa khác thì nào là hoa mua, hoa sim, hoa cau và cả hoa bèo… Đối với hoa sen thì với không gian Phật giáo nào cũng đều có, như Thái Lan, Lào cũng đều có. Vấn đề là không có bản sắc văn hóa như đối với Việt Nam”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh bày tỏ, đề án cũng như ý tưởng chọn Quốc hoa đã có từ lâu nhưng chưa có quyết định chính thức. Trong khi đây là việc cần thiết, cả trong văn hóa đối ngoại, nghi lễ lẫn vấn đề kinh tế. Khi sen được chọn là Quốc hoa, đồng nghĩa có thêm những đề án mới giúp nông dân ở những vùng đất ngập nước có thêm các nghề mới từ việc trồng, chế biến sản phẩm từ sen.

“Tơ sen là sản phẩm cao cấp, Myanmar được xem là nước đầu tiên có nghề dệt vải lụa từ tơ cọng lá và cọng hoa sen. Nghề dệt vải lụa thủ công từ tơ sen của nước này có từ khoảng năm 1910 và khởi nguồn từ ngôi làng KyaingKan. Tuy nhiên, như tìm hiểu của tôi thì Việt Nam mới là quốc gia đầu tiên có tơ sen. Ngày xưa Tuệ Trung Thượng Sĩ, anh ruột của tướng Trần Hưng Đạo từng viết “phóng trước liên ti phược hổ nhi”, dịch là “liệng sợi tơ sen trói mãnh hổ”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ