SEA Games vẫn là cuộc chiến khốc liệt

GD&TĐ - SEA Games 2025 được xác định sẽ tập trung nhóm môn ASIAD, Olympic và hạn chế nhiều hơn đặc quyền của nước chủ nhà.

Các vận động viên karate Việt Nam nhận Huy chương Vàng SEA Games 32 nội dung đồng đội nữ. Ảnh: ITN.
Các vận động viên karate Việt Nam nhận Huy chương Vàng SEA Games 32 nội dung đồng đội nữ. Ảnh: ITN.

Tuy nhiên, nhìn vào danh sách sơ bộ các môn thi đấu của kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 33 diễn ra vào năm tới, có vẻ như Thái Lan vẫn muốn tận dụng triệt để ưu thế của quốc gia đăng cai hơn là chung tay nâng cấp giải đấu vốn được ví như “ao làng”.

Mong muốn rũ bỏ “ao làng”

SEA Games 32 năm 2023, nước chủ nhà Campuchia trong lần đầu tổ chức đã đưa vào chương trình thi đấu 37 môn, với tổng cộng hơn 600 nội dung, cao nhất trong lịch sử các kỳ đại hội thể thao khu vực.

Thế nhưng, với lợi thế của quốc gia đăng cai, được ghi trong Điều lệ Hội đồng Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, Campuchia đã thẳng tay loại bỏ rất nhiều môn có trong chương trình thi đấu của Olympic và ASIAD như bắn súng, bắn cung, thể hình, thể dục dụng cụ nữ, đua thuyền canoeing - rowing...

Theo thông tin từ Cục Thể dục thể thao (Bộ VH-TT&DL), danh sách sơ bộ các môn thi đấu của kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á sẽ diễn ra vào năm 2025 gồm: Bơi, nhảy cầu, bóng nước, bơi nghệ thuật, bơi marathon, điền kinh, bắn cung, cầu lông, bóng rổ (5x5, 3x3), canoeing, rowing, xe đạp, đua ngựa nghệ thuật, bóng ngựa (polo), đấu kiếm, bóng đá (nam, nữ), bóng đá trong nhà (futsal), golf, thể thao điện tử e-sports, muay, bóng lưới (netball), pencak silat, bi sắt, cầu mây, teqball, kickboxing, ném đĩa, tug of war (kéo co), thể dục dụng cụ, bóng ném, hockey, judo, bóng bầu dục 7 người, sailing, bắn súng, bóng bàn, taekwondo, quần vợt, triathlon, bóng chuyền, vật, trượt băng, hockey trên băng; 5 môn hiện đại pentathlon, bóng chày - bóng mềm, billiard&snooker, boxing, bóng sàn.

Thay vào đó, nước chủ nhà đưa vào nhiều môn mang đậm tính địa phương như võ bokator (môn võ cổ truyền của Campuchia, có đến 16 nội dung thi đấu), kun khmer, cờ Ouk Chaktrang (hay còn gọi cờ ốc), mô tô nước.

Chương trình thi đấu mang đậm dấu ấn cá nhân của nước chủ nhà SEA Games 32 đã ảnh hưởng đến thành tích của nhiều quốc gia trong khu vực, kể cả Việt Nam. Ngoài ra, điều này cũng khiến nhóm vận động viên các môn bắn súng, bắn cung, thể hình... mất đi cơ hội quý giá để thi đấu cọ xát, nhằm hướng đến các đấu trường cao hơn như vòng loại Olympic Paris 2024 và ASIAD 19.

Đổi lại, Campuchia có bước “đại nhảy vọt” về huy chương và thứ hạng. Cho dù chưa thể chen chân vào nhóm 3 đội đứng đầu bảng tổng sắp huy chương SEA Games 32, song quốc gia này đã vươn lên thứ 4 với 81 Huy chương Vàng, 74 Huy chương Bạc và 126 Huy chương Đồng.

Trong khi đó, kết thúc SEA Games 31 năm 2022, Campuchia chỉ giành 9 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, và 41 Huy chương Đồng, đứng hạng 8. Hay SEA Games 30 năm 2019, họ chỉ giành 4 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 36 Huy chương Đồng, đứng hạng 8.

Lợi thế chủ nhà chính là sự giải thích thỏa đáng cho việc Campuchia thăng tiến “thần kỳ” từ 9 Huy chương Vàng năm 2022 và 1 năm sau giành tới 81 Huy chương Vàng. Tuy nhiên, đây cũng là hệ quả mang tính truyền thống của sân chơi thể thao khu vực.

Nước chủ nhà không chỉ gặp thuận lợi về di chuyển và địa điểm thi đấu, mà còn có quyền được đưa vào các môn thế mạnh và loại bỏ những môn mình không có khả năng cạnh tranh huy chương, kể cả đó là môn thuộc nhóm Olympic. Nhìn lại hơn 3 thập kỷ gần đây, quyền lực chủ nhà được khẳng định rõ ràng ở mỗi kỳ đại hội.

Thái Lan giành vị trí dẫn đầu chung cuộc khi tổ chức SEA Games năm 1995. Hai năm sau, đến lượt Indonesia lấy lại ngôi vị này. Ở các kỳ 2001, 2003 và 2005, lần lượt Malaysia, Việt Nam và Philippines dẫn đầu khi làm chủ nhà SEA Games. Trước đó, ba đoàn này chưa từng có lần nào đứng thứ hạng cao nhất.

Đặc quyền, đặc lợi chỉ có ở thể thao Đông Nam Á giúp quốc gia đăng cai đứng nhất được duy trì trong nhiều kỳ tiếp theo với các trường hợp Thái Lan (2007), Indonesia (2011), Malaysia (2017), Philippines (2019) và Việt Nam (2022). Tính từ năm 1991 đến nay, chỉ có 5 lần mà chủ nhà là Brunei (1999), Lào (2009), Myanmar (2013), Singapore (2015) và Campuchia (2023) không đứng nhất toàn đoàn.

Nhưng các nước tổ chức SEA Games này đã giành rất nhiều Huy chương Vàng, Campuchia năm ngoái là ví dụ. Bên cạnh đó, nhiều nước chủ nhà còn giành được số Huy chương Vàng vượt trội.

Như ở SEA Games 31 năm 2022, chủ nhà Việt Nam giành tới 205 Huy chương Vàng, phá kỷ lục SEA Games, trong khi Thái Lan đứng thứ hai chỉ có 92 Huy chương Vàng. Trước đó, tại SEA Games 2019, Việt Nam đứng thứ 2 chung cuộc (98 Huy chương Vàng) nhưng kém xa so với chủ nhà Philippines với 149 Huy chương Vàng.

Vậy nên, nhằm nâng cao chất lượng SEA Games, Hội đồng Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á đã thay đổi Điều lệ tổ chức giải đấu này, trong đó từ năm 2025 nước chủ nhà phải đưa chủ yếu các môn thể thao thuộc nhóm Olympic và ASIAD vào chương trình thi đấu, đồng thời hạn chế tối đa các môn địa phương có lợi cho nước chủ nhà.

Cụ thể, các môn SEA Games tiếp tục được chia làm ba nhóm, trong đó điền kinh và bơi thuộc nhóm một (bắt buộc). Nhóm hai gồm ít nhất 15 môn thuộc Olympic, ASIAD hoặc đại hội thể thao trong nhà châu Á như: Bóng đá, bóng chuyền, bắn súng, bắn cung...

Nhóm ba là các môn nặng tính địa phương mà chủ nhà có thế mạnh, và chỉ được chọn tối đa 2 môn với tổng cộng 8 nội dung thi đấu. Tránh tình trạng nhiều môn “đặc thù” chỉ có 2 - 3 quốc gia tham gia, hoặc những tình huống dở khóc dở cười, vận động nào tham dự cũng có… huy chương.

Voi được chọn làm linh vật của SEA Games 33 diễn ra tại Thái Lan vào năm 2025. Ảnh: The Standard.

Voi được chọn làm linh vật của SEA Games 33 diễn ra tại Thái Lan vào năm 2025. Ảnh: The Standard.

Tranh cãi đến phút cuối

Hội đồng Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á mong muốn đưa SEA Games tiến sát đến tiêu chuẩn ASIAD và Thế vận hội Olympic. Nhưng Hội đồng ở đây là các quốc gia thành viên của khu vực, mà những gương mặt chủ chốt như Thái Lan, Indonesia hay Việt Nam vẫn có tiếng nói và vai trò quyết định về chương trình thi đấu SEA Games.

Thế nên, ưu thế chủ nhà và bài toán thành tích tiếp tục là câu chuyện tranh cãi, kéo dài và có lẽ chỉ chấm dứt khi các bên tìm được tiếng nói chung, đồng nghĩa đạt được thỏa thuận về lợi ích cho các bên liên quan.

Mới đây, tại Bangkok (Thái Lan) nước chủ nhà SEA Games 33 đã công bố danh sách sơ bộ các môn thi đấu của kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á sẽ diễn ra vào năm 2025.

Nhìn vào danh sách sơ bộ này, có thể thấy các môn thể thao truyền thống của nước chủ nhà Thái Lan đã được cắt giảm đúng theo tinh thần của Hội đồng Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á.

Tuy nhiên, người Thái lại loại bỏ rất nhiều môn thế mạnh của các đối thủ, trong đó có Việt Nam như karate, vovinam. Đáng chú ý, cử tạ là môn Olympic nhưng cũng không được đưa vào chương trình thi đấu. Ngoài ra, jujitsu, kurash, wushu và lặn cũng bị “gạch tên”.

Theo thống kê ở SEA Games 32, những môn bị loại ở kỳ đại hội tới đều là mỏ vàng của thể thao Việt Nam, như lặn (14 Huy chương Vàng), vovinam (7 Huy chương Vàng), wushu (6 Huy chương Vàng), karate (6 Huy chương Vàng), cử tạ (4 Huy chương Vàng)…

Số huy chương của các môn bị loại này chiếm gần 1/3 so với tổng số 136 Huy chương Vàng mà chúng ta giành được ở SEA Games 32. Hay như kurash, Việt Nam đã giành 14 Huy chương Vàng ở SEA Games 2019 và 2022, nhưng môn này bị chủ nhà Campuchia loại ở SEA Games 2023 và Thái Lan tiếp tục không đưa vào thi đấu tại đại hội năm 2025.

Thông tin từ Cục Thể dục thể thao cho biết, tại cuộc họp ở Thái Lan, đại diện của Ủy ban Olympic Việt Nam đã đề xuất bổ sung môn cử tạ, wushu, vovinam, jujitshu… vào chương trình thi đấu của SEA Games 33.

Đề xuất này của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của các quốc gia Malaysia, Brunei (wushu), Myanmar (vovinam, wushu), Lào (vovinam và wushu), Campuchia (jujitshu).

Bên cạnh đó, Myanmar, Timor Lester, Philippines, Singapore và Campuchia cũng đề xuất bổ sung thêm các môn: Đua thuyền truyền thống, thể hình, skate boarding, sports climbing, võ thuật tổng hợp…

Theo lộ trình, số môn, nội dung của SEA Games 33 mà Thái Lan đưa ra vừa qua chưa phải danh sách cuối cùng. Phải tới tháng 12/2024, sau khi các Ủy ban Olympic quốc gia có ý kiến đóng góp, đề xuất, Ban tổ chức SEA Games 33 Thái Lan mới chính thức chốt lại.

Theo thống kê của Ủy ban Olympic quốc tế, Thái Lan là quốc gia có thành tích tham dự các kỳ Olympic tốt nhất ở Đông Nam Á. Tính đến trước Olympic Paris 2024, Thái Lan đã đoạt 34 huy chương Olympic (10 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc, 16 Huy chương Đồng).

Những năm gần đây, Thái Lan tập trung cho ASIAD, Olympic và nhiều môn thể thao của họ hiện đã đạt trình độ thế giới như cầu lông, taekwondo, bóng chuyền nữ... Thế nhưng, người Thái vẫn bộc lộ quyết tâm giành ngôi số 1 bảng tổng sắp huy chương ở giải đấu “ao làng” này.

Tuy không đi theo con đường cũ là đưa vào thi đấu nhiều môn mang tính địa phương, song chủ nhà SEA Games tìm cách giảm đi sức mạnh của các đối thủ từ chính các môn thuộc nhóm Olympic.

Đơn cử như cử tạ, vốn thuộc môn thế mạnh của Thái Lan, nhiều lần giành Huy chương Vàng Olympic. Nhưng cử tạ Thái Lan cũng là điểm nóng doping. Theo đó, 10 đô cử Thái Lan có kết quả xét nghiệm dương tính với steroid vào năm 2018, 9 trong số đó tại Giải vô địch thế giới ở Ashgabat (Turkmenistan) và 1 vận động viên tại Olympic trẻ Buenos Aires 2018.

Sau đó, tất cả danh hiệu mà cử tạ Thái Lan giành được ở những giải đấu này bị thu hồi, đồng thời nhận án phạt nặng cấm thi đấu nhiều năm từ Liên đoàn Cử tạ thế giới. Tuy nhiên, với sân chơi khu vực, cử tạ Thái Lan vẫn giữ được vị trí nhóm đầu.

Vận động viên Trần Minh Trí đoạt Huy chương Vàng cử tạ (hạng 67 kg) SEA Games 32. Ảnh: ITN.

Vận động viên Trần Minh Trí đoạt Huy chương Vàng cử tạ (hạng 67 kg) SEA Games 32. Ảnh: ITN.

Như ở SEA Games 32, Thái Lan đứng hạng 3 chung cuộc môn cử tạ với 2 Huy chương Vàng, 7 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng, xếp sau Việt Nam (4 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng).

Indonesia đứng đầu với 5 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 11 Huy chương Đồng. Vậy nên, rất có thể việc loại cử tạ khỏi danh sách sơ bộ của Thái Lan chỉ là động thái gây sức ép của nước chủ nhà nhằm tìm kiếm sự đồng thuận nào đó, hoặc đưa nhiều nội dung sở trường vào chương trình thi đấu.

Trong lịch sử SEA Games, Thái Lan từng 13 lần xếp nhất toàn đoàn, bao gồm 7 kỳ diễn ra bên ngoài quốc gia này. Đáng chú ý, 30 năm qua, SEA Games 33 mới là lần thứ 3 quốc gia này trở thành chủ nhà của ngày hội thể thao khu vực. 2 lần trước đó Thái Lan trong vai trò chủ nhà đều dễ dàng độc chiếm vị trí số 1.

Tại SEA Games 18 năm 1995, người Thái giành 157 Huy chương Vàng, Indonesia về nhì với 77 Huy chương Vàng và Việt Nam năm đó đứng hạng 6 với 10 Huy chương Vàng.

Đến SEA Games 24 năm 2007, Thái Lan về nhất với 183 Huy chương Vàng, Malaysia đoạt ngôi á quân chỉ với 68 Huy chương Vàng và Việt Nam đứng hạng 3 khi có 64 Huy chương Vàng.

Tuy nhiên, thể thao Việt Nam ở SEA Games 2019, lần đầu tiên chúng ta vượt qua Thái Lan trong một kỳ đại hội tổ chức bên ngoài lãnh thổ. Đến SEA Games 31, thể thao Việt Nam thiết lập hàng loạt kỷ lục về số lượng Huy chương Vàng, trong đó lần đầu có tổng số Huy chương Vàng hơn gấp đôi Thái Lan.

Thái Lan được coi là thất bại nếu như họ không đứng đầu SEA Games 33 và họ đang quyết tâm đòi lại vị trí dẫn đầu khu vực. Điều đó được thấy khá rõ khi ở SEA Games 32, quốc gia này tham dự đông nhất với 1.985 thành viên, coi đây là cơ hội tổng duyệt, rà soát lực lượng rất quan trọng cho kỳ đại hội năm 2025 mà họ là nước chủ nhà.

Vậy nên, thật dễ hiểu khi Thái Lan đang tìm mọi cách cắt giảm nhiều môn, nội dung thế mạnh của đối thủ hòng tạo lợi thế cho cuộc đua đến vị trí số 1 toàn đoàn vào năm tới.

Vậy nên, SEA Games vẫn rất khốc liệt, và có lẽ 2 từ “ao làng” khó có thể biến mất mà nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác theo chiều hướng tích cực hơn.

SEA Games 33 diễn ra từ ngày 9 - 20/12/ 2025 tại ba địa điểm Songkhla, Chonburi và Bangkok. Tại SEA Games 32 hồi tháng 5 năm ngoái, Việt Nam về nhất toàn đoàn, Thái Lan chiếm ngôi nhì. Hai kỳ SEA Games liên tiếp 31 (tại Việt Nam) và 32 (tại Campuchia) đều diễn ra vào tháng 5, nắng nóng, ảnh hưởng chất lượng các cuộc tranh tài. Ở kỳ đại hội tới, Thái Lan đưa SEA Games trở lại quỹ đạo cuối năm thời tiết và khí hậu ở Đông Nam Á trở nên mát mẻ hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.