Sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng dạy thêm, học thêm

GD&TĐ - Ông Nguyễn Hữu Danh - Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TPHCM, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong, nhiều năm là Chủ tịch Hội đồng thi tốt nghiệp THPT tại TPHCM nói về đề án đổi mới thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT đề xuất.

Phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT được xã hội đồng thuận
Phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT được xã hội đồng thuận

Tôi ủng hộ phương án 1, đó là thi tốt nghiệp thay vì 6 môn giảm xuống còn 4 môn. Trong đó có 2 môn tự chọn. Ngoại ngữ cũng tự chọn tùy theo khả năng của HS. 

Phương án này phù hợp cả phụ huynh và giáo viên, HS. Trước hết là vì phương án này giải quyết được tình trạng dạy thêm, học thêm trong xã hội ta đang ngày càng nặng nề. 

Dạy thêm, học thêm thực chất là có nhu cầu của cả 2 phía: Phụ huynh, học sinh với giáo viên. GV muốn dạy thêm để tăng thêm thu nhập vì lương chưa đủ sống, HS cần học thêm vì học trên lớp không đủ, khối lượng kiến thức theo SGK thì ngày càng nhiều, nhồi nhét. 

Trên thực tế thời gian qua, việc cấm dạy thêm, học thêm đã triển khai nhưng không dẹp được tình trạng. Giảm bớt môn thi tốt nghiệp là bớt áp lực cho cả HS và cả GV, phụ huynh.

Khi giảm bớt các môn thi, sẽ giảm áp lực cho HS, phụ huynh trong kỳ thi tốt nghiệp. GV bớt lo lắng, việc nặng nề trong thi cử không còn. 

HS và cả thầy trò chỉ tập trung học 2 môn chính: Toán và Văn được coi là 2 môn "công cụ". Còn những môn khác tự chọn theo khả năng, sở trường, năng khiếu. HS tiếp thu không còn áp lực, lượng kiến thức sẽ thực chất hơn. 

Ngày xưa các môn học không được coi là chính HS chỉ cần đạt trung bình. Cả ngàn HS thi có khi chỉ chọn 1 - 2 HS giỏi, chứ đâu cần tất cả HS đạt loại giỏi như hiện nay. 

Bài thi từ đó sẽ ra đề mức độ HS trung bình cũng làm được sẽ nhẹ cho gánh nặng học tập của HS. Do đó càng không cần đi học thêm. Còn GV chỉ cần dạy theo nội dung đã được giảm tải của chương trình, giảm bớt cường độ làm việc, cũng tránh được chuyện phải dạy tủ, học tủ. HS học đều các môn.

Thầy, trò không bị bất ngờ

Vấn đề lo ngại mà Hội Cựu giáo chức đã bàn tới đó là có gây xáo trộn cho cả thầy và trò không khi đề án được triển khai ngay năm học 2014? Vì có nơi đã và đang dạy cho HS theo tinh thần cũ là thi 6 môn, còn đưa phương án có môn tự chọn nhưng HS không biết lựa chọn môn gì?

Đề án mới thi tốt nghiệp cũng là thực hiện chủ trương "mở" trong cách thức dạy và học, thi cử mà Bộ GD&ĐT đã bắt đầu thực hiện trong kỳ thi tốt nghiệp năm qua với việc ra đề văn mở, không gò bó, cứng nhắc, phát huy tính sáng tạo của HS. 

Lộ trình ra đề thi "mở" cũng phải sau 5 năm mới hoàn thành được. Tuy nhiên việc học tập, phương pháp giảng dạy và khâu tổ chức thi cử phải thay đổi ngay từ bây giờ để đến khi sau 5 năm cả HS và GV lĩnh hội được hết thành quả của phương án đổi mới. 

Cái khó là lộ trình 5 năm thay đổi nhưng không "mở" đột ngột, mà "mở" từ từ. Vì thế, nếu GV không thay đổi ngay từ bây giờ thì khi chương trình thay đổi, đột phá cùng bộ SGK hoàn tất theo chương trình đã mở hoàn toàn thì GV sẽ bị thải loại.

Việc 20% học sinh giỏi sẽ được xét miễn thi tốt nghiệp là phương án tốt, phù hợp với thực tế và đáp ứng được nhu cầu tiết giảm, giảm tải thi cử cho phụ huynh và học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.