Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, địa phương chủ trì công tác chấm thi với quy trình chặt chẽ, có sự giám sát của con người và thiết bị kỹ thuật.
Thêm nữa, toàn bộ dữ liệu chấm thi (dữ liệu quét ảnh gốc, dữ liệu trung gian… sẽ được mã hóa và gửi về Bộ để giám sát; chấm đối sánh khi cần thiết…);
Với bài thi trắc nghiệm, phần mềm chấm thi sẽ được dùng chung để bảo đảm tính bảo mật cao nhất có thể; có sự giám sát của hệ thống camera để đảm bảo an toàn, nghiêm túc, khách quan, ngăn chặn tối đa gian lận, tiêu cực gian lận.
“Một trong những giải pháp quan trọng mà Bộ GD&ĐT xây dựng và sẽ triển khai là tăng cường thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi, đi liền với xây dựng các chế tài để xử lý kịp thời và nghiêm minh các tiêu cực, gian lận (nếu có).
Năm nay, ngoài các đoàn thanh tra của Bộ, của Sở GD&ĐT sẽ có thanh tra của tỉnh cùng thực hiện thanh tra các khâu của Kỳ thi” – ông Mai Văn Trinh cho biết thêm.
Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, việc giao quyền tổ chức Kỳ thi về cho địa phương đồng nghĩa với việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu địa phương cũng như trách nhiệm của người phụ trách các khâu trong quy trình tổ chức thi.
Tại kết luận tại phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 22/4, Thủ tướng Chính phủ kết luận Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm toàn diện, trực tiếp về an toàn, nghiêm túc của Kỳ thi tại địa phương mình.
Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị sẽ vào cuộc để tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT, một nhiệm vụ quan trọng của kinh tế - xã hội hằng năm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 .