(GD&TĐ)-Bộ GD&ĐT công bố dự thảo quy định về học phí chất lượng giáo dục cao trong các trường mầm non, phổ thông công lập. Văn bản này quy định nguyên tắc xác định mức học phí thực hiện chất lượng giáo dục cao gồm: điều kiện thực hiện chất lượng giáo dục cao; học phí chất lượng giáo dục cao; tổ chức thực hiện.
Chất lượng giáo dục cao là kết quả cam kết đạt được ở mức độ cao hơn so với mức độ đạt được tại thời điểm cam kết cùng với các yêu cầu về điều kiện thực hiện được cải tiến. Cơ sở giáo dục được thực hiện chất lượng giáo dục cao phải đáp ứng những điều kiện cụ thể liên quan đến nhà trường, giáo viên, nội dung dạy học - giáo dục và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học- giáo dục. Cơ quan quản lý có thẩm quyền tổ chức đánh giá định kỳ hoặc đột xuất (theo yêu cầu của công tác quản lý) kết quả thực hiện cam kết chất lượng giáo dục cao của nhà trường.
Học phí chất lượng giáo dục cao là khoản tiền mà người học phải nộp để trang trải chi phí đào tạo chất lượng giáo dục cao mà người học tham gia; thu trên nguyên tắc mức thu học phí để bù đắp chi phí đào tạo, không vì mục đích lợi nhuận, phù hợp với khả năng đóng góp của ng¬ười học, trên cơ sở thỏa thuận và tự nguyện của cha mẹ học sinh. Người học tham gia hoạt động chất lượng giáo dục cao nào, hưởng dịch vụ giáo dục cao nào thì đóng góp theo mức thu áp dụng cho chất lượng, dịch vụ đó.
Việc thực hiện điều chỉnh mức thu (nếu có) phải dựa trên kết quả đánh giá chất lượng giáo dục và trách nhiệm thực hiện cam kết của nhà trường, của học sinh và cha mẹ học sinh.
Học phí chất lượng giáo dục cao được sử dụng để bù đắp các khoản: chi thù lao giáo viên hoặc chuyên gia tham gia giảng dạy, tổ chức các hoạt động giáo dục chất lượng cao; chi đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học - giáo dục; chi mua sách, tài liệu tham khảo; chi thù lao công tác quản lý; chi cho các hoạt động dịch vụ giáo dục.
Các nội dung chi thực hiện theo định mức quy định, đảm bảo các định mức, nguyên tắc tài chính hiện hành và theo qui chế chi tiêu nội bộ.
Lập Phương