Sẽ có bộ tiêu chí “chấm” trách nhiệm người đứng đầu sở, ngành

“TPHCM sẽ sớm ra bộ tiêu chí đánh giá trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, quận, huyện. Ai có một trong các biểu hiện không quan tâm tới công tác cải cách thủ tục hành chính - như quy định của bộ tiêu chí - là chưa làm tròn trách nhiệm. Vướng từ 2 biểu hiện trở lên sẽ bị xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Ai mắc phải 50% các khuyết điểm sẽ bị xem xét xử lý và có thể bị luân chuyển công tác” - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, cho biết tại Hội nghị Sơ kết 9 tháng đầu năm 2018 về Cải cách Thủ tục hành chính (TTHC).

Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của UBND quận 12, TPHCM luôn đông kín người dân đến giao dịch. Ảnh: VGP
Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của UBND quận 12, TPHCM luôn đông kín người dân đến giao dịch. Ảnh: VGP

Dịch vụ công: 50% người dân chưa hài lòng hoặc chỉ hài lòng “vừa phải”

Theo tổng kết của Sở thông tin truyền thông TPHCM, hiện toàn địa bàn đã thực hiện được 655 TTHC công trực tuyến ở mức độ 3, và 112 thủ tục ở mức độ 4. So với năm 2017 thì tỷ lệ hồ sơ hành chính sử dụng dịch vụ công trực tuyến của TPHCM đã tăng từ 32% lên 38%.

Nếu như các Sở ngành có nhiều thuận lợi trong triển khai sâu rộng dịch vụ công trực tuyến nhờ chủ yếu làm TTHC cho giới doanh nghiệp thì tại các quận, huyện - nơi người dân còn nhiều hạn chế về điều kiện kinh tế lẫn tiếp cận thông tin - tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng đã tăng mạnh từ 8% lên 11% trong năm qua.

Đáng chú ý, những đơn vị có tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến cao trên tổng số hồ sơ làm TTHC lại không phải là những địa bàn có mức độ phát triển kinh tế - xã hội dẫn đầu, ví như UBND quận Bình Tân (47%), UBND Quận Bình Thạnh (45%), UBND Quận 4 (43%), UBND Quận Tân Bình (41%) và UBND huyện Hóc Môn (32%). “So với mức trung bình các quận, huyện toàn Thành phố là 11% thì rõ ràng các đơn vị này đã có sự nỗ lực rất lớn”, bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TPHCM (Sở TTTT) nhận xét.

Đằng sau các con số thể hiện sự cải thiện của “môi trường” dịch vụ công trực tuyến, nhiều tồn tại trong thực hiện TTHC bị cho là vẫn “dẫm chân tại chỗ” suốt 3 tháng qua. “Thư xin lỗi dân vì trễ hẹn hồ sơ hay mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ công chưa cải thiện nhiều. Có quận đông dân dù báo cáo chưa tới 1% hồ sơ trễ hẹn - nghĩa là cũng có cả nghìn hồ sơ - nhưng tổng kết đầu năm tới nay mới ra được 6 thư xin lỗi”, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, nêu góc nhìn từ phía cơ quan phối hợp UBND TPHCM giám sát công tác cải cách TTHC tại các sở ngành, quận huyện.

Khảo sát độc lập do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM thí điểm trên một số sở ngành và quận huyện để “định lượng” sự hài lòng của người dân với TTHC còn cho thấy vẫn có tới 50% người dân nói chỉ mới “hài lòng ở mức độ vừa phải hoặc chưa hài lòng”.

Dự kiến vào cuối tháng 10 năm nay, Ban Chỉ đạo Cải cách TTHC TPHCM cùng UB MTTQ Việt nam TPHCM sẽ hoàn tất khảo sát độc lập này với các phân tích chi tiết nhằm đánh giá sự hài lòng của người dân khi làm thủ tục hành chính nói chung. Được biết, khảo sát được thực hiện với sự hỗ trợ của các bên tư vấn thứ 3.

Sẽ kiểm tra năng lực quản lý “người đứng đầu” sở ngành, quận huyện

Với chủ đề Hội nghị nhấn mạnh “Trách nhiệm người đứng đầu”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã nhận định nhiều lãnh đạo quận, huyện, sở, ngành chưa có sự quan tâm đúng mức tới công tác cải cách TTHC.

Cùng với đó là hàng loạt khuyết điểm được chỉ ra như: tư tưởng ngại tiếp dân; không quan tâm tới bức xúc của dân - thường giao cho cấp dưới xử lý mà không kiểm tra lại; không quan tâm tới mâu thuẫn nội bộ quanh những lợi ích “khai thác” từ doanh nghiệp và người dân; không quan tâm xử lý tiêu cực nội bộ, không chấn chỉnh các phiền hà, nhũng nhiễu; không họp hành hay quan tâm tới các chủ trương về cải cách hành chính (đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, nhân rộng mô hình cải cách TTHC đã thành công của các đơn vị bạn…); chưa nắm vững quy trình công tác nên không kiểm soát được cấp dưới…

“Người đứng đầu cũng không biết có bao nhiêu hồ sơ trễ hẹn; thư xin lỗi dân cũng không dám ký mà giao lại cho cấp phó. Điều này không chỉ thể hiện văn hóa của người quản lý mà còn cho thấy sự quan tâm chưa đầy đủ đến công tác do mình phụ trách”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Sau khi nêu hàng loạt “điểm trừ” cho công tác cải cách TTHC trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã tuyên bố “Thành phố sẽ sớm ra bộ tiêu chí đánh giá trách nhiệm người đứng đầu”. Theo đó “ai có một trong các biểu hiện trên là chưa làm tròn trách nhiệm. “Vướng” từ 2 biểu hiện trở lên sẽ bị xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Ai mắc phải 50% các khuyết điểm đã nêu sẽ bị xem xét xử lý và có thể bị luân chuyển công tác”.

Đáng chú ý, “bài kiểm tra” đầu tiên về năng lực quản lý hành chính với một số lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện sẽ được UBND TPHCM thực hiện ngay trong buổi làm việc vào sáng ngày 4/10 tới. “Những ai trực tiếp điều hành công việc nhìn là biết liền! Buổi kiểm tra này sẽ không có chuyện giấy tờ ở đây! Lãnh đạo các đơn vị không cần viện dẫn chính xác tên văn bản, quyết định nào cả, nhưng phải biết việc, hỏi đâu phải trả lời đó”, ông Tuyến phát đi thông báo “nóng” ngay tại Hội nghị.

Hiện TPHCM bị cho rằng chỉ đạt mức điểm thấp ở 10 chỉ tiêu liên quan tới cải cách hành chính tại 3 bộ tiêu chí đánh giá quan trọng là PAR Index (Chỉ số cải cách hành chính), PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công) và PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Dẫu vẫn còn những tranh cãi về mức độ chuẩn mực trong công tác lấy mẫu của các nhà khảo sát 3 bộ chỉ số trên, nhưng có lẽ đây cũng là một phần động lực khiến các nhà quản lý TPHCM đã phải “mạnh tay” hơn với cỗ máy hành chính khổng lồ hiện đang “gồng mình” giải quyết tới 14 triệu hồ sơ TTHC mỗi năm.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ