Sẻ chia và đồng cảm!

Họ cho rằng học sinh nghỉ học phòng dịch, nhà trường không khấu trừ tiền ăn, xe đưa đón đã đóng trọn gói từ đầu năm. Có nơi dùng chiêu trừ vào học phí năm sau để… giữ chân học sinh. Hoặc mức học phí online tính như dạy trực tiếp, cho dù chất lượng, thời gian học vô cùng bập bõm.

Đơn cử như việc thu học phí online với khối tiểu học, phổ thông ở trường tư thục và quốc tế. Không quá khó để nhận ra những bất hợp lý của một số cơ sở giáo dục khi luôn muốn nhận phần lợi ích nhiều nhất về phía mình. Chỉ đến khi phụ huynh phản ứng gay gắt họ mới tính toán lại, lấy ý kiến phụ huynh. Nhưng quyết định cuối cùng, phần thiệt thòi vẫn cứ thuộc về người học. Cũng như vậy, nhiều phụ huynh có con học trường mầm non có yếu tố nước ngoài tỏ ra bức xúc về việc thu phí học online đối với học sinh. Bởi ở lứa tuổi này, các cháu xỏ dép còn ngược, ăn cần người đút, thì gọi là học online với máy tính bảng, điện thoại thông minh cho sang chứ hiệu quả thì gần như không thể tính đếm.

Trường có lý của trường, phụ huynh có lý của phụ huynh. Việc không đưa ra được giải pháp thấu lý, đạt tình gây bức xúc cho nhiều gia đình. Thật đáng buồn khi phải chứng kiến tình trạng phụ huynh tập trung trước cổng trường phản đối mức thu học phí online mà theo họ “đắt không xắt ra miếng”.

Vẫn biết các khoản thu ở trường tư thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và các quy định về cơ chế thu, quản lý học phí với các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Nhưng trong bối cảnh toàn xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có cả phụ huynh và nhà trường, học phí dạy học online cần có sự điều chỉnh hợp lý, bàn bạc và thỏa thuận với phụ huynh học sinh. Và chắc chắn một điều, học phí online không thể như dạy trực tiếp. Điều phụ huynh cần là sự công khai, minh bạch và sòng phẳng của nhà trường với các khoản thu chi.

Sẻ chia và đồng cảm là những điều ghi nhận được trên cả nước trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành. Những cây “ATM gạo” lan tỏa sự yêu thương khắp từ Bắc tới Nam. Ở nhiều trường đại học, cùng chia sẻ với người học, bằng cách giảm học phí và hỗ trợ sinh viên vượt qua khó khăn với khẩu hiệu “Không để sinh viên nào bị bỏ lại phía sau”. Ai cũng biết, học sinh - sinh viên nghỉ học, nhưng các nhà trường vẫn phải trả lương cho người lao động. Nhưng dịch bệnh cũng khiến gia đình các em bị ảnh hưởng, lương, thu nhập giảm, gánh nặng mưu sinh ngày càng lớn. Thế nên, việc chia sẻ gánh nặng với học sinh - sinh viên của mình bằng cách giảm học phí, thu - chi phù hợp là điều nên làm.

Covid-19 đã và đang giúp con người xích lại gần nhau, lan tỏa và nhân rộng nhiều tình yêu thương trong xã hội. Trường học là nơi cung cấp dịch vụ đặc biệt, đó là giáo dục con người, lại càng cần thiết đề cao và nhân rộng những giá trị nhân văn cao đẹp đó. Chính vì thế đừng để đồng tiền khiến người học mất niềm tin vào nhà trường trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cùng đồng cảm và sẻ chia tìm ra tiếng nói chung, để học sinh và phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em đến học tập, cùng nhà trường phát triển lâu dài. Đó là cái đích bất cứ cơ sở giáo dục nào cũng cần hướng tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Góc phố Tết” của Trường Tiểu học Phú Thọ. Ảnh: MA

Cùng bạn nghèo đón Tết

GD&TĐ - Cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các trường học tại TPHCM tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, giúp học sinh hiểu thêm về Tết cổ truyền.