(GD&TĐ) - Một ngày tháng 7, chúng tôi lại băng rừng tìm về với những đồng bào Ca Dong huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) như tìm lại một phần của chính mình. Vẫn tấm lòng nhiệt thành, chất phác, vẫn cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Một trong những nét văn hóa độc đáo ấy là lấy rượu Đoak, cũng có thể gọi là lấy rượu trời...
Lấy rượu giữa đêm mới ngon...
2 thanh niên Ca Dong đang miệt mài trèo cây lấy rượu Đoak |
Theo lời của đồng bào Ca Dong thì rượu trời phải lấy vào lúc nửa đêm mới ngon, mới đúng vị của nó. Vậy là nằm trên nhà sàn mà lòng cứ khấp khởi chờ. Và rồi, tiếng gọi nhau ý ới cũng vang lên...
Đúng 12 giờ đêm, chúng tôi băng qua những rẫy lúa, những cánh rừng dốc đá cheo leo, cùng với một gia đình người Ca Dong ở thôn 3 xã Trà Giáp (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) làm cuộc hành trình lấy rượu Đoak. Thời khắc này dễ làm cho những ai không quen với không khí núi rừng có cảm giác không an toàn giữa cảnh hoang vu, rờn rợn.
Người Ca Dong bản địa vượt qua những con dốc băng băng, họ đi đêm như có quán tính, tránh được từng rễ cây, từng hố sâu mà không cần đèn đóm gì. Có chúng tôi đi theo họ mới cầm đèn pin giúp khách nhìn đường cho dễ.
Hơn 1 tiếng đồng hồ đi theo kiểu người trước chạy, người sau bò, cả đoàn đến được nơi lấy rượu Đoak. Đây vốn là một cây họ dừa, thân cao, hoa ra từng buồng vào mùa hè, rủ xuống rất đẹp. Theo ánh đèn pin, những buồng hoa Đoak hiện ra trong đêm, mang một vẻ đẹp giản dị nhưng cũng đầy ma lực của núi rừng.
Tôi và anh bạn đồng hành từ xuôi lên đã gần như kiệt sức sau khi bám theo những bàn chân khỏe khoắn của những người Ca Dong bản địa. Giờ ngồi xuống một gốc cây rừng để nhìn công việc bình thường mà đã trở thành một nét văn hóa nơi đây diễn ra trước mắt.
Hai người thanh niên Ca Dong bắt đầu trèo lên cây đoak, người sau cầm can nhựa để đựng rượu. Rượu Đoak thường được người Ca Dong lấy từ buồng hoa ra. Đầu tiên, trước khi muốn lấy rượu, họ cắt một đoạn buồng hoa Đoak đi, cột vào đó những ống nứa dài đủ để chứa lượng nước chảy ra, bịt một đầu lại.
Rồi mỗi ngày, 1 hoặc 2 lần, họ đem thùng, đem can trèo lên, mở đầu ống nứa đã bịt ra, cho rượu chảy vào, đầy mới đem về. Cứ thế, hết buồng hoa Đoak này đến buồng hoa Đoak khác, hết cây này đến cây khác. Rượu của núi rừng cứ say với người suốt cả mùa hè.
Nhìn 2 người thanh niên Ca Dong trèo lên cây, lấy rượu và đưa xuống đất trong những tiếng cười vui háo hức của cả đoàn người mà lòng khách miền xuôi lên đây cũng cảm thấy vui lây.
Người ta đi lấy rượu Đoak theo từng nhóm bạn thân nhau hoặc cả gia đình. Bởi vậy, việc lấy rượu Đoak còn thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của người Ca Dong bản địa. Khách dưới xuôi lên, muốn uống rượu, dù trời nắng hay mưa, đêm hay ngày, người dân cũng sẵn sàng mời uống rượu, nếu thích còn mời cùng đi lấy rượu. Cái tình của họ hòa với đặc sản của núi rừng Bắc Trà My làm người lên đây chơi hẳn ai cũng phải thấy xốn xao lòng...
Tâm sự của người Ca Dong về rượu trời...
Bữa rượu trời đáng nhớ giữa núi rừng Bắc Trà My |
Ông Nguyễn Trọng Phước dẫn chúng tôi đi lấy rượu bảo rằng: “Rượu Đoak như là cái hồn của rừng núi, đồng bào nơi đây. Từ già tới trẻ, ai cũng thích uống rượu Đoak. Hè nào tôi cũng gọi anh em, con cháu lên rừng tìm rượu. Lấy rượu Đoak phải lấy vào 12 giờ đêm, đó là thời khắc giao nhau giữa ngày và đêm. Lúc ấy, cả núi rừng đều tụ vào trong những giọt rượu, chút quà dân dã mà thiêng liêng, mang đậm tính văn hóa của người Ca Dong nơi núi rừng Trà Giáp".
Theo ông Phước, rượu trời lấy xuống thường phải uống ngay tại gốc ít nhất là một nửa. Mỗi lần lấy được chừng 5 - 10 lít. Vậy là ngay dưới gốc Đoak, những người khách như chúng tôi được ưu tiên uống trước.
Khi uống rượu Đoak, dù trong ly hay trong chai, đều phải uống một hơi cho đến hết, không được dừng nghỉ hoặc bỏ dở giữa chừng. Đó là điều tối kỵ mà những người Ca Dong nơi đây truyền lại cho nhau. Rượu Đoak chỉ hơi cay và ngọt êm dịu ngay đầu lưỡi. Cái cảm giác cay nồng nhè nhẹ chỉ có khi vừa đưa rượu vào đầu lưỡi, sau đó là một vị ngọt rất lạ, đậm đà bắt đầu lan tỏa dần ra.
Bên chiếu rượu bày ra giữa mênh mông rừng núi, những câu chuyện vui bắt đầu được kể. Người Ca Dong say sưa nói về rượu Đoak, về những chuyến đi lấy rượu của họ trong suốt cuộc đời. Và tiếng hát cũng bắt đầu cất lên vang vọng cả núi rừng.
Những người già kể về những chiến công, những phong tục của dân tộc mình. Người trẻ thì ngồi nghe chăm chú trong cái say lưng chừng của rượu trời. Câu chuyện cứ kéo dài, kéo dài như thế đến tận khi trời sáng. Rượu lấy về vừa cạn thì chúng tôi càng hiểu thêm sâu sắc tâm hồn và tấm lòng thuần hậu của những người Ca Dong nơi đây hơn.
Theo ước đoán của người Ca Dong, với mỗi cây Đoak có thể lấy được từ 30 - 40 lít rượu. Từ già đến trẻ, từ đàn ông đến phụ nữ ở đây đều biết uống rượu trời và mê rượu trời. Họ có thể uống rượu Đoak suốt cả ngày cả đêm và cả một mùa hè. Có thể nó mang tính giải khát nhiều hơn là làm cho người ta say. Rượu Đoak giúp tinh thần sảng khoái và rất tốt cho sức khỏe.
Sáng sớm, chúng tôi đã phải tạm biệt Trà Giáp, tiếp tục cuộc hành trình sang các xã miền núi khác mà trong hồn hương rượu trời vẫn còn như lưu luyến mãi. Hẹn một dịp nào khác lại lên, lại cùng đồng bào Ca Dong băng rừng đi lấy rượu đúng vào 12 giờ đêm...Có lẽ thế lòng bình an hơn, thư thái hơn trước bao bộn bề lo toan của cuộc sống này....
Xuân Vân