Đã nhiều ngày trôi qua, vụ nổ ở khu đô thị Văn Phú ngày 19/3 vẫn để lại dư âm nặng nề. Ngày 23/3, thêm một nạn nhân tử vong, một nạn nhân vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.
Những ngôi nhà liền kề vốn có giá tiền tỷ nay đã hư hỏng nặng do sức ép rất lớn của vụ nổ. Vấn đề mà nhiều người quan tâm là liệu những hộ dân bị thiệt hại về nhà cửa có được hỗ trợ, bồi thường hay không?
Một tuần sau vụ nổ, người dân khu nhà liền kề ở khu đô thị Văn Phú, Hà Đông đang thu dọn những thứ đổ nát, sửa sang lại nhà cửa. Tuy nhiên, nhiều người thuê nhà để kinh doanh vẫn chưa dám trở lại đây buôn bán vì sợ tường và trần có thể bị sập bất cứ lúc nào. Còn những người dân sống ở đây thì buộc phải thuê thợ về gia cố nhà cửa.
Ông Nguyễn Hoàng Thuần, ở số nhà 20 ngậm ngùi chia sẻ, hôm xảy ra vụ nổ, ông và gia đình có việc phải về quê, đến khi quay trở lại đã thấy nhà cửa tan hoang, cửa kính vỡ hết, trần nhà đổ, tường nứt, đồ đạc trong nhà cũng hỏng…
“Trần thạch cao tầng nào hỏng, tum cũng hỏng, kính cửa bay hoàn toàn. Sửa riêng kính hơn 30 triệu đồng, tum thì chưa làm... Nhà tôi sửa hết khoảng 100 triệu đồng. Chưa thấy thống kê thiệt hại.
Bây giờ đền bù khó vì người gây ra đã chết rồi, làm sao đền được gì nữa. Tôi cũng mong muốn là chính quyền hỗ trợ phần nào để sớm ổn định cuộc sống” – Ông Thuần mong muốn.
Những ngôi nhà tiền tỷ, nay đã hư hỏng, tan hoang. Bà Đặng Thị Giới ở số nhà 11 cho biết, căn nhà của bà là một trong những căn nhà bị thiệt hại nặng nề nhất.
Tường nhà nứt hết từ trên xuống dưới, trần nhà đổ nát, tất cả các cửa kính đều vỡ hỏng, chưa kể các đồ đạc trong nhà từ ti vi, tủ lạnh, điều hòa đều cháy hoặc hỏng hoàn toàn…
Hiện trường ngổn ngang sau vụ nổ kinh hoàng ở Hà Đông |
Bà Giới ước tính tổng số tiền thiệt hại lên tới 400 – 500 triệu đồng. Số tiền sửa chữa, gia cố nhà cửa quá lớn, nên gia đình bà Giới đã phải vay mượn bạn bè, họ hàng, người thân để kịp sửa sang lại nhà.
Bà Đặng Thị Giới nói: “Thiệt hại nhiều vì nhà tôi hoàn thiện và về ở hơn 2 năm nay. Bây giờ mới đang thu dọn và cho thợ vào sửa chữa. Phải gọi thợ thạch cao, cửa kính…coi như hoàn thiện lại từ đầu.
Tôi dự kiến mất khoảng 500 triệu vì còn mua sắm cả đồ đạc mới. Chúng tôi bỏ ra bao nhiêu tiền của để mua được cái nhà để ở mà bây giờ thành ra thế này, thiệt quá lớn.
Suốt từ hôm xảy ra vụ nổ, cả nhà phải đi ở nhờ nhà bà con, đảo lộn hết cả cuộc sống, bây giờ nhà cửa bề bộn vẫn đang phải sửa chữa, sau này thì không biết như thế nào”.
Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 140 ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi vụ nổ. Có đến 95 căn hộ bị vỡ kính, rung chấn làm bung cửa, nứt tường.
Trong đó, 4 ngôi nhà bị hỏng nặng, ở mức độ 1, mức độ 2, dầm nhà bị gãy, có nguy cơ rơi, đổ, mất an toàn. Hiện, chính quyền địa phương đã cho quây bạt 5 căn nhà hư hỏng nặng, chưa cho người dân tự ý gia cố, sửa chữa khi chưa có đánh giá, thẩm định của cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Khắc Huy - Chủ tịch UBND phường Phú La (Hà Đông) cho biết, nhiều khả năng là các hộ này phải tự bỏ tiền ra sửa nhà. Hiện đang phải chờ cơ quan chuyên môn xác định việc xử lý đối với những phần liên quan đến tài sản hỏng hóc, xe cộ bị cháy…
Hiện vẫn chưa có kết luận chính thức của các cơ quan chuyên môn về bồi thường hay hỗ trợ thế nào. Có khoảng 4 nhà hỏng nặng. Bây giờ thì họ chưa được sửa, phải có thẩm định của cơ quan chuyên môn và phải làm thủ tục về xây dựng theo quy định của pháp luật thì mới được sửa.
Người dân đang gấp rút sửa chữa, gia cố nhà cửa sau vụ nổ |
Họa như từ trên trời rơi xuống, nhưng người dân chẳng biết kêu ai, bởi người gây ra vụ việc đã chết, còn chính quyền địa phương và chủ đầu tư đều cho rằng không phải trách nhiệm của họ.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, do người gây ra vụ nổ đã tử vong, nên theo quy định của pháp luật, cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án.
Còn về việc đền bù thiệt hại vật chất, luật sư cho biết, người gây thiệt hại trong vụ việc đã chết, nên pháp luật quy định những người được hưởng thừa kế của người gây thiệt hại phải có nghĩa vụ bồi thường trong phạm vi giá trị tài sản của người đã chết để lại. Hoặc người dân có thể được bồi thường trong trường hợp có bảo hiểm cháy nổ.
Tuy nhiên, đại diện Ban quan lý khu đô thị Văn Phú cho biết, chủ đầu tư chỉ phải mua bảo hiểm cháy nổ đối với tòa nhà chung cư, còn nhà liền kề thì không.
Trong khi đó, lâu nay, việc làm này vẫn chưa được người dân quan tâm đến, bởi vậy khi xảy ra sự cố, người dân không biết trông chờ vào đâu.
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết: “Trường hợp này chỉ có chủ nhân xe ô tô con hay ô tô tải nếu mà mua bảo hiểm thì còn đặt ra vấn đề bảo hiểm.
Còn bảo hiểm của những căn nhà đó thì không có, bảo hiểm về xây lắp thì nhà đã xây xong từ lâu. Những tài sản hư hỏng thì gần như sẽ không có chịu trách nhiệm, người gây ra thì đã chết và không có gì. Đây gần như là một rủi ro mà người dân phải gánh chịu”.
Với những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân, hậu quả mà vụ nổ gây ra là vô cùng nghiêm trọng. Sẽ cần một thời gian dài để người dân khu đô thị khắc phục xong những thiệt hại về nhà cửa để ổn định cuộc sống.
Qua vụ việc này một lần nữa cho thấy sự cần thiết phải rà soát những cơ sở kinh doanh phế liệu nhỏ lẻ, tự phát, ẩn chứa nguy cơ cháy nổ. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh đối với những người chỉ vì hám lợi, liều lĩnh, thiếu hiểu biết về vật liệu nổ, để rồi gây họa cho chính mình và mọi người xung quanh./.