Tân Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: AFP
Theo nhận định hôm 14/10 của Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về quốc phòng - an ninh (RUSI), quyết định chọn ôngAntonio Guterres - người từng đảm nhận cương vị Thủ tướng Chính phủ Bồ Đào Nha, làm Tổng thư ký thứ 9 của Liên hợp quốc (LHQ) chứng tỏ Hội đồng Bảo an (HĐBA) muốn có một vị lãnh đạo quyết đoán hơn.
Không thiếu kỹ năng, kinh nghiệm và cả quyết tâm, song ông Antonio Guterres sẽ phải vượt qua 6 thách thức chủ yếu sau "tuần trăng mật" ngắn ngủi.
Thứ nhất, ông sẽ phải tìm kiếm sự đồng thuận ở mức độ nào đó tại HĐBA về biện pháp giải quyết cuộc nội chiến kéo dài gần 6 năm qua ở Syria.
Thứ hai, thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran cần được giám sát chặt chẽ trong bối cảnh Triều Tiên vẫn có thể đe dọa gây bất ổn khu vực, buộc Tổng thư ký kế nhiệm phải đặt cược nhiều thời gian và sức lực.
Thứ ba, ông Guterres sẽ đối mặt với sức ép cải tổ và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ở châu Phi sau hàng loạt vụ việc gây bức xúc.
Thứ tư, ông Guterres phải tăng cường can dự để giải quyết triệt để cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine cũng như cuộc chiến của Saudi Arabia ở Yemen.
Thứ năm là vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường, di cư và kiểm soát biên giới, đòi hỏi Liên hợp quốc phải có cái nhìn tổng thể hơn, gắn với những thách thức an ninh.
Cuối cùng, ông Guterres sẽ phải thúc đẩy kế hoạch cải tổ nội bộ LHQ quốc để nâng cao hiệu quả hoạt động của hàng loạt cơ quan và tổ chức trực thuộc.
Ông Guterres sẽ là Tổng thư ký LHQ đầu tiên từng nắm quyền lãnh đạo chính phủ ở cấp quốc gia.
Được sự kỳ vọng rất lớn cùng sự hậu thuẫn ban đầu của HĐBA LHQ, từ ngày 1/1/2017, ông sẽ đảm nhận công việc "bất khả thi nhất thế giới", theo nhận xét của Tổng thư ký đầu tiên Trygve Lie. Sự thành công không chỉ phụ thuộc vào năng lực và kinh nghiệm của bản thân ông Guterres, mà còn ở 5 ủy viên thường trực có quyền phủ quyết tại HĐBA.