Trước khi lấy chồng, chị Nguyệt từng là giáo viên mầm non dạy hợp đồng nhưng sau khi kết hôn, chị nghe lời chồng nghỉ việc ở nhà vun vén gia đình.
Tuy nhiên sau khi kết hôn, chồng bắt chị nghỉ việc. Chị chỉ ở nhà sinh con đẻ cái và phụng dưỡng bố mẹ chồng.
Chồng chị là công chức nhà nước nhưng phải đi thực tế ở tỉnh xa. Mang tiếng vợ chồng son nhưng từ ngày cưới nhau, số ngày hai vợ chồng được ở cùng nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Biết vợ mình phải sống cùng bố mẹ chồng, lại xa chồng và bên ngoại nhưng anh Hùng cũng chẳng quan tâm chị hơn. Anh chỉ đơn giản nghĩ lấy chồng thì phải làm dâu là lẽ dĩ nhiên, chuyện vợ chồng ở xa thì cũng do hoàn cảnh, đầy người như vậy có sao đâu.
Trong khi đó chị ở nhà cùng bố mẹ chồng khổ sở anh đâu biết. Vì không khéo ăn khéo nói nên chị bị bố mẹ chồng không ưa ra mặt. Hơn nữa chị nghỉ ở nhà không có lương, nhà ngoại lại không có điều kiện giúp đỡ nên ông bà càng lấy thế làm ngứa mắt.
Ở cùng bố mẹ chồng nhưng chị Nguyệt bị đối xử chẳng khác nào người ở. Mua bất cứ thứ gì từ to đến nhỏ, dù là hộp sữa cho con chị cũng phải điện thoại cho chồng và viết giấy nhận nợ với bố mẹ.
Chẳng những thế, lần nào gọi điện cho con trai hai ông bà cũng tranh thủ nói xấu con dâu đủ đường. Những lời nói của bố mẹ khiến anh ngày càng chán ghét vợ, tình cảm vợ chồng ngày càng xa cách.
Cùng với đó, ở nhà ông bà cũng đối xử với chị Nguyệt không bằng người ở. Nghĩ vì gia đình nên chị lại cố gắng nín nhịn mọi điều, những mong có ngày chồng chuyển công tác về gần, chị sẽ xin ra ở riêng. Nhưng chị nào ngờ, trong khi chị khổ sở ở nhà thì anh đã có bồ ở nơi công tác.
Quá sốc trước sự thật nhưng vì bản thân không kiếm ra tiền, tài sản lại không có gì ngoài đứa con gái nên chị đành câm lặng. Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, ả nhân tình của chồng chị không những không biết điều mà còn luôn tìm mọi cách quấy phá chị.
Không chịu nổi cuộc sống tù túng đến ngột thở, chị quyết định tự giải thoát cho mình. Chị chủ động đề nghị ly hôn nhưng vì đang đường thăng quan tiến chức nên chồng chị không đồng ý ra tòa.
Chị đem chuyện nói với bố mẹ chồng, thái độ của ông bà khiến chị chết lặng. Ông bà cho rằng, vì chị không chăm lo chồng cẩn thận nên anh mới phải ra ngoài qua lại với người khác. Biết chị muốn ly hôn, ông bà ra sức mắng nhiếc, thậm chí còn tiêm vào đầu con chị những suy nghĩ không tốt về mẹ.
Chị quyết định phải làm một điều gì đó để thay đổi cuộc sống hiện tại. Sau một thời gian chạy khắp nơi, chị xin vào làm lao công tại một bệnh viện gần nhà, thời gian rỗi chị bán thêm đồ ăn sáng. Thu nhập không nhiều nhặn nhưng cũng cho chị một khoản ổn định.
Một lần, người dì của chồng từ bên Mỹ về Việt Nam chơi đã ở nhà chị 1 tuần. Chứng kiến cảnh chị Nguyệt sống trong nhà mà không bằng người ở, bà mới nói chuyện cùng bố mẹ chồng chị.
Mọi sự vỡ ra khi bố mẹ chồng chị Nguyệt tâm sự, lý do họ khắt khe với con dâu là vì sợ chị không được sống gần chồng mà trở nên hư hỏng.
Bằng cách khéo léo tiếp xúc và trò chuyện, người dì đã giúp bố mẹ chồng chị hiểu ra vấn đề. Ông bà đã hiểu được việc con trai mình làm là sai trái và việc ly hôn cũng là giải thoát cho cả hai. Lúc đó, họ mới thấy đồng cảm và thương xót cho con dâu.
Không thể giúp con trai quay về với gia đình, tại phiên tòa ly hôn, bà đã đứng ra giúp con dâu được quyền nuôi con. Sau phiên tòa, lần đầu tiên kể từ ngày nhà có con dâu, bà cầm tay chị Nguyệt. Bà nói xin lỗi về những điều đã làm suốt quãng thời gian qua và đặt vào tay chị một cuốn sổ tiết kiệm để hai mẹ con trang trải.