Sau lệnh cấm, “phố cà phê đường tàu” giờ ra sao?

Chúng tôi trở lại phố “cà phê đường tàu” Phùng Hưng - nơi từng là tâm điểm chú ý khi TP Hà Nội có lệnh cấm vào khu vực này để tránh nguy hiểm.

Khách du lịch nước ngoài vẫn hào hứng chụp ảnh phố đường tàu
Khách du lịch nước ngoài vẫn hào hứng chụp ảnh phố đường tàu

Những người dân ở “phố cà phê đường tàu” vẫn ngày ngày mở quán, chờ được cấp phép kinh doanh trong điều kiện thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn, những mong thay đổi cuộc sống khó khăn.

Hàng quán vẫn mở dù vắng tanh

Một sáng cuối năm 2019, chúng tôi trở lại phố “cà phê đường tàu” Phùng Hưng - nơi khoảng hai tháng trước là tâm điểm chú ý của dư luận khi TP Hà Nội cố lệnh cấm và ngăn không cho khách du lịch vào khu vực này để tránh nguy hiểm.

Dọc theo đường sắt từ chắn đường ngang Trần Phú đến đoạn đầu đường dẫn lên cầu Long Biên trông ra phố Phùng Hưng, không còn cảnh khách du lịch nhộn nhịp đi lại, chụp ảnh check-in. Cũng không còn cảnh khách tây, khách ta ngồi la liệt trên lối đi sát hai bên đường sắt, uống cà phê, tán gẫu.

Hai bên lối đi và cả trong lòng đường sắt sạch sẽ, thông thoáng. Hàng quán vẫn mở dù vắng tanh. Mỗi quán có một phong cách trang trí khác nhau, nhưng không thể thiếu cây xanh, hoa cỏ. Có quán cầu kì làm cả dàn cây treo như đem vườn tược về giữa phố. Một số quán còn treo những chiếc lồng chim, tiếng chim líu lo dọc theo “con phố” vốn trước đây chỉ là xóm đường tàu xập xệ.

Đứng ở bên ngoài rào chắn, các tốp khách du lịch nước ngoài vẫn đứng chụp hình, tiếc nuối vì không được vào trong khu vực đường tàu. Anh Nguyễn Đức Hòa, một hướng dẫn viên du lịch đang ngồi nhâm nhi cà phê dưới hiên nhà số 112 chia sẻ, dù biết là cấm không được vào trong, nhưng khách vẫn muốn đến, dù chỉ nhìn từ xa vào, dù chỉ để chụp tấm ảnh check-in. Còn trước kia, đây là điểm “hot” khi khách đến du lịch Hà Nội.

“Họ đến đây không phải vì được chụp ảnh, quay phim tàu qua đâu, mà họ còn muốn được thấy cuộc sống dân sinh ở khu vực đường tàu này. Tôi ngồi uống cà phê, tán gẫu ở đây thấy rất thú vị, vì thế dẫn khách đi lần nào cũng tranh thủ vào”, anh Hòa nói.

Chị Nguyễn Thị Dung, chủ quán cà phê Ga Đông Dương cho hay, chị là người mở quán đầu tiên vào năm 2018, có đăng kí kinh doanh. Dần dần, khách du lịch đến đông hơn, người dân nơi đây thấy mở quán có thu nhập tốt, cuộc sống được cải thiện hơn nên cũng mở theo. Không chỉ thu nhập, các điều kiện sống khác như vệ sinh, môi trường sống cũng tốt hơn.

“Ngày trước, chỉ cần nghe đến tên khu đường tàu là người ta nghĩ ngay đến ANTT phức tạp, rồi bẩn thỉu. Giờ có khách du lịch, nhà nào nhà nấy phải chăm chút, dọn dẹp trong nhà, ngoài lối, cả đường tàu để còn hút khách. Người lớn, trẻ em được tiếp xúc với khách du lịch các nước nên cũng mở mang tri thức hơn”, chị Dung nói.

“Chúng tôi hiểu, nếu cứ để tự phát, khách lan tràn như trước, cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Mong muốn của chúng tôi lúc này là chính quyền, các cơ quan chức năng có giải pháp vừa đảm bảo nhu cầu mưu sinh của người dân, vừa vẫn đảm bảo an toàn cho người dân, du khách”, chị Dung chia sẻ thêm.

Cũng theo chị Dung, các hộ dân xóm đường tàu chắn 5 Trần Phú này đã gửi đơn kiến nghị các cấp có thẩm quyền, trong đó đề xuất cả các giải pháp đảm bảo an toàn như: Chỉ kinh doanh trong nhà và kinh doanh vào những giờ không có tàu (từ thứ 2 đến thứ 6 vào ban ngày); lắp camera lối đi dọc đường sắt để giám sát du khách đi lại cho an toàn, đồng thời giám sát hành vi kinh doanh của các hộ, nếu vi phạm sẽ phạt thật nặng; lắp loa cảnh báo tự động, kết nối với chắn đường ngang để cảnh báo sớm trước khi có tàu đến; lắp hàng rào mềm trước cửa các quán ngăn không cho khách ra khu vực nguy hiểm khi có tàu đến…

Mong đổi phận “nhà không số, phố không tên”

Trong căn nhà chỉ khoảng 8-10m2 vừa là chỗ ở, chỗ tiếp khách, bếp, cụ bà Bùi Thị Loan (năm nay đã 85 tuổi) kể với chúng tôi những năm tháng thanh niên xung phong sôi nổi đi “hàn gắn vết thương chiến tranh” sau hòa bình lập lại năm 1954.

Khi đó, bà có mặt khắp các công trường khôi phục đường sắt từ những nơi rừng thiêng, nước độc như: Bảo Hà, Trái Hút (Lào Cai) đến tuyến Hà Nội - Hải Phòng… Rời thanh niên xung phong, bà đầu quân làm công nhân đường sắt Đoạn Công vụ Hà Nội. Đến năm 1967, gia đình bà được cơ quan phân nhà về xóm đường tàu này.

“Chúng tôi là những hộ đầu tiên về đây. Khi đó, bên này (dãy nhà bên trái đường tàu tính từ đường ngang vào - PV) chỉ có vài nhà tập thể của đơn vị cầu đường; phía bên kia toàn là cỏ. Chúng tôi về còn cuốc đất, làm vườn, trồng rau để tăng gia. Sau này, dần dần các đơn vị khác… mới phân nhà cho CBNV về, hình thành xóm đường sắt”, bà Loan nói.

Cũng theo bà Loan, dân đường sắt nên nghèo lắm, đời sống khó khăn. Con cái thì không mấy ai có việc làm ổn định. Các con bà cũng không làm cơ quan, công ty nào cả. Từ ngày mở quán, đời sống cũng khá hơn, hỗ trợ phần nào cho bà tiền chi phí sinh hoạt, thuốc men.

Anh Nguyễn Lê Quân, chủ quán 74 hào hứng giới thiệu với chúng tôi về quán do chính tay anh và bạn bè giúp sửa sang, trang trí, đến bàn ghế cũng tự đóng lấy cho tiết kiệm. “Thế mà cũng mất mấy trăm triệu, phải đi vay mượn, chứ chúng tôi làm gì có tiền. Trước kia xoay xở cũng chỉ đủ ăn thôi”. Anh vốn làm thợ điện, còn vợ mở quán làm đầu tại nhà nhưng thu nhập không ổn định cửa hàng trong xóm khuất nẻo. Hai đứa con, một học đại học, một học cấp hai nên chi phí học hành tốn kém.

“Lúc đầu, cũng không biết vì sao khách du lịch nước ngoài tìm được đến khu này, chụp ảnh, rồi hỏi mua nước. Thấy họ hỏi nhiều, vợ tôi liền bày cái tủ con con, để mấy chai nước, rồi kê bộ bàn ghế cho họ ngồi dừng chân. Dần dần, thấy bán nước thu nhập tốt hơn, vợ chồng tôi mới bỏ hẳn nghề cũ, vay mượn sửa sang lại nhà cửa làm quán cho khang trang hơn. Ai ngờ, mới được mấy tháng đã bị dẹp. Giờ mà cấm hẳn là chúng tôi không biết lấy gì ra trả lãi vay, chưa nói đến trả gốc”, anh Quân nói.

Anh kể, anh sinh ra, lớn lên và gắn bó với xóm đường tàu này đã gần 50 năm. Xóm đường tàu này tiếng là khu tập thể đường sắt nhưng trước kia lại là khu “nhà không số, phố không tên”, không có trong bản đồ địa giới hành chính của địa phương, mặc dù hàng năm các hộ dân vẫn đóng thuế đất.

Trước kia, hai bên đường sắt chỉ là đường đất lổn nhổn đá đường sắt, không có lối đi bằng phẳng. Cuối năm 2001, đầu năm 2002, người dân nơi này mới đóng góp, tự kê tấm bê tông làm lối đi lại cho thuận tiện. Còn nước sinh hoạt thì vẫn dùng nước giếng tập thể; Cho đến năm 1996, Công ty Kiến trúc đường sắt 1 bán đất khu giếng cho một nhân viên, lấy tiền đó cùng với người dân đóng góp thêm làm đường nước máy về nhà các hộ.

Đời sống khó khăn, chỉ xoay xở kiếm sống cũng đã vất vả rồi, không ai để ý, chăm chút gì đến đường đi, lối lại chung cho sạch sẽ, đẹp hơn. Thành ra, khu vực này trước kia xập xệ, bẩn thỉu, thậm chí hôi thối vì chất thải trên tàu xả xuống, rồi dân nhậu các hàng quán phía ngoài đường vào xả tiểu. Chưa kể đêm đến, dân nghiện hút mò lên hút chích, sáng ra kim tiêm vứt vương vãi trên đường sắt.

“Cả xóm đang sạch đẹp thế này, khách đang đông thế, những tưởng đổi đời, cải thiện được cuộc sống. Giờ không được kinh doanh, duy trì nữa, chúng tôi cũng chưa biết sẽ tính tiếp thế nào…”, anh Quân nói.

Theo atgt.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.