Dòng người từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… đổ về các tỉnh Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long những ngày qua, trên xe máy mang theo thậm chí đôi ba chục chiếc móc phơi quần áo bằng nhựa, cho thấy dịch bệnh đã bào mòn họ tới mức nào!
Nhu cầu trở về quê nhà của hàng chục nghìn người tha hương hoàn toàn chính đáng. Sống trong vùng dịch, họ không chỉ bất an về mặt tinh thần, sức khỏe, không biết mình trở thành F0 lúc nào, mà còn phải đối mặt với bài toán cơm áo gạo tiền khi việc làm đã mất, tiền để dành đã hết.
Về quê trước mắt chắc vẫn thất nghiệp, nhưng dịch bệnh có phần ổn hơn, lại có người thân, anh em, bạn bè và ruộng vườn sẵn đó cũng có thể giúp họ vượt qua những ngày khốn khó.
Chi phí sinh hoạt ở quê dù sao cũng dễ thở hơn rất nhiều so với đô thị. Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê cách đây không lâu cho thấy có tới 4 tỉnh nằm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhóm 5 địa phương có mức sống rẻ nhất nước.
Chỉ có điều những chuyến đi thành nhóm, thành đoàn ấy dường như nằm ngoài dự tính của các địa phương. Vì thế ít nơi nào kịp chuẩn bị để đón dân. Đoàn người tìm đường về quê trong đêm đầu tiên TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách phải chờ đợi sang ngày hôm sau để tìm phương án giải quyết.
Sau đó, lãnh đạo 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã kiến nghị đến Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đề nghị tạm ngưng cho người dân tự về quê trong 15 ngày để các địa phương lo cho số người đã về cũng như chuẩn bị mọi mặt để đón bà con.
Chính quyền các tỉnh miền Tây cũng có khó khăn của mình. Ở nhiều nơi, nguồn nhân lực y tế, cơ sở hạ tầng phục vụ phòng, chống dịch còn hạn chế; có địa phương khu cách ly tập trung, thu dung điều trị đã quá tải.
Trong điều kiện như vậy, việc hàng nghìn người dân ồ ạt về cùng lúc tạo áp lực rất lớn trong tổ chức cách ly tập trung, xét nghiệm, thu dung điều trị. Đặc biệt, nguy cơ xâm nhập dịch bệnh, gây bùng dịch rất lớn khi bà con tập trung đông và tỷ lệ bao phủ vắc-xin ở đây còn rất thấp.
Tuy vậy, chính quyền các địa phương không có lựa chọn nào khác là cố gắng cao nhất trong khả năng để đón dân mình về. Đây là hành động thể hiện tình cảm, sự thấu hiểu tâm tư người dân, đặc biệt và quan trọng hơn, chăm lo cho người dân một cách tốt nhất có thể chính là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Các tỉnh xin người dân chờ 15 ngày để chuẩn bị nhưng thời gian đó càng được rút ngắn càng tốt vì người dân đã kiệt quệ lắm rồi.
Đằng sau làn sóng hồi hương không chỉ là việc sắp xếp cách ly, xét nghiệm. Nếu tới đây, những người trở về hôm nay muốn tiếp tục làm việc trong các khu công nghiệp, các nhà máy thì các tỉnh cần sớm tính bài toán phối hợp với TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… để đưa họ trở lại an toàn.
Nếu họ quyết định ở lại quê hương thì phải tính đến những vấn đề lớn hơn, dài hơi và không dễ dàng như an sinh xã hội, trật tự xã hội, thậm chí cả giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng…