Sau cổ phần hóa tại IPD, nhà nước mất quyền kiểm soát cảng Cát Lái

Cảng Cát Lái (TPHCM) là cảng nước sâu, cảng quốc tế với khả năng đón tàu hàng có tải trọng hàng chục ngàn tấn cập cảng
Cảng Cát Lái (TPHCM) là cảng nước sâu, cảng quốc tế với khả năng đón tàu hàng có tải trọng hàng chục ngàn tấn cập cảng

Tuy nhiên, giống như thực trạng của Sawaco (Tổng công ty cấp nước Sài Gòn) sau cổ phần, cảng Cát Lái đang có nguy cơ tuột khỏi tay Nhà nước khi mất quyền kiểm soát khai thác Cảng.

Cảng Cát Lái “thoát xác” khỏi vòng quản lý của Nhà nước như thế nào?

Công ty TNHH MTV phát triển khu Công nghiệp Sài Gòn - IPD (công ty con của Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tân Thuận IPC) là đơn vị được UBND TP.HCM giao thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng KCN Cát Lái. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, góp vốn, IPD đã thực hiện sai luật, sai nguyên tắc trong cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước dẫn đến việc cảng Cát Lái không còn thuộc quyền kiểm soát của Nhà nước.

Công ty TNHH MTV phát triển khu Công nghiệp Sài Gòn IPD (Công ty IPD) có 100% vốn nhà nước, là công ty con của Công ty IPC (Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tân Thuận- trực thuộc UBND TP).

Vì là đơn vị có 100% vốn Nhà nước, nên khi IPD thực hiện phương án cổ phần hóa Doanh nghiệp theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng như quyết định của UBND TP.HCM, Nhà nước phải nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Tuy nhiên, Kết luận số 14/KL-TTTP-P6, chỉ rõ nhiều sai phạm nghiêm trọng trong việc cổ phần hóa tại Công ty IPC và các công ty có vốn góp của Công ty IPC.

Theo đó, ngày 25/10/2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước của TPHCM thông qua Văn bản số 1754/TTg-ĐMDN. Trong đó, Công ty IPD thực hiện cổ phần hóa Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ trong giai đoạn 2012-2015. Song song đó, UBND TPHCM đã ban hành các quyết định (Quyết định số 568/QĐ-UBND và Quyết định số 569/QĐ-UBND) thực hiện cổ phần hóa, xác định tại Công ty IPD, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, trên cơ sở đề xuất của Công ty IPC và Công ty IPD, ông Tất Thành Cang - Phó Chủ tịch UBND TPHCM lúc đó lại kết luận và chấp thuận tỉ lệ vốn Nhà nước nắm tại Công ty IPD là 65%. Đến ngày 30/12/2015, UBND TPHCM lại có Quyết định số 7116/QĐ-UBND về việc chấp thuận phương án cổ phần hóa tại IPD, Nhà nước nắm giữ tới 75% vốn điều lệ.

Đến tháng 5/2016, IPD hoàn tất cổ phần hóa để trở thành Công ty Tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL) với vốn điều lệ 652 tỉ đồng. Trong đó vốn Nhà nước là 489 tỉ đồng (chiếm 75% vốn điều lệ).

Theo Thanh tra TP, việc xây dựng lộ trình cổ phần hóa, xác định tỷ lệ vốn Nhà nước tạm thời và sau cổ phần hóa tại Công ty IPD được UBND TPHCM phê duyệt là trái với phương án phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và của chính UBND TPHCM.

Đáng nói, chính những sai phạm trên đã đẫn đến hệ lụy, Nhà nước mất quyền kiểm soát cảng Cát Lái khi IPD chuyển sang cổ phần hóa.

Một góc cảng Cát Lái, TPHCM
Một góc cảng Cát Lái, TPHCM 

Tại bản Kết luận số 14/KL-TTTP-P6, Thanh tra TP chỉ rõ sai phạm của IPD. Theo đó, sau khi Công ty IPD chuyển thành Công ty ESL, Công ty ESL sẽ chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng, khai thác cảng Cát Lái. Tuy nhiên, thực tế Công ty ESL lại ký hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới là Công ty Cổ phần Cát Lái Đông Sài Gòn, trong đó ESL chỉ góp vốn 20% vốn điều lệ của pháp nhân mới, để khai thác toàn bộ khu vực cảng Cát Lái.

Như vậy, với tỉ lệ góp vốn 20% thì Công ty ESL không còn quyền chi phối, dẫn tới kết quả là đối tác khác nắm quyền chi phối, quyết định việc kinh doanh khai thác cảng Cát lái chứ không còn là Nhà nước. 

Ai là người chịu trách nhiệm?

Vấn đề Nhà nước không còn quyền kiểm soát cảng Cát Lái đã rõ như ban ngày với tỉ lệ góp vốn điều hành giữa các bên như hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề dư luận đặt ra là ai sẽ phải chịu trách nhiệm chính cho những sai phạm nghiêm trọng trong các sai phạm khi IPD tiến hành cổ phần hóa, cũng như các sai phạm trong định giá tài sản Nhà nước, thoái vốn…dẫn đến thất thoát hàng trăm tỉ đồng tài sản Nhà nước?

Kết luận của Thanh tra TP cũng khẳng định, những vụ việc có dấu hiệu sai phạm này (chuyển giao tài sản Nhà nước) đã gây bất lợi và thiệt hại cho vốn Nhà nước, có dấu hiệu vi phạm Điều 179 BLHS năm 2015 quy định về tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Nói về việc thực hiện cổ phần hóa Doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước, Tiến sĩ N.T.N, chuyên gia phân tích tài chính Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết: Về nguyên tắc khi tiến hành cổ phần hóa DNNN thì quá trình xác định giá trị doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng. Nó không chỉ nằm ở thương hiệu, giá trị các tài sản nằm trên đất, đất doanh nghiệp quản lý, mà còn việc định giá phải tuân thủ nguyên tắc thị trường.

Còn để xác định giá trị Doanh nghiệp để cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các Doanh nghiệp có vốn Nhà nước(DNNN) nói riêng; Bộ Tài chính đã hướng dẫn rất cụ thể. Theo đó, DNNN khi cổ phần hóa và thực hiện thoái vốn phải đảm bảo 3 nguyên tắc: 1. Xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa DNNN (Theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 và Thông tư số 122/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 để đảm bảo xác định được chính xác giá trị thị trường của giá trị DNNN để cổ phần hóa).

2. Xác định giá trị doanh nghiệp để thoái vốn nhà nước tại các DNNN (Theo Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào Doanh nghiệp và Thông tư số 122/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 để đảm bảo xác định được chính xác giá trị thị trường của giá trị doanh nghiệp).

3. Xác định giá trị doanh nghiệp không có vốn nhà nước (Theo Thông tư số 122/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 để đảm bảo xác định được chính xác giá trị thị trường của giá trị doanh nghiệp).

Kết luận của Thanh tra TPHCM chỉ rõ nhiều sai phạm của Công ty IPD trong quá trình tiến hành cổ phần hóa Doanh nghiệp
 Kết luận của Thanh tra TPHCM chỉ rõ nhiều sai phạm của Công ty IPD trong quá trình tiến hành cổ phần hóa Doanh nghiệp

“Như vậy, rõ ràng với các kết luận của Thanh tra TP trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại IPD, lãnh đạo của đơn vị đã cố tình làm sai. Ở đây, điều đáng nói là với vai trò giám sát, quản lý, UBND TPHCM đã không sâu sát dẫn đến ngay từ khi IPD tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn, chọn đối tác với nhiều cái sai rất rõ và rất nghiêm trọng nhưng không bị phát hiện. Sai phạm trên đã dẫn đến thiệt hại rất nghiêm trọng tài sản của Nhà nước. Trách nhiệm của người đứng đầu IPC và IPD đã rõ. Vấn đề là vụ việc chỉ dừng lại ở đó thôi ư?” – ông N băn khoăn.

Hiện Thanh tra TP đã báo cáo UBND TPHCM, và Thanh tra Chính phủ về nhiều vấn đề sau cổ phần hóa tại IPD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ