IPC giảm tỷ lệ vốn sở hữu tại Sadeco có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Theo Đề án tái cơ cấu, IPC với tỷ lệ vốn sở hữu 44%, không cần giảm thêm tỷ lệ sở hữu tại Công ty Sadeco, đặc biệt là trong bối cảnh công ty này đang có lợi nhuận rất cao.
Tuy nhiên, ngày 18/05/2017 Văn phòng Thành ủy có thông báo số 495/TB- VPTU truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco…
Từ văn bản trên IPC đã đề nghị Chi cục Tài chính doanh nghiệp thành phố chấp thuận và trình UBND thành phố phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco xuống 28,8%.
Ngày 16/6/2017, IPC báo cáo UBND thành phố, bổ sung về vai trò, tác động của Công ty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn đối với việc phát triển của Khu Nam Sài Gòn, có nêu: "...Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Thông báo số 495 ngày 18/5/2017...".
Về vấn đề này, Thanh tra thành phố nhận định thông báo số 495 ngày 18/5/2017 chỉ truyền đạt ý kiến của cá nhân Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang chứ không phải Thường trực thành ủy.
Kết luận của Thanh tra thành phố đánh giá, những việc như trên cho thấy việc giảm tỷ lệ góp vốn của IPC tại Sadeco, có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, cần được làm rõ.
Bán rẻ 9 triệu cổ phiếu cho Nguyễn Kim và chuỗi sai phạm của IPC
Tháng 6/2017, khi chưa trình UBND thành phố chủ trương tăng vốn góp, Sadeco đã phát hành 9 triệu cổ phiếu và bán cho Nguyễn Kim với giá 40.000đ mỗi cổ phiếu thu về 360 tỷ.
Trước đó, vào tháng 9/2016, Công ty Exim bán cổ phần cho Nguyễn Kim với giá 57.000đ mỗi cổ phiếu như vậy, nếu tính trên con số chênh lệch về giá bán cổ phiếu thì ngân sách đã thiệt hại 153 tỷ đồng.
Hơn nữa, theo Thanh tra thành phố, sang đầu năm 2017, nhà đất khu Nam Sài Gòn ảnh hưởng cơn “sốt” đất, giá tăng rất nhiều nên thiệt hại trên thực tế là rất lớn. Việc bán chỉ định cổ phiếu này cũng giúp Nguyễn Kim thâu tóm Sadeco khi chiếm 54% cổ phần, IPC chỉ còn 28,8%.
Ngoài ra, hiện Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong cũng đã giao Công an thành phố điều tra dấu hiệu sai phạm của Tân Thuận IPC trong việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược tại Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (Công ty con của IPC) gây thiệt hại cho ngân sách.
Cùng với những sai phạm nêu trên, kết luận của Thanh tra thành phố còn chỉ ra hàng loạt dấu hiệu sai phạm của Công ty IPC trong việc thực hiện Dự án Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi và các dự án khác do IPC làm chủ đầu tư... Việc IPC góp vốn đầu tư dự án Khu tái định cư An Phú Tây (do Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn làm chủ đầu tư) và việc chuyển nhượng sản phẩm được phân chia của Công ty IPC.
Hay quá trình đầu tư xây dựng một số dự án trên địa bàn huyện Nhà Bè. Việc góp vốn hình thành liên doanh và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh tại Công ty Cảng container Trung tâm Sài Gòn.
Thanh tra thành phố cũng chỉ ra những sai phạm của IPC trong quản lý tòa nhà trụ sở đơn vị và tổ chức cho cán bộ đi nước ngoài.
Cụ thể,IPC chỉ sử dụng một phần tòa nhà trụ sở, còn lại cho 81 đơn vị thuê làm văn phòng (tổng doanh thu cho thuê trong 7 năm gần đây là hơn 295 tỷ đồng). Điều đáng nói là việc kinh doanh có lợi nhuận nhưng lại đi vay ngân hàng để nộp lợi nhuận vào ngân sách, làm phát sinh khoản lãi vay hơn 8 tỷ đồng.
Năm 2016-2017, IPC tổ chức cho lãnh đạo công ty đi nước ngoài khi chưa được UBND thành phố cho phép. Một số trường hợp đi nước ngoài vượt thời gian được cử đi... với tổng chi phí hơn 1,3 tỷ đồng.