Neelakantha Bhanu có thể dễ dàng tính ra kết quả của phép tính nhân giữa con số 869.463.853 với 73 chỉ trong vòng 26 giây. Bhanu cho biết, anh có thể làm những phép tính phức tạp với một tốc độ cực nhanh như vậy thông qua việc “luyện tập có hệ thống”.
“Ví dụ như tôi làm một phép nhân 8 với con số 8.763. Tôi sẽ nhân lần lượt: 8.000 nhân 8 bằng 64.000, 700 nhân 8 bằng 5.600. 60 nhân 8 bằng 480 và 3 nhân 8 bằng 24. Cuối cùng tôi chỉ tổng hợp các kết quả đó. Tất nhiên việc này đòi hỏi não bộ con người phải nhớ được toàn bộ kết quả.
Cách thức mà tôi sử dụng tương tự các phương pháp chung nhưng về cơ bản là tôi tối ưu hóa não bộ. Tôi tối ưu hóa các phương pháp của mình và làm cho chúng trở nên tốt hơn”, Bhanu giải thích.
Ngày 15/8, Bhanu đến từ bang Telangana miền Nam Ấn Độ trở thành người châu Á đầu tiên giành huy chương vàng tại Giải vô địch thế giới về tính nhẩm (MSO) tổ chức tại London (Anh). Bhanu cũng là người giành chiến thắng không mang quốc tịch châu Âu đầu tiên trong lịch sử 23 năm tổ chức cuộc thi.
Trong cuộc thi, Bhanu đánh bại 29 đối thủ khác đến từ 13 quốc gia để giành huy chương vàng. Tốc độ tính của anh nhanh đến mức ban giám khảo đã phải kiểm tra nhiều lần, đưa ra nhiều đề bài hơn để xác nhận mức độ chính xác trong các phép tính của Bhanu.
Vụ tai nạn nguy hiểm
Khả năng tính nhẩm của Bhanu không phải bẩm sinh. “Đừng gọi tôi là thần đồng, vì tôi thấy cụm từ đó không đủ để diễn tả hết nỗ lực và kinh nghiệm của bản thân. Đó không phải là điều mà tự dưng bạn có được”, Bhanu nhấn mạnh khả năng của mình không phải xuất hiện dễ dàng.
Năm 2005, cậu bé Bhanu 5 tuổi bị ngã khi đang chơi xe trượt và bị một xe tải đâm trúng, đầu đập xuống đường. Sọ Bhanu nứt và cậu bé cần tới 85 mũi khâu cùng nhiều ca phẫu thuật phức tạp để giữ được mạng sống.
Sau 7 ngày hôn mê, Bhanu đã tỉnh dậy. Tuy nhiên, bác sĩ nói với bố mẹ Bhanu rằng cậu có thể bị suy giảm nhận thức trong suốt quãng đời còn lại vì vết thương trên đầu. Bhanu nằm liệt trên giường trong suốt 1 năm sau đó.
“Vụ tai nạn đó thay đổi cách mà tôi định nghĩa thế nào là vui vẻ và là lý do vì sao tôi đứng đây”, Bhanu hồi tưởng.
Trong quãng thời gian phục hồi, Bhanu học chơi cờ và giải câu đố để kích hoạt não bộ. "Tôi nhớ rất rõ nỗi đau đớn ấy... Đó là trải nghiệm đau thương nhất mà tôi có trong đời. Tôi thậm chí không thể đi học trong một năm. Tất cả những gì tôi dựa vào là những con số và câu đố”, Bhanu cho biết.
Năm 2007, khi mới 7 tuổi, Bhanu giành giải 3 trong cuộc thi thuật toán cấp bang cho học sinh tại Andhra Pradesh. Thành tích của Bhanu đã khiến người cha rơi nước mắt vì sự thay đổi của con.
Những năm sau đó, Bhanu liên tục đạt các giải cao liên quan đến toán học. Năm 13 tuổi, Bhanu đại diện Ấn Độ tham gia kỳ thu quốc tế về thuật toán và phá vỡ 4 kỷ lục thế giới về tính nhẩm, nhân lũy thừa, phép trừ. Bhanu cũng phá vỡ 50 kỷ lục trong sách Limca và được so sánh với huyền thoại toán học người Ấn Độ Shakuntala Devi.
Xóa bỏ chứng sợ toán
Bhanu cho biết anh anh đam mê mục tiêu "xóa bỏ chứng sợ toán” mà nhiều người gặp phải.
Năm 2018, Bhanu thành lập Exploring Infinities, một tổ chức giáo dục nhằm mục đích làm cho toán học trở nên thú vị và mang tính thử thách. Tổ chức theo dõi sự phát triển khả năng nhận thức của học sinh thông qua các trò chơi số học.
Bhanu giải thích: “Tôi bắt đầu ý tưởng khi tới một trường công lập ở một làng quê và nhận ra rằng trẻ em ở đó không biết rằng phép nhân là phép cộng được lặp đi lặp lại”.
Tổ chức chủ yếu hoạt động tại Ấn Độ đã thu hút nửa triệu người đăng ký. Bhanu cũng tổ chức các chương trình đào tạo toán ở Bangladesh và Indonesia. Bên cạnh đó, tổ chức còn tạo ra các chương trình học trực tuyến, nhận dạy học sinh ở Anh và Mỹ.
Sau nhiều năm chật vật gây quỹ để tham gia các kỳ thu toán học quốc tế, Bhanu hy vọng chiến thắng và câu chuyện của mình sẽ trở thành bàn đạp, mở ra một kỷ nguyên mới hỗ trợ cho các nhà toán học của Ấn Độ có tham vọng cạnh tranh ở cấp độ thế giới.
“Đối với bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển toàn cầu, tính toán cũng quan trọng như kỹ năng đọc viết vậy. Ba trong số bốn học sinh tại các trường công lập Ấn Độ gặp khó khăn trong việc làm toán cơ bản”, Bhanu chia sẻ.
Đề cập đến việc kỳ thi MSO vừa qua có thể là kỳ thi cuối cùng của mình, Bhanu cho biết hiện giờ anh sẽ tập trung vào các hoạt động từ thiện.
“Tôi không chắc liệu mình có tham gia các cuộc thi nữa hay không... Tôi đang ở vị trí mà mọi người biết đến mình, tốt hơn là tôi nên sử dụng cơ hội đó. Tôi không muốn trở thành gương mặt đại diện cho toán học mà chỉ đơn giản là muốn trở thành gương mặt đại diện chống lại chứng sợ toán học”.