Vì thế, trong cuộc trốn chạy của mình Khá đã vạch ra một kế hoạch khá hoàn hảo. Phải đến gần tám năm sau, khi đã “tái sinh”, lấy vợ sinh con ở một miền đất lạ, sát thủ cụt cả hai chân này mới bị bắt.
Kẻ thủ ác bị cụt hai chân
Nhắc đến vụ cháy khuya ngày 1/9/2001 nhiều người dân ở ấp Bình Minh 1, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vẫn không khỏi bàng hoàng. Vụ án xảy ra đã nhiều năm nhưng ký ức đau thương về cái chết thảm khốc của vợ chồng anh Võ Văn Việt và chị Trần Anh Loan vẫn ám ảnh người thân của họ.
Đêm hôm ấy, người dân sống gần nhà vợ chồng anh Việt và chị Loan phát hiện ngọn lửa bao quanh ngôi nhà trong khi cặp vợ chồng này còn đang say giấc. Mọi người vội hô hoán nhau tay xô, tay chậu chạy đến ứng cứu.
Nhưng oái oăm thay, khi đến nơi thì căn nhà đã bị ai đó khóa cửa ngoài. Khi phá được cửa thì ngọn lửa đã vươn cao ngất trời, bao trùm toàn bộ căn nhà. Nhiều người ôm mặt khóc trước thảm cảnh xảy đến bất ngờ với cặp vợ chồng trẻ…
Lực lượng chức năng cùng người dân cùng nhau dập lửa, đưa nạn nhân ra ngoài đi cấp cứu. Tuy nhiên, do bị bỏng quá nặng, ngày 3/9/2001, anh Việt đã qua đời. Hai hôm sau, chị Loan cũng theo số phận của chồng.
Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan công an xác định đây là vụ án phóng hỏa giết người. Án mạng kinh hoàng này đã gây chấn động cả vùng quê nghèo. Dư luận căm phẫn tột cùng với kẻ thủ ác…
Để nhanh chóng bắt được hung thủ và trấn an dư luận, Công an tỉnh Cà Mau đã lập chuyên án, tung các trinh sát vào cuộc… Các mối quan hệ làm ăn cũng như mâu thuẫn của hai vợ chồng nạn nhân xấu số đều được trinh sát xác minh. Trong số những người đến chia buồn tại đám tang của anh Việt và chị Loan, ít ai chú ý đến Quách Văn Khá. Khá là anh rể của hai nạn nhân, nhà cách đó vài trăm mét.
Không ai nghĩ rằng Khá lại có thể phóng hỏa giết người khi y bị cụt cả hai chân… Vẻ bề ngoài tật nguyền đáng thương giúp Khá qua mặt tất cả mọi người nhưng không qua nổi cặp mắt nghiệp vụ của các trinh sát hình sự Công an tỉnh Cà Mau. Hòa trong dòng người đưa tang, trinh sát chú ý đặc biệt đến mọi cử chỉ, hành động của người anh rể tật nguyền này.
Để không gây nghi ngờ, Khá cũng đến dự đám tang của vợ chồng người em họ. Hắn tỏ ra nhiệt tình và chu đáo giúp đỡ, lo toan mọi chuyện trong đám tang. Cùng với đó, hắn cũng rất hợp tác cung cấp thông tin cho công an điều tra truy bắt kẻ gây án.
Dẫu cụt hai chân nhưng hắn đi lại nhanh nhẹn không khác người bình thường, bởi lớp đầu gối được bọc vỏ xe bên ngoài. Không những thế, trinh sát còn phát hiện trên cánh tay của Khá có phần lông bị cháy do lửa táp. Nhiều khả năng lúc hắn bật quẹt phóng hỏa, can xăng phụt lửa táp ngược lại hai tay.
Trước ánh mắt nghi ngờ của trinh sát, Khá phân trần: “Anh nhìn chi mà chăm chú vậy, cánh tay tui bị cháy lông là do trong lúc bật quẹt vô tình bị lửa táp vào”... Thái độ lúng túng, chưa khảo mà khai của Khá càng làm tăng thêm sự nghi ngờ của trinh sát. Kể từ khi ấy, mọi nghi vấn về hung thủ gây ra hai cái chết thương tâm cho vợ chồng anh Việt, chị Loan đổ dồn về đối tượng này.
Với sự khôn lanh, Khá dường như đã “đánh hơi” được chuyện “chẳng lành” sắp xảy ra đối với mình. Ngay sau đám tang, khoảng 3 giờ sáng, khi mọi người ngủ say vì mệt, Khá đã lên kế hoạch tẩu thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật. Hắn xuống một chiếc xuồng be tám, loại xuồng ba lá loại nhỏ, không chở quá hai người cùng một cây dầm.
Hắn ngồi trước mũi xuồng, bắt đầu bơi, kiểu như người ta đi giăng câu thả lưới dưới sông. Cho dù có ai nhìn thấy hắn cũng không thể ngờ được một tội phạm giết người đang lẩn trốn. Bởi hắn không mang theo tư trang gì, chỉ có bộ đồ mặc trên người và một con dao phay...
Bảy ngày đêm vượt sông trốn nã
Vốn tham gia truy bắt tội phạm cho chế độ cũ, trước năm 1975, nên Khá rất thành thạo và am hiểu nghiệp vụ. Khá bắt được “bài” mà công an sẽ triển khai, cộng thêm cái đầu khôn ngoan và ma mãnh của tên giết người hắn đã vạch ra một kế hoạch khá hoàn hảo.
Hắn nghĩ, chỉ có cách bơi xuồng luồn lách trong các con kênh rạch nhỏ thì sẽ không gây sự chú ý cho nhiều người và sẽ qua mắt được công an. Dựa vào địa hình vùng sông nước có nhiều dừa nước hai bên bờ sông nên hắn đã chọn con đường này để tẩu thoát.
Khá bơi xuồng luồn lách trong những con rạch nhỏ trổ ra sông Đốc, ngược về hướng sông Trẹm. Hắn vạch ra kế hoạch là cứ men theo dòng sông Trẹm, đêm thì bơi, ngày thì chui vào những đám dừa nước um tùm hai bên bờ sông Trẹm để trốn.
Khi đói, hắn ghé nhà dân xin ăn với lý do vợ con hắt hủi vì tàn tật. Với đôi chân cụt, lại thêm những lời kể lể rất đau xót nên nhiều người mủi lòng, không những cho ăn no, lại còn cho hắn thêm thực phẩm để dành đi đường. Hết thực phẩm hắn ăn trái dừa nước, thứ trái cây có đầy hai bên bờ sông.
Sau khi bị bắt Khá khai, chính những trái dừa nước đã nuôi sống hắn trong khoảng thời gian bơi xuồng qua các con sông để lẩn trốn. Dưới tán những bụi dừa nước rậm rạp là nơi hắn che nắng mưa qua ngày, nên khi ca nô của lực lượng chức năng chạy qua các con sông lớn cũng là lúc hắn đang ngủ trong những bụi dừa. Cứ thế hắn bơi bảy đêm, từ Cà Mau xuyên qua tỉnh Kiên Giang, đến tỉnh An Giang, nơi hắn không hề có một người quen biết…
Khá đoán sau khi hắn bỏ trốn công an sẽ tìm đến những nơi hắn có người thân, bạn bè… Vì vậy, hắn chọn nơi mà công an không nghĩ tới, một vùng đất hoàn toàn xa lạ ngay cả đối với hắn. Trong những ngày đầu lẩn trốn, Khá “nhập vai” một người tật nguyền, cơ nhỡ và chí thú làm ăn để lấy lòng người dân địa phương.
Để có cái ăn, hắn lân la đến các chủ ghe tàu xin làm công không lương, chỉ cần được nuôi cơm… Ít lâu sau, Khá gặp vận may khi trúng số được tám triệu đồng. Khá quyết định dùng số tiền “lộc trời” ấy mua một chiếc xuồng máy để buôn bán trên sông. Cuộc sống của hắn cứ thế đắp đổi qua ngày.
Trong bộ dạng tật nguyền, hiền lành và chí thú làm ăn, Khá đã lọt vào mắt của một người phụ nữ bản xứ lỡ thì. Sau thời gian quen biết, Khá và người phụ nữ ấy quyết định về sống chung với nhau. Cũng kể từ đó Khá luôn nghĩ cuộc đời mình đã bước sang một trang mới.
Sau khi lấy vợ mới, hắn cùng vợ xuống ghe tam bản bôn ba khắp nơi ở An Giang. Hắn làm đủ mọi nghề để sinh nhai, lúc thì mài dao kéo, khi mua ve chai, lông vịt… Sống trên sông và liên tục di chuyển từ nơi này đến nơi khác nên trong nhiều năm Khá đã trốn được sự truy tìm ngày đêm của các trinh sát thuộc lực lượng Công an tỉnh Cà Mau khi ấy.
Sao các ông bắt được tôi?
Sau khi Khá đột nhiên biến mất một cách bí ẩn, không để lại bất cứ dấu vết nào, Công an tỉnh Cà Mau đã tung hàng chục trinh sát để truy bắt hắn.
Các trinh sát đã lùng sục khắp các hang cùng, ngõ hẻm cả trên đường sông và đường bộ nhưng Khá vẫn “bặt vô âm tín”. Trinh sát tiến hành rà soát không bỏ sót bất kỳ một mối quan hệ nào của hắn.
Các nơi hắn có người quen, thân như Đắk Lắk, Lâm Đồng, hay đảo Phú Quốc (nơi mà sau này vợ con Khá chuyển đến sinh sống)… đều nhẵn dấu chân trinh sát. Cơ sở của cơ quan điều tra được cài đặt tại tất cả những nơi Khá có mối quan hệ nhưng đều không thu được manh mối nào.
Các trinh sát đã nhiều lần đến nhà gặp vợ con Khá, động viên người nhà khuyên hắn ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật nhưng người thân của hắn cũng lắc đầu. Bởi sợ bị lộ nên từ ngày bỏ trốn Khá không một lần liên lạc với vợ con ở quê.
Trung tá Trần Thanh Tùng - Đội trưởng Đội Truy bắt, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Cà Mau kể, các trinh sát khi ấy mất ăn mất ngủ vì Khá. Mặc dù có kinh nghiệm truy bắt tội phạm nhưng anh không hiểu hắn đã trốn chạy như thế nào khi bị cụt đến gần đầu gối.
Đôi khi anh tự an ủi mình rằng có lẽ hắn đã chết rũ xương đâu đó trên đường lẩn trốn. Nhưng không ngờ vào một buổi chiều, Khá bỗng xuất hiện, trong một tình huống hoàn toàn ngoài dự định…
Đó là một chiều đầu tháng 7/2009, anh Tùng chạy xe máy từ Cà Mau đi An Giang để theo học một lớp nghiệp vụ. Khi qua địa bàn ấp Đông An, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), anh thấy một người có cách đi lạ mắt bên lề đường. Hình ảnh đi như quỳ của người đàn ông ấy cứ lởn vởn trong đầu. Liên tưởng về vóc dáng của tội phạm Quách Văn Khá khiến anh dừng xe, quay lại.
Đến gần đối tượng nghi vấn khoảng vài chục mét, anh Tùng đậu xe vào lề đường lặng lẽ quan sát. Tám năm đã trôi qua, khuôn mặt người đàn ông đã khác so với những tấm ảnh lưu trong hồ sơ tàng thư mà anh nhớ từng chi tiết, nhưng cái dáng đi thì thể hiện rằng người đàn ông ấy có đôi chân không lành lặn.
Hỏi thăm mấy người dân quanh đó, họ cho biết người đàn ông ấy tên là Trần Văn Hai, hay còn gọi là Hai “cụt”, đến đây sinh sống bằng nghề bán dây cỏ lác dùng để buộc cua. Anh Tùng mừng rơn, chạy xe đi như không quan tâm đến tên Hai “cụt” nữa…
Trung tá Tùng trở lại Cà Mau, anh lật lại hồ sơ vụ án và khẳng định Hai “cụt” chính là kẻ phóng hỏa giết chết vợ chồng anh Việt, chị Loan. Sau khi xin ý kiến cấp trên, Trung tá Tùng cùng một đồng nghiệp lên đường đến Tân Hiệp.
Đến Tân Hiệp nơi Khá đang sinh sống, hai cán bộ trinh sát nhập vai người đi mua dây trói cua và tìm đến căn nhà của vợ chồng Khá đang thuê. Quách Văn Khá đang ngồi tại góc nhà làm những công việc hằng ngày. Khi đang thỏa thuận việc mua bán thì bất ngờ anh Tùng gọi to: “Ông Khá”.
Hắn giật nảy mình khi nghe người khách lạ mặt gọi đúng tên “cúng cơm” của mình. Hắn trở nên luống cuống, lời nói run lẩy bẩy. Biết đã bị lộ, Khá thừa nhận tên thật và cúi đầu đưa hai tay vào còng trước sự ngỡ ngàng của người thân. Quách Văn Khá được di lý về Công an tỉnh Cà Mau.
Kẻ sát nhân khai nhận trước đó hắn và vợ chồng anh Việt, chị Loan thường xuyên xảy ra mâu thuẫn do tranh chấp đất đai. Để giải quyết mâu thuẫn Khá quyết định dùng xăng phóng hỏa thiêu chết gia đình em vợ…
Đến khi tra tay vào còng Quách Văn Khá vẫn lẩm bẩm: “Tại sao các ông bắt được tôi”? Ngay cả khi nằm trong Trại giam tỉnh Cà Mau đợi ngày ra trường bắn để đền tội, cán bộ quản giáo trại giam thỉnh thoảng vẫn nghe Khá hỏi: “Tại sao các ông tìm được tôi”?