Sạt lở sông Krông Nô, Đắk Nông: Kiểm tra để gỡ vướng quy hoạch

GD&TĐ - Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, đoàn công tác của Bộ TN&MT đã có mặt tại địa phương để khảo sát đánh giá sạt lở sông Krông Nô, chồng lấn bô xít.

Đoàn công tác của Bộ TN&MT và UBND tỉnh Đắk Nông khảo sát sông Krông Nô. Ảnh: TT
Đoàn công tác của Bộ TN&MT và UBND tỉnh Đắk Nông khảo sát sông Krông Nô. Ảnh: TT

Tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp

Theo thống kê của UBND huyện Krông Nô (Đắk Nông), chỉ tính từ năm 2010 đến nay, dọc theo bờ sông Krông Nô đã ghi nhận 18 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 10km. Hậu quả, hơn 122ha đất canh tác dọc bờ sông đã bị dòng nước cuốn trôi. Tình trạng sạt lở ở khu vực này diễn biến hết sức phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Để khắc phục sạt lở, năm 2020 tỉnh Đắk Nông đã chi 62 tỷ đồng thực hiện dự án kè chống sạt lở bờ sông tại địa bàn 2 xã Nâm N’Đir và Đắk Nang của huyện Krông Nô. Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây sạt lở nên đề nghị Bộ TN&MT lập đoàn khảo sát, đánh giá để có hướng dẫn cho địa phương thực hiện.

Cụ thể, đoàn công tác của Bộ TN&MT sẽ chia làm 2 tổ đi khảo sát dọc tuyến sông Krông Nô qua địa phận tỉnh Đắk Nông và nắm hồ sơ, đi thực địa việc chồng lấn quy hoạch bô xít, gây khó trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Các chuyên gia Cục Địa chất, Bộ TN&MT sẽ ghi nhận thực tế về việc sạt lở của dòng sông. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đo độ sâu, dòng xoáy nước… trên sông có những thay đổi gì.

Một cán bộ thuộc Cục Địa chất cho biết đây là chuyến đi khảo sát, ghi nhận, đo đạc thực tế sau khi UBND tỉnh Đắk Nông có văn bản đề nghị khảo sát, đánh giá tình hình sạt lở dòng sông.

“Trong chuyến làm việc gần đây, Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng yêu cầu Cục Địa chất sớm có đoàn công tác vào khảo sát thực tế, cùng với địa phương chỉ ra nguyên nhân, qua đó có giải pháp khắc phục sự cố sạt lở dọc bờ sông Krông Nô. Tuy nhiên, đợt khảo sát này chỉ là những ghi nhận, đánh giá về chuyên môn, chưa có kết luận”, vị cán bộ này nói.

Tương tự, tổ công tác của Cục Khoáng sản tiến hành làm việc với lãnh đạo Sở TN&MT Đắk Nông liên quan đến việc chồng lấn quy hoạch bô xít với các quy hoạch, dự án khác đã và đang triển khai tại Đắk Nông.

Mục đích, xem xét hồ sơ các công trình, dự án; tiến hành đi thực tế để ghi nhận, cùng với tỉnh phác thảo đánh giá, trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Dòng sông Krông Nô, ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông. Ảnh: TT

Dòng sông Krông Nô, ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông. Ảnh: TT

Gỡ khó để phát triển kinh tế, xã hội

Trước đó, trong các buổi làm việc với lãnh đạo Chính phủ; Bộ TN&MT, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã nêu ra rất nhiều khó khăn của địa phương xung quanh việc sạt lở bờ sông Krông Nô, nhất là vướng quy hoạch bô xít.

Ông Mười cho rằng, quy hoạch bô xít của Chính phủ hiện nay bộc lộ nhiều rào cản phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Có khoảng 1.062 dự án bị vướng quy hoạch không thể triển khai. Trong số này, có nhiều dự án tái định canh, tái định cư không thể thực hiện do dự án định triển khai nằm trên vùng quy hoạch bô xít.

Ngoài ra, diện tích khai thác để lấy quặng bô xít đã hết, Nhà máy Alumin có nguy cơ đóng cửa vì thiếu nguyên liệu nhưng thu hồi đất của dân không được.

Bởi, nếu thu hồi đất để có vùng nguyên liệu thì dân ở đâu khi các dự án tái định cư không thể thực hiện vì vướng quy hoạch bô xít?

Không những vậy, các dự án điện gió hàng chục ngàn tỷ đồng không thể triển khai thêm và đang bị Thanh tra Chính phủ kết luận có sai phạm do xây dựng trên vùng quy hoạch bô xít. Nhiều dự án hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi cũng phải dừng, thậm chí dự án đã có vốn cũng không thể triển khai vì bị “tuýt còi” do vướng quy hoạch.

“UBND tỉnh Đắk Nông tha thiết đề nghị Trung ương nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn hiện tại. Một mặt vẫn bảo vệ được tài nguyên bô xít nhưng cũng có thể triển khai các dự án khác để phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, ông Mười mong mỏi.

Mới đây nhất, trong chuyến làm việc tại Đắk Nông, Bộ trưởng Bộ TN&MT, Đặng Quốc Khánh đề nghị Cục Khoáng sản cử đoàn vào đi thực tế, rà soát để cùng với tỉnh Đắk Nông có báo cáo để Bộ trình Thủ tướng xem xét.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT, việc đánh giá phải toàn diện, cụ thể và nói được mặt lợi, mặt hại của việc thực hiện quy hoạch bô xít hoặc đưa dự án ra khỏi quy hoạch này.

Đồng thời nhấn mạnh: “Địa phương phải đánh giá cụ thể khi đưa dự án này, dự án kia ra khỏi quy hoạch bô xít sẽ được lợi gì, có vướng mắc như thế nào để tháo gỡ. Cục Khoáng sản và UBND tỉnh Đắk Nông sẽ cùng rà soát, trong vòng 2 tháng đưa ra một báo cáo chi tiết về việc vướng quy hoạch, hướng tháo gỡ trước mắt để Trung ương xem xét”.

Liên quan đến sạt lở trên sông Krông Nô, giai đoạn 2010 - 2019, Công ty Buôn Kuốp và Ban Quản lý dự án Thủy điện 5 đã đo đạc, bồi thường, hỗ trợ 6 đợt cho các hộ dân có đất bị sạt lở với tổng diện tích 73,63ha, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ hơn 57 tỷ đồng. Đối với phần diện tích sạt lở từ năm 2020 về sau, hiện đã đo đạc, xác định được khoảng hơn 29ha. Tuy nhiên, quá trình đền bù kéo dài, đến nay chính quyền và doanh nghiệp chưa tìm được “tiếng nói chung” về quy trình bồi thường thiệt hại, khiến người dân bức xúc. Đặc biệt, nhiều hộ mất đất sản xuất chưa được đền bù khiến họ gặp khó trong việc tìm kế mưu sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.