Sạt lở bờ sông Lam ở Nghệ An, nhiều nhà dân nguy cơ bị ‘nuốt chửng’

GD&TĐ - Bờ sông Lam bị sạt lở, khiến nhà của nhiều gia đình ở xã Lạng Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) đứng trước nguy cơ bị "nuốt chửng".

10 ngôi nhà đứng trước nguy cơ bị sông Lam "nuốt" trọn. (Ảnh: Phạm Tâm)
10 ngôi nhà đứng trước nguy cơ bị sông Lam "nuốt" trọn. (Ảnh: Phạm Tâm)

Sông Lam dọa "nuốt" nhà dân

Vài tháng nay, nhiều hộ dân xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) ở ven sông Lam đang sống trong thấp thỏm khi tình trạng sạt lở bờ sông ngày một lan rộng, nhiều đoạn sạt lở lấn sát đến mép nhà.

Có ngôi nhà cấp 4 nằm sát bờ sông Lam, bà Nguyễn Thị Tín (SN 1964, trú tại xóm 1, xã Lạng Sơn) cho biết, khu vực bờ sông này trước đây có lũy tre, nhưng đã bị nước cuốn trôi toàn bộ.

Nước lũ còn làm sạt lở vào bờ khoảng 20m khiến diện tích đất của gia đình giảm đi đáng kể.

Sạt lở bờ sông Lam tại xóm 1, xã Lạng Sơn. (Ảnh: Phạm Tâm)

Sạt lở bờ sông Lam tại xóm 1, xã Lạng Sơn. (Ảnh: Phạm Tâm)

“Trước khu vực này nhà tôi làm vườn, chăn nuôi gia cầm. Nhưng giờ bị cuốn xuống sông hết rồi. Cứ thế này thì không biết khi nào nó lấn vào nhà nữa”, bà Tín lo lắng nói.

Theo người dân địa phương, tình trạng sạt lở bờ sông Lam ở khu vực này xảy ra từ lâu, nhưng năm 2023 là năm nghiêm trọng nhất.

Đầu tháng 10, sau các đợt mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về, nước sông Lam dâng cao. Khi nước rút kéo theo sạt lở, nhà bà Tín tiếp tục mất hàng chục mét vuông đất.

Theo thống kê của xã Lạng Sơn, đoạn sạt lở bờ sông Lam qua xóm 1 dài 120m, rộng 20m, sâu 12m, cuốn trôi hơn 15.000m3 đất.

Hơn 10 gia đình có nhà kiên cố cách điểm sạt lở chỉ 10-50m. Từ đầu tháng 10 đến nay, chính quyền huy động máy móc san gạt, hạ thấp điểm sạt, xử lý vết nứt để hạn chế lan rộng.

Lũy tre bảo vệ làng bị cuốn xuống sông Lam. (Ảnh: Phạm Tâm)

Lũy tre bảo vệ làng bị cuốn xuống sông Lam. (Ảnh: Phạm Tâm)

Ông Đặng Ngọc Thiện, Chủ tịch UBND xã Lạng Sơn cho biết, để tránh nhà dân bị sạt lở xuống sông, UBND huyện Anh Sơn và xã Lạng Sơn đã huy động máy móc san gạt đất, hạ thấp điểm sạt lở, xử lý các vết nứt nhằm hạn chế việc sạt lở lan rộng vào nhà dân.

Mỗi lúc thấy trời sắp mưa lớn, người dân xóm 1 đóng thêm cọc tre, phủ bạt lên những điểm sạt lở để tránh nước đổ xuống cuốn trôi đất.

Nhiều gia trồng thêm cây sát sông, căng lưới làm rào chắn bảo vệ để ngăn trẻ em tiếp cận, đề phòng nguy hiểm. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời, chính quyền đang đề nghị người dân sẵn sàng di dời nếu mưa lớn kéo dài.

Người dân căng lưới đề phòng trẻ em đến gần. (Ảnh: Phạm Tâm)

Người dân căng lưới đề phòng trẻ em đến gần. (Ảnh: Phạm Tâm)

Khó khăn tìm phương án hỗ trợ người dân

Cách xã Lạng Sơn gần 40km, đất nông nghiệp trồng rau và hoa màu dọc bờ sông Lam đoạn qua thôn Đỉnh Thắng, xã Đỉnh Sơn cũng bị sạt lở kéo dài hơn 700m.

Các điểm sạt diễn ra từng đoạn dọc sông, mỗi điểm dài 30-50m, có nhiều vết rạn nứt, mép lở dựng đứng cao 8-10m so với mặt nước. Tình trạng trên diễn ra hơn 5 năm nay, sau mỗi đợt mưa lũ, diện tích đất nông nghiệp lại thu hẹp.

Theo chính quyền địa phương, đến nay khoảng 1,5ha đất bên sông ở thôn Đỉnh Thắng đã bị cuốn trôi. Nguyên nhân chủ yếu do mưa lớn và lũ lụt nhiều năm qua.

Một số người dân cho rằng việc khai thác cát dọc sông khiến địa chất tại một số nơi yếu đi. Dòng chảy thay đổi, nước bị đẩy thẳng vào hai bên bờ.

Bờ sông Lam chảy qua xã Đỉnh Sơn bị sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: Phạm Tâm)

Bờ sông Lam chảy qua xã Đỉnh Sơn bị sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: Phạm Tâm)

Nhằm khắc phục tình trạng trên, UBND huyện Anh Sơn đang lập dự án làm kè bêtông chống sạt lở tại các thôn thuộc xã Lạng Sơn và Đỉnh Sơn, kinh phí dự kiến hơn 10 tỉ đồng.

Tình trạng sạt lở đất uy hiếp nhà dân còn diễn ra ở huyện biên giới Kỳ Sơn. Ông Moong Văn Oanh (trú tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn) cho biết, ngọn núi phía sau nhà liên tiếp bị sạt lở mỗi đợt mưa lớn.

Tình trạng sạt lở ngày một lan rộng khiến nhiều ngôi nhà trong bản bị nứt toác, hư hỏng nặng. Không còn đảm bảo an toàn, nhiều gia đình buộc phải bỏ nhà đi ở nhờ nhà người thân để lánh nạn.

“Mưa là lo lắm. Mấy lần trước, đất sạt lở tràn xuống đẩy cả nhà đi ra 2m, cũng may chúng tôi chạy kịp. Ở lại giờ cũng sợ, nhưng không ở thì không biết đi đâu”, ông Oanh nói.

Sạt lở đe dọa nhà dân ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn. (Ảnh: Phạm Tâm)

Sạt lở đe dọa nhà dân ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn. (Ảnh: Phạm Tâm)

Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, sau đợt mưa lũ hồi tháng 10 vừa qua, nhiều ngọn núi trên địa bàn xuất hiện vết nứt lớn, có nguy cơ sạt lở rất cao, đe dọa hơn 600 hộ dân sống dưới chân núi.

Theo ông Rê, trong lúc chờ đợi các dự án tái định cư, người dân và chính quyền địa phương chỉ còn cách vừa ở, vừa canh chừng mưa, sẵn sàng di dời người và tài sản khi mưa lớn.

Chính quyền đề nghị các xã phải liên tục kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở cao, sẵn sàng di dời người dân khi có mưa lớn hoặc dấu hiệu bất thường.

“Khó khăn nhất bây giờ là chỗ ở cho người dân, khoảng 600 hộ hiện đang cần phải di dời đến nơi ở mới, nhiều gia đình bị cuốn trôi nhà vẫn đang phải ở lều tạm bợ nhưng ở Kỳ Sơn rất khó để tìm quỹ đất”, ông Rê nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.