1.Theo ông Nguyễn Trường Sơn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), những diễn biến khốc liệt, dị thường của khí hậu cả về cường độ lẫn tần suất đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho người dân ĐBSCL.
Riêng về vấn nạn sạt lở, theo TS Dương Văn Ni (Trường Đại học Cần Thơ), thì tình hình đã không còn theo quy luật của tự nhiên dòng sông bên lở bên bồi. Trước đây, vào mùa mưa, nước từ đầu nguồn sông Mekong đổ về rất mạnhlàm sạt lở bờ sông. Nhưng tới nay, sạt lở lại xảy ra nhiều vào mùa khô. Đó là điều rất bất thường.
Báo cáo mới nhất của Ủy hội sông Mekong cho thấy, lượng bùn cát bị các đập thủy điện ở thượng nguồn giữ lại mất 68%, chỉ còn 32% về được đến ĐBSCL và đang tiếp tục giảm. Việc bùn cát đang suy giảm sẽ gây thiếu hụt bùn cát trên các hệ thống sông và xói lở. Khi lượng bùn cát về đang ngày một ít đi, nếu cứ khai thác cát thiếu kiểm soát thì sạt lở sẽ gia tăng.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL thì sạt lở không còn do tăng cường của dòng chảy nữa, mà là do tình trạng mất cân bằng, thiếu phù sa do các đập thủy điện trên dòng Mekong chắn lại. Thiếu cát là do khai thác cát quá tải. Về việc khai thác cát trên sông, những năm qua tình hình hết sức phức tạp. Sông Tiền, sông hậu, sông Cổ Chiên... là những con sông bị đào bới ghê gớm nhất.
Vẫn theo ông Thiện, với tổng chiều dài sạt lở bờ sông, bờ biển đã gần 1.000 km thì sạt lở ở khu vực này không bình thường như xưa mà đang dữ dội hơn rất nhiều. Ông Thiện cho rằng, nền đất yếu không phải nguyên nhân gây sạt lở, bởi bản chất của đồng bằng là nền đất yếu từ hàng ngàn năm nay nên không có việc nó bị yếu hơn.
Có 2 yếu tố xuất hiện trong 25 năm trở lại đây gây sạt lở ở ĐBSCL. Ông Thiện cho rằng, thiếu hụt là phù sa mịn và cát ở đáy sông mới là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở. So với thời điểm năm 1992, lượng phù sa mịn của sông Mekong đã giảm 1/2 vào năm 2014, từ 160 triệu tấn xuống 80 triệu tấn khi đổ vào ĐBSCL. Và rất có thể sẽ còn ít hơn nữa khi mà các đập thủy điện trên sông này phía thượng nguồn được xây dựng thêm.
“Sắp tới, khi 11 đập mới hoàn thành, thì thật hiếm có hạt cát, viên sỏi nào về được đến ĐBSCL”- Ông Thiện cho biết.
2. Để chống sạt lở, chính quyền nhiều địa phương trong vùng đã đầu tư xây dựng hệ thống bờ kè. Tuy nhiên, nói như ông Nguyễn Hữu Thiện thì những công trình trái với quy luật tự nhiên sẽ sụp đổ. Khi có bờ kè bảo vệ ở nơi này, dòng chảy sẽ bị thay đổi, gây sạt lở ở nơi khác. Bờ kè chỉ tạo cảm giác an toàn giả.
Ông Thiện dẫn một khảo sát của Ủy hội sông Mekong: Trên dòng sông này có khoảng 500 hố sâu tự nhiên. Riêng đoạn qua huyện Sambor, thuộc tỉnh Kratie của Campuchia (giáp biên giới với Lào) có tới 80 hố, trong đó hố sâu nhất sâu tới 90,5 m và hố dài nhất 17,5 km. Về thể tích, hố nhỏ nhất là 29.000 m3 trong khi hố lớn nhất tới 1,46 triệu m3. Tại ĐBSCL, trên dòng chính của sông Hậu và sông Tiền có 22 hố. “Những hố này hình thành do tự nhiên, nếu chúng ta cho rằng hố sâu là nguyên nhân gây sạt lở mà can thiệp lấp nó đi sẽ gây sạt lở những chỗ khác”- ông Thiện cảnh báo.
PGS.TS Đinh Công Sản- Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống thiên tai (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) cho rằng, đối với giải pháp gây bồi và trồng rừng lấn biển, nên thực hiện theo hình thức lấn dần từng bước theo từng giai đoạn, từ trong ra ngoài. Đối với giải pháp công trình giảm sóng gây bồi, nên áp dụng dạng công trình “ít hối tiếc”, ngắn hạn, đơn giản, sử dụng vật liệu địa phương hoặc các dạng kết cấu sử dụng vật liệu nhẹ có thể tận dụng lại và dễ dàng tháo dỡ, di chuyển và lắp đặt. Giải pháp nuôi bãi cũng cần được nghiên cứu,thử nghiệm.
Còn theo PGS.TS Lê Anh Tuấn- Viện Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), trước mắt, cùng với Bản đồ sạt lở bờ sông của Bộ NN&PTNT, thì các địa phương ở vùng ĐBSCL cần phải xây dựng một bản đồ riêng dự báo chung cho vùng, đánh dấu các điểm đen sạt lở lên bản đồ đó giống như điểm đen giao thông đường bộ vậy.
Tuy rằng, đó là giải pháp tình thế nhưng dẫu vậy cũng giúp ích cho người dân và chính quyền những nơi có nguy cơ sạt lở.