Sạt lở gây ám ảnh ở ĐBSCL, dân ngậm ngùi nhìn nhà cửa trôi theo dòng nước

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sạt lở trở thành nỗi ám ảnh của người dân, nhiều người mất đất, mất nhà, thành tay trắng.

Sạt lở bờ sông Tiền tiến sát vào nhà dân tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp).
Sạt lở bờ sông Tiền tiến sát vào nhà dân tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp).

Bỏ của chạy lấy người

Xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) là “điểm nóng” sạt lở, nhiều hộ dân rơi vào cảnh mất nhà, mất đất, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Một trong những hộ bị sạt lở cuốn nhà đất xuống sông là ông Nguyễn Văn Lắm, ngụ ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh.

Chỉ tay về phía hố xoáy, ông Lắm cho biết, hồi trước nhà, đất ông nằm ngoài đó.

“Khoảng 3h sáng khi mọi người còn say ngủ thì diễn ra sạt lở. Không ai trở tay kịp. Giờ tôi và nhiều gia đình có cùng cảnh ngộ, cầm giấy tờ nhà đất trên tay, nhưng chẳng còn gì nữa, tất cả nằm dưới lòng sông hết rồi”, ông Lắm trầm giọng.

Đồng cảnh ngộ với ông Lắm, bà Huỳnh Hồng Nga cho biết: “Sạt lở ập đến bất ngờ, gia đình chỉ kịp bỏ của chạy lấy người, tài sản đa số bị cuốn trôi theo dòng nước hoặc bị hư hỏng. Giờ giữ được mạng sống, còn đất đai, nhà cửa bị cuốn trôi hết, tờ giấy nhà đất này cũng không còn giá trị”.

Không riêng TP Cần Thơ, nhiều tỉnh ở ĐBSCL tình trạng sạt lở gây nhiều thiệt hại cho người dân.

Cuối tháng 6 vừa qua, vụ sạt lở ở xã Tích Thiện (huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) làm 4 căn nhà sạt lở xuống sông hoàn toàn, khả năng tiếp tục sạt lở.

Ông Phan Văn Một, ngụ ấp Tích Lộc vẫn chưa hết bàng hoàng khi vụ sạt lở bất ngờ ập đến.

“Hôm đó, trong lúc mọi người còn say giấc ngủ thì nghe tiếng nước xoáy mạnh và một số vật dụng nằm cạnh sông Trà Ôn bị sụp xuống. Tôi liền chạy ra ngoài quan sát, phát hiện một phần căn nhà sụp xuống lòng sông nên lập tức đưa người thân rời khỏi nơi nguy hiểm”, ông Một nhớ lại.

Trước mắt ông di dời đồ đạc ra nơi ở tạm, còn về lâu dài chỉ biết trông chờ vào chính quyền địa phương xem xét bố trí nơi ở mới, bởi gia đình khó khăn, không có đất đai sản xuất.

Tuyến kênh Bạc Liêu - Cà Mau đoạn đi qua địa phận thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) cũng trở thành điểm nóng sạt lở.

Đầu tháng 6 vừa qua, tại xã Tân Phong (thị xã Giá Rai), xảy ra vụ sạt lở với chiều dài 150m, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nhà 13 hộ dân, với 54 nhân khẩu; còn lại 91 hộ nhà bị rạn nứt có nguy cơ bị sạt lở.

Tình trạng sạt lở ở ĐBSCL trở thành nỗi ám ảnh của người dân.

Tình trạng sạt lở ở ĐBSCL trở thành nỗi ám ảnh của người dân.

Người dân sống ven sông Tiền tại Đồng Tháp dời nhà tránh sạt lở.

Người dân sống ven sông Tiền tại Đồng Tháp dời nhà tránh sạt lở.

Sạt lở nhà dân ven sông Cần Thơ thuộc địa phận quận Cái Răng.

Sạt lở nhà dân ven sông Cần Thơ thuộc địa phận quận Cái Răng.

Xót xa tiền tỷ trôi theo con nước

Những năm qua, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh An Giang ngày càng nghiêm trọng, nhất là là sạt lở dọc theo các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, sông Bình Di... gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.

Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Sở TN&MT tỉnh này đã quan trắc, nhận thấy có 56 đoạn nằm trong cảnh báo sạt lở, tổng chiều dài 181.450m.

Trong đó, 5 đoạn sông được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 37 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 14 đoạn ở mức độ bình thường.

Các khu vực cảnh báo sạt lở ảnh hưởng đến khoảng 20.000 hộ dân, trong đó khoảng 5.300 hộ dân cần di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

Thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ sạt lở ở các huyện Cao Lãnh, Châu Thành, TP Sa Đéc… gây sập 3 căn nhà, ảnh hưởng trực tiếp nhiều hộ dân, ước thiệt hại trên 1,3 tỉ đồng.

Riêng giai đoạn từ năm 2005 - 2020, tổng diện tích đất sạt lở ở Đồng Tháp khoảng 330ha, bình quân 22ha/năm, thiệt hại trên 415 tỉ đồng; làm chết 1 người…

Người dân ven sông Tiền (Đồng Tháp) cố gắng di dời tài sản trước nguy cơ sạt lở.

Người dân ven sông Tiền (Đồng Tháp) cố gắng di dời tài sản trước nguy cơ sạt lở.

Sạt lở vùng ven biển tỉnh Trà Vinh khiến người dân bỏ nhà ra đi.

Sạt lở vùng ven biển tỉnh Trà Vinh khiến người dân bỏ nhà ra đi.

Gia cố đê bị sạt lở tại tỉnh Cà Mau.

Gia cố đê bị sạt lở tại tỉnh Cà Mau.

Tình trạng sạt lở bờ biển ở Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Kiên Giang cũng rất phức tạp và gây ra thiệt hại lớn về tài sản.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, toàn vùng ĐBSCL có chiều dài bờ biển khoảng 744km, thì hiện nay có hơn 268km đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng…

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập hệ sinh thái vùng ĐBSCL cho rằng tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra khắp nơi ở khu vực này, nguyên nhân chính là do thiếu phù sa và cát, bởi các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông chặn lại; đồng thời do khai thác cát tràn lan ở các quốc gia dọc sông Mê Kông.

Theo ông Thiện, cần nhìn nhận vấn đề sử dụng cát cho xây dựng là nhu cầu thiết yếu. Các địa phương cần số lượng cát rất lớn nhằm phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là phục vụ cho nhiều đường cao tốc đang triển khai.

Trong bối cảnh này, để giải quyết bài toán quản lý khai thác cát là rất gian nan. Tuy nhiên, nếu tiếp tục khai thác tràn lan, không kiểm soát thì phải đánh đổi, sạt lở gia tăng và mất đất càng nhiều.

“Chúng ta không bao giờ có đủ tiền để chạy theo sạt lở mãi. Chỉ nên làm kè bảo vệ những nơi nào thật sự xung yếu. Thay vào đó, kinh phí làm kè nên được dành để di dời người dân khỏi những nơi nguy cơ cao...”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập hệ sinh thái vùng ĐBSCL nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ