Sáp nhập trung tâm dạy nghề, GDTX: Cơ chế hoạt động chưa đầy đủ và đồng bộ

GD&TĐ - Sáp nhập các trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp, giáo dục thường xuyên được xem là giải pháp để tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề, tinh gọn bộ máy… Dù vậy, sau nhiều năm triển khai, hiệu quả chưa như kỳ vọng. Ở một số địa phương việc thực hiện vẫn chậm chạp và rơi vào bế tắc.  

Sáp nhập trung tâm dạy nghề, GDTX: Cơ chế hoạt động chưa đầy đủ và đồng bộ

Tập trung nguồn lực

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) Diễn Châu, Nghệ An thành lập đã được 3 năm. Ông Phan Lam Giang - Giám đốc Trung tâm cho biết: Sau khi sáp nhập, trung tâm phát triển mạnh hơn cả về quy mô lẫn chất lượng hoạt động nhờ việc sắp xếp đội ngũ giáo viên hợp lý dựa trên trình độ, năng lực, kinh nghiệm phù hợp với từng nhiệm vụ dạy nghề hoặc dạy văn hóa; Đồng thời tận dụng được tối đa hiệu quả cơ sở vật chất. Trước khi sáp nhập, có một số tồn tại như học sinh Trung tâm GDTX thiếu cơ sở vật chất để thực hành, còn trung tâm dạy nghề lại không có người học, gây lãng phí máy móc, thiết bị.

Hoạt động hiệu quả, tích cực, nên Trung tâm GDNN - GDTX huyện Diễn Châu đã thu hút lượng người học cao. Tuyển sinh những năm gần đây ổn định và tăng dần lên. Việc phân luồng, hướng nghiệp rõ nét và có chất lượng. Hiện trung tâm có hơn 500 học sinh với 23 lớp THPT, trong đó có 21 lớp học sinh có đăng ký học nghề.

“Tại trung tâm, các em vừa học văn hóa, vừa có thời gian và điều kiện để học nghề, thực hành ngay tại xưởng. Tuy nhiên, trung tâm chỉ có chức năng dạy nghề sơ cấp, vì vậy để tạo điều kiện cho học sinh được đào tạo trình độ cao, chúng tôi liên kết với các trường trung cấp, CĐ nghề để dạy và cấp bằng trung cấp cho các em”.

Nguyễn Văn Quế (học sinh lớp 12D) vừa hoàn thành và lấy chứng chỉ trung cấp nghề nấu ăn chia sẻ: Em thích nghề nấu ăn và theo học từ năm lớp 10, hiện em khá tự tin vào tay nghề của mình và có thể đi làm ngay sau khi tốt nghiệp THPT. Còn học viên Trần Văn Mạnh (SN 1994, quê huyện Anh Sơn, Nghệ An) sau khi học xong lớp 12 theo bố sang Lào làm cho một xưởng sản xuất tại đó. Tuy nhiên, công việc vất vả, lao động phổ thông không được trả lương cao nên em quay về quê để học nghề. Em đăng ký lớp học nghề hàn ngắn hạn tại đây, sau đó dự định sẽ đi xuất khẩu lao động.

Được biết, ngoài các ngành nghề cũ như hàn, điện, may mặc, nấu ăn... Trung tâm cũng mới liên kết với Trường CĐ nghề số 4 mở lớp dạy công nghệ ô tô. Năm thứ 2 đào tạo đã có 74 học viên tham gia. “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là thiếu giáo viên, ngoài ra một số thiết bị máy móc cũ, không tiếp cận được với nhu cầu hiện tại, cần đầu tư, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và đổi mới giáo dục” - ông Giang chia sẻ.

Cho đến thời điểm này, toàn tỉnh Nghệ An có 12 địa phương hoàn thành việc sáp nhập các trung tâm GDTX - GDNN. Việc sáp nhập bước đầu được đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề, giúp tinh gọn bộ máy và tiết kiệm ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, số lượng các trung tâm hoạt động hiệu quả như tại huyện Diễn Châu không nhiều. Thực tế, việc tuyển sinh tại nhiều trung tâm sau khi sáp nhập không hiệu quả, lãng phí cơ sở vật chất do số người học đăng ký không nhiều như ở Quỳ Châu, Tương Dương, Quế Phong...

Vẫn vướng mắc và chồng chéo quản lý

Năm học 2017 - 2018, Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên được sáp nhập với Trung tâm dạy nghề. Hai năm qua, hoạt động chính của trung tâm vẫn diễn ra ở cơ sở GDTX gồm dạy văn hóa, đào tạo nghề ngắn hạn, sơ cấp. Trụ sở còn lại ở Trung tâm dạy nghề huyện chủ yếu là để các trường trung cấp mượn địa điểm, trang thiết bị dạy nghề.

Ban Giám đốc trung tâm cho biết: Việc sáp nhập tạo nhiều điều kiện thuận lợi như: Tăng cường cơ sở vật chất, giáo viên, nhân viên; mô hình hoạt động của trung tâm đa dạng hơn. Song cái khó cũng tỷ lệ thuận, đặc biệt là chịu sự quản lý của quá nhiều cơ quan cấp trên, khiến cho việc điều hành trở nên chồng chèo, không nhất quán.

Đơn cử, đơn vị quản lý hiện nay là UBND huyện Hưng Nguyên nhưng về chuyên môn, huyện lại giao cho Phòng GD&ĐT quản lý. Trong khi đó, Phòng này chỉ có chức năng quản lý các bậc học mầm non, tiểu học và THCS. Vì vậy, mọi hướng dẫn chỉ đạo liên quan đến chuyên môn, đơn vị vẫn phải thực hiện dựa trên hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Đồng thời, đơn vị cũng chịu sự quản lý của Sở LĐ,TB&XH, Sở NN&PTNT.

Ngoài ra, đội ngũ giáo viên tăng lên nhưng lại thừa thiếu cục bộ. Cùng trong trung tâm nhưng chế độ làm việc của giáo viên dạy nghề và văn hóa lại theo hướng dẫn của 2 thông tư khác nhau. Chuẩn xếp loại giáo viên cũng có sự khác biệt. Bà Lê Thị Dung – Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hưng Nguyên nêu ý kiến: “Theo tôi, với mô hình hiện tại nên chỉ để Sở GD&ĐT quản lý và chuyển về một mối. Bên cạnh đó, cần có những cơ chế để nhà trường hoạt động sao cho phù hợp với mô hình mới”.

Không chỉ Hưng Nguyên mà các trung tâm khác sau sáp nhập cũng đang rơi vào những khó khăn tương tự. Thời điểm này cũng chưa có hệ thống văn bản thống nhất hướng dẫn cho mô hình mới mà chỉ là ghép cơ học của GDTX và hướng nghiệp dạy nghề nên trong quá trình triển khai có những bất cập.

Với vướng mắc trên, những năm qua dù chủ trương sáp nhập được tỉnh Nghệ An kiên trì triển khai nhưng việc thực hiện vẫn bế tắc, chậm chạp. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần có đánh giá khách quan việc thực hiện sáp nhập này ở cả những trung tâm đã đi vào hoạt động và những đơn vị chưa triển khai được. Từ đó, có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, giúp việc sáp nhập hiệu quả và đạt được kỳ vọng đã đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.