Sáp nhập, sắp xếp tinh gọn bộ máy: Vì người học và sự phát triển chung

GD&TĐ - Việc sáp nhập, sắp xếp cơ sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) còn mở ra một chương mới với nhiều triển vọng hứa hẹn cho sự nghiệp đào tạo...

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Đông Ngàn (TP Từ Sơn). Ảnh: NTCC
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Đông Ngàn (TP Từ Sơn). Ảnh: NTCC

Việc sáp nhập, sắp xếp cơ sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) không chỉ là bước đi mang tính chiến lược trong việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Giáo dục mà còn mở ra một chương mới với nhiều triển vọng hứa hẹn cho sự nghiệp đào tạo đội ngũ cán bộ, lao động chất lượng cao cho đất nước trong kỷ nguyên vươn mình.

Ông Nguyễn Khắc Quyết - Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính (Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh): Tập trung quản lý và liên thông GD&ĐT

vi-nguoi-hoc-va-su-phat-trien-chung-2.jpg
Ông Nguyễn Khắc Quyết.

Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh vừa phối hợp với các đơn vị, huyện, thành phố và các Sở, ngành có liên quan tổ chức bàn giao, tiếp nhận 5 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) cấp huyện và tiếp nhận Trung tâm giáo dục chuyên biệt và Bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Ninh (hợp nhất Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Phục hồi chức năng cho người khuyết tật với Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội) về Sở để quản lý, chỉ đạo các trung tâm đi vào hoạt động từ ngày 3/2/2025.

Lãnh đạo tỉnh xác định, khi kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, rất nhiều vấn đề xã hội nảy sinh, vì vậy việc hợp nhất thành Trung tâm giáo dục chuyên biệt và Bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Ninh là hết sức cần thiết để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của địa phương.

Trung tâm hoạt động theo mô hình mới của cả nước với chức năng, nhiệm vụ động gồm: Giáo dục chuyên biệt (giáo dục cho trẻ khuyết tật hòa nhập, dạy văn hóa cho học sinh khuyết tật từ mầm non đến phổ thông) và Công tác Bảo trợ xã hội (học nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, trẻ bị bỏ rơi không nơi nương tựa, đối tượng lang thang cơ nhỡ…).

Hiện Sở GD&ĐT đã dự thảo xong chức năng, nhiệm vụ lấy ý kiến Sở, ngành liên quan và trình UBND tỉnh Bắc Ninh để vận hành theo đúng loại hình của Trung tâm. Như vậy, chức năng nhiệm vụ mới Trung tâm sẽ có đầy đủ mô hình (chuyên biệt và bảo trợ) vừa dạy văn hóa cho người khuyết tật, phục hồi chức năng cho người tự kỷ, hòa nhập… vừa tạo việc làm (bảo trợ xã hội).

Theo Quyết định số 25 của UBND tỉnh Bắc Ninh, chuyển nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ, nhân lực 5 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX trực thuộc UBND các huyện, thành phố (Tiên Du, Yên Phong, Gia Bình, Lương Tài, Từ Sơn) về Sở GD&ĐT. Sở xây dựng nội dung đề án, trong đó chú trọng đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, nhân lực và xây dựng cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề, liên kết với các trường cao đẳng trong đào tạo nghề gắn với học văn hóa, tạo sự liên thông giữa Trung tâm với các trường cao đẳng.

Sở cũng hoàn thành đề án sáp nhập Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật và thủ công mỹ nghệ truyền thống Thuận Thành vào Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh. Đồng thời, sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Y tế và Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Bắc Ninh thành Trường Cao đẳng Bắc Ninh.

vi-nguoi-hoc-va-su-phat-trien-chung-6.jpg
Học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội thực hành, trải nghiệm. Ảnh: NTCC

Với sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp và doanh nghiệp, trong giai đoạn tới tỉnh tiếp tục đối mặt với nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực có trình độ tay nghề. Chính vì vậy, việc sáp nhập các cơ sở GDNN nhằm tối ưu hóa bộ máy quản lý, tinh giản các quy trình hành chính nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ sở đào tạo.

Đồng thời, tạo điều kiện để phát triển, mở rộng chương trình đào tạo, đặc biệt là những ngành nghề mới có tiềm năng phát triển, tạo cơ hội phát triển công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng đào tạo từ đó đáp ứng tốt hơn yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Bên cạnh đó, để tập trung nguồn lực cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh gắn với việc tổ chức lại bộ máy, sắp xếp và bố trí lại cán bộ, viên chức theo đề án vị trí việc làm, phù hợp với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Như vậy, việc sáp nhập Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật và Thủ công mỹ nghệ truyền thống Thuận Thành vào Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh” cũng như sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Bắc Ninh và Trường Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh thành Trường Cao đẳng Bắc Ninh là phù hợp và hết sức cần thiết.

Việc sáp nhập tạo ra cơ chế liên thông, thống nhất trong chỉ đạo hoạt động chuyên môn giữa các trung tâm GDNN - GDTX với các trường cao đẳng (Cao đẳng Bắc Ninh, Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh) trên địa bàn tỉnh, các trung tâm GDNN - GDTX vừa dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cho học sinh cấp THCS vào học nghề tại các trường cao đẳng đồng thời các trường cao đẳng đào tạo nghề ngắn hạn, sơ cấp, đào tạo cao đẳng cho các trung tâm.

Mặt khác, khi tập trung vào một đầu mối quản lý của Sở, công tác phân luồng hướng nghiệp cho học sinh tốt nghiệp lớp 9 cấp THCS mang lại hiệu quả cao theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Bộ GD&ĐT.

NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội: Tổ chức kỳ đánh giá để sắp xếp, bố trí phân công công việc phù hợp

vi-nguoi-hoc-va-su-phat-trien-chung-3.jpg
NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh.

Thực hiện Kế hoạch số 44 (ngày 11/2/2022) của UBND TP Hà Nội về việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố, Sở Nội vụ đã hướng dẫn Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội (HTEC) triển khai xây dựng đề án sáp nhập.

Sau 6 tháng xây dựng đề án sáp nhập, ngày 15/12/2022, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 1267 về việc sáp nhập HTEC vào Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội và đổi tên thành Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT). Để nhà trường sớm ổn định và đi vào hoạt động hiệu quả, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định số 23 (ngày 3/1/2023) về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường HHT để nhà trường làm căn cứ tổ chức thực hiện.

Ngay trong năm đầu sáp nhập, Ban Giám hiệu gồm 1 Hiệu trưởng và 2 Phó Hiệu trưởng, Đảng bộ, Hội đồng trường đã được kiện toàn. Đồng thời, tiếp nhận 201 viên chức, người lao động của 2 trường, đã bổ nhiệm trưởng, phó 19 đơn vị, kiện toàn các tổ chức (đoàn thanh niên, công đoàn). Qua đó giảm được 1 trường cao đẳng, 2 đơn vị phòng ban. Sau sáp nhập, bộ máy được tinh gọn hơn, có sự đoàn kết, thống nhất cao góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động; phát huy được thế mạnh của cả 2 trường.

Sau sáp nhập, nhà trường gặp nhiều khó khăn về tài chính vì HTEC trước đó chỉ thực hiện tự chủ được hơn 50%, trong khi nhiều cán bộ, chuyên viên có thâm niên, phụ cấp cao dẫn đến quỹ lương tăng hơn 1/3, cùng với nhiều chi phí phát sinh cho cải tạo, sửa chữa nhà cửa, đầu tư cho đào tạo tăng cao. Với quyết tâm thực hiện, bằng mọi giải pháp phải cân đối được thu chi tài chính, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, viên chức.

Chỉ ngay sau một năm sáp nhập, nhà trường đã đảm bảo 100% chi thường xuyên, vượt kế hoạch đề ra. Vì vậy, trong 2 năm qua không có bất kỳ đơn thư khiếu nại hay ý kiến nào, mọi người đều vui vẻ, phấn khởi, làm việc trách nhiệm, nhiệt tình, tin tưởng vào sự lãnh đạo của tập thể lãnh đạo nhà trường.

vi-nguoi-hoc-va-su-phat-trien-chung-1.jpg
Sinh viên Học viện Hành chính và Quản trị công. Ảnh: NTCC

Hướng tới trở thành Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao theo Quyết định 1569 (ngày 12/12/2024) của Thủ tướng Chính phủ, đầu xuân Ất Tỵ năm 2025, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã tổ chức kỳ đánh giá kỹ năng cán bộ quản lý, giảng viên và người lao động năm 2025 với 3 nội dung (tiếng Anh, sử dụng công nghệ số, chuyên môn) để sẵn sàng chuẩn bị một đội ngũ cán bộ giảng viên có năng lực tốt nhất đáp ứng nhu cầu cho giai đoạn tăng tốc, bứt phá của nhà trường trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Kỳ thi đánh giá, với tiếng Anh để biết năng lực ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ số và thi hiểu biết chuyên môn để làm căn cứ tinh giản, sắp xếp, bố trí phân công công việc phù hợp; đồng thời, làm căn cứ để cử đi đào tạo, bồi dưỡng và phát triển. Thông qua kỳ thi đánh giá, còn khai thác ý tưởng sáng tạo của mọi người, bởi có câu hỏi gợi mở về phát triển nhà trường, ai có những ý tưởng sáng tạo, giải pháp hay thì nhà trường có thể áp dụng trong thực tiễn phát triển.

Tuy nhiên, với quan điểm là không để ai ở lại phía sau, HHT tinh gọn là sắp xếp lại các bộ phận theo hiệu lực, hiệu quả nên sẽ thành lập các bộ phận mới hoạt động theo mô hình tự chủ, để điều động cán bộ phù hợp với năng lực. Việc tinh giản có tính nhân văn và đảm bảo quyền của người lao động.

Năm học 2025 - 2026, HHT đặt chỉ tiêu phấn đấu nâng quy mô lên 9.000 học sinh, sinh viên và ổn định 12.000 học sinh, sinh viên (tăng tuyển sinh lên 4 - 5.000 học sinh, sinh viên).

Trong đó, học sinh 9+ (văn hóa, học nghề) dự kiến tăng quy mô lên tới 1.500. HHT dự kiến mở rộng đối tượng, để tăng quy mô tuyển sinh, ngoài học sinh tốt nghiệp THPT, THCS thì có lực lượng vũ trang sau khi xuất ngũ, con em đồng bào dân tộc. Nhà trường cũng chú trọng đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Thời điểm này, nhà trường đã nhận được 2.000 chỉ tiêu đào tạo đặt hàng của doanh nghiệp cho năm 2025 - 2026.

PGS.TS Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công: Khởi đầu với những triển vọng mới

vi-nguoi-hoc-va-su-phat-trien-chung-4.jpg
PGS.TS Nguyễn Bá Chiến.

Việc sáp nhập Học viện Hành chính Quốc gia vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là một quyết định mang tính chiến lược, thể hiện sự quyết tâm và tầm nhìn xa của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Quyết định này không chỉ nhằm tối ưu hóa các nguồn lực quốc gia mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lãnh đạo quản lý, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Dưới sự chỉ đạo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính và Quản trị công sẽ kế thừa và phát huy truyền thống 65 năm của Học viện Hành chính Quốc gia, đồng thời đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số toàn diện. Đây là sự khởi đầu của một chương mới, với những triển vọng to lớn và nhiều cơ hội phát triển.

Tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới toàn thể viên chức, người lao động, các em sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh vì sự đồng hành, cống hiến và niềm tin dành cho Học viện trong suốt thời gian qua. Học viện cam kết kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của Học viện Hành chính Quốc gia, đồng thời phát triển Học viện Hành chính và Quản trị công thành một cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học ngang tầm khu vực châu Á - Thái Bình Dương về hành chính, quản trị công, chính sách công, quản trị nhân lực, pháp lý dưới sự chỉ đạo, dẫn dắt của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Hành trình này sẽ có những thách thức, nhưng tôi tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và quyết tâm với khát vọng lớn chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng Học viện Hành chính và Quản trị công hiện đại, năng động và đạt được những thành tựu mới, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ