Sáp nhập báo Sinh viên Việt Nam vào báo Tiền Phong

Sáp nhập báo Sinh viên Việt Nam vào báo Tiền Phong

Chủ trì Hội nghị có Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương. Cùng tham dự có Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn, ông Nguyễn Huy Lộc-đại diện lãnh đạo báo Sinh viên Việt Nam, cùng cán bộ chủ chốt của báo Tiền Phong và Sinh viên Việt Nam, lãnh đạo Công đoàn, Đoàn Thanh niên cơ quan và một số ban của Trung ương Đoàn.

Hội nghị đã triển khai các quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh gồm:

Quyết định số 1235, quyết định sáp nhập báo Sinh viên Việt Nam vào báo Tiền Phong kể từ ngày 19/2/2020. Báo Tiền Phong tiếp nhận, kế thừa toàn bộ tài sản, tài chính, nhân sự, các quyền, nghĩa vụ hợp pháp của báo Sinh viên Việt Nam, có trách nhiệm tiếp nhận bàn giao từ báo Sinh viên Việt Nam, đảm bảo ổn định trong xuất bản, phát hành các ấn phẩm và các hoạt động khác.

Quyết định số 1236, quyết định điều động bổ nhiệm cán bộ. Theo đó, Ban Bí thư Trung ương Đoàn điều động ông Phạm Công Luận, Phó Tổng Biên tập báo Sinh viên Việt Nam sang làm việc tại báo Tiền Phong, bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong kể từ ngày 19/2/2020 đến khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Sáp nhập báo Sinh viên Việt Nam vào báo Tiền Phong - ảnh 2

Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong trao các quyết định cho Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn và ông Nguyễn Huy Lộc-đại diện lãnh đạo báo Sinh viên Việt Nam. Ảnh: Như Ý

Quyết định số 1237, quyết định điều động nhân sự báo Sinh viên Việt Nam. Ban Bí thư Trung ương Đoàn quyết định điều động 59 nhân sự của báo Sinh viên Việt Nam sang làm việc tại báo Tiền Phong kể từ ngày 19/2/2020. Giao Tổng Biên tập Báo Tiền Phong tiếp nhận, phân công nhiệm vụ đối với 59 nhân sự theo đúng quy định, chịu trách nhiệm trước pháp luật, Ban Bí thư, Thủ trưởng cơ quan Trung ương Đoàn về việc tiếp nhận, phân công nhiệm vụ đối với các nhân sự.

Sáp nhập báo Sinh viên Việt Nam vào báo Tiền Phong - ảnh 3

Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong trao quyết định điều động ông Phạm Công Luận, Phó Tổng Biên tập báo Sinh viên Việt Nam sang làm việc tại báo Tiền Phong, bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong kể từ ngày 19/2/2020. Ảnh: Như Ý

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Huy Lộc- đại diện lãnh đạo báo Sinh viên Việt Nam cho biết, thời điểm ban đầu khi triển khai quy hoạch, cán bộ, phóng viên hai báo đều có tâm tư. Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã gặp gỡ, trao đổi, lãnh đạo báo cũng làm công tác tư tưởng, trao đổi, nên các cán bộ, phóng viên, nhân viên trong báo yên tâm đi đến thống nhất trong nhận thức và hành động.

“Thực tế nếu thực hiện công tác sau sáp nhập tốt, có thể sẽ phát huy được thế mạnh của từng cơ quan, mở ra nhiều hướng phát triển mới”, ông Lộc nói.

Sáp nhập báo Sinh viên Việt Nam vào báo Tiền Phong - ảnh 4

Ông Nguyễn Huy Lộc, đại diện lãnh đạo báo Sinh viên Việt Nam, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Như Ý

Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn cho rằng, việc sáp nhập là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của cả báo Tiền Phong và báo Sinh viên Việt Nam. Theo ông Sơn, đây là quá trình không dễ dàng về mặt tư tưởng với cả hai báo, nhưng xác định rõ là nhiệm vụ chính trị và phải thực hiện tốt.

Theo Tổng Biên tập Lê Xuân Sơn, bản thân hai báo khi đứng riêng, đều phải đối mặt với các vấn đề nội tại. Việc sáp nhập tạo ra các khó khăn, thách thức mới. Thói quen làm việc của hai cơ quan, truyền thống, quy định nội bộ.., khác nhau. Khi sáp nhập thì trong thời gian nhất định có thể chưa ăn khớp. Hơn nữa, kinh tế báo chí hiện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động rất lớn tới các mặt đời sống kinh tế, xã hội.

Sáp nhập báo Sinh viên Việt Nam vào báo Tiền Phong - ảnh 5

Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Như Ý

“Trong quá trình chuẩn bị sáp nhập, trong hai tờ báo thực sự không có vấn đề tâm tư tình cảm lớn. Đó là cơ sở để sáp nhập, hiểu nhau, tôn trọng nhau, đoàn kết nhất trí, chung tay thì nhất định sẽ xây dựng được một tập thể mới vững mạnh và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và Trung ương Đoàn giao phó. Tôi cùng các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Biên tập báo Tiền Phong cùng với Đảng ủy, Ban Biên tập báo Sinh viên Việt Nam hình thành một Ban lãnh đạo mới. Các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Chi hội nhà báo của hai báo cũng sẽ hình thành các tổ chức mới. Chúng tôi quyết tâm đoàn kết nhất trí với nhau xây dựng, phối hợp công tác thật tốt để lãnh đạo tờ báo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra”, ông Sơn nói, đồng thời cho rằng, trong quá trình này cần rất nhiều sự quan tâm sâu sát của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Đảng ủy Trung ương Đoàn…

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong cho rằng, đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới cho báo Tiền Phong khi có một đơn vị sáp nhập vào mình. “Chúc báo Tiền Phong sau khi sự sáp nhập này có nhiều thuận lợi, thêm nhiều sức mạnh để tiếp tục phát triển”, anh Phong nói.

Sáp nhập báo Sinh viên Việt Nam vào báo Tiền Phong - ảnh 6

Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong phát biểu tại hội nghị. “Chúng tôi chỉ có một mong muốn là sau quyết định lịch sử ngày hôm nay, Tiền Phong tiếp tục phát triển trong đó có sự đóng góp hiệu quả, tích cực của một bộ phận mới là Sinh viên Việt Nam sau khi về Tiền Phong”, anh Phong nói. Ảnh: Như Ý

Theo anh Lê Quốc Phong, việc sắp xếp các đơn vị báo chí là chủ trương của Đảng, việc này đã thống nhất từ lâu, cũng đã có lộ trình, bước đi, các điều kiện một cách chặt chẽ, kỹ lưỡng. Ban Bí thư T.Ư Đoàn đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của hai tờ báo, trong đó báo Sinh viên Việt Nam là đơn vị phải thực hiện sáp nhập và báo Tiền Phong là đơn vị thực hiện tiếp nhận một đơn vị báo chí về với mình.

“Việc sắp xếp này cũng đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức mới với báo Tiền Phong trong lộ trình phát triển. Chúng tôi tin rằng, những thách thức đó là khởi đầu để các đồng chí chú ý hơn, quan tâm hơn, từ đó có thể có sự chuẩn bị chủ động, kỹ lưỡng, tính toán hợp lý cho sự phát triển của đơn vị của mình”, anh Phong nói.

Theo Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn, báo Sinh viên Việt Nam là tờ báo có bề dày lịch sử, có quá trình phát triển, đã khẳng định được hình ảnh của mình và có độc giả riêng, có những tuyến nội dung, có sản phẩm riêng, có chỗ đứng trong lòng bạn đọc trong suốt thời gian vừa qua, đặc biệt là trong sinh viên Việt Nam - một đối tượng quan trọng trong công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Việt Nam.

“Sau khi tiếp nhận, báo Tiền Phong cùng với Sinh viên Việt Nam nghiên cứu để tìm kiếm và thúc đẩy thế mạnh của Sinh viên Việt Nam. Quan điểm của Ban Bí thư Trung ương Đoàn là việc sắp xếp các đơn vị báo chí cố gắng duy trì được thế mạnh của các đơn vị đã có để tiếp tục thúc đẩy, cộng hưởng, tạo sức mạnh mới cho đơn vị mới. Còn những điểm chưa hợp lý, chưa phù hợp, hoặc cần phải điều chỉnh thì tiếp tục thực hiện trong lộ trình sắp tới. Nhưng điểm mạnh phải phát huy được, đó mới là điểm cốt lõi, điểm tạo ra được thế mạnh mới để tiếp tục phát triển”, anh Phong nhấn mạnh đồng thời tin tưởng, với bề dày của Sinh viên Việt Nam sẽ góp thêm nhiều cho Tiền Phong sau khi sáp nhập.

“Tôi tin bản thân Ban Biên tập báo Tiền Phong cũng như báo Sinh viên Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc này. Trên nền chuẩn bị như vậy, sẽ nhanh chóng hòa nhập, chủ động tiếp cận, trên cơ sở không để gián đoạn công việc triển khai trong thời gian vừa qua”, anh Phong nói.

Anh Lê Quốc Phong cho biết, Ban Bí thư Trung ương Đoàn và các đơn vị Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ, giúp cho hoạt động của báo Tiền Phong sau khi sáp nhập báo Sinh Viên Việt Nam về sẽ có cơ chế, điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

“Chúng tôi chỉ có một mong muốn là sau quyết định lịch sử hôm nay, Tiền Phong tiếp tục phát triển trong đó có sự đóng góp hiệu quả, tích cực của một bộ phận mới là Sinh viên Việt Nam sau khi về Tiền Phong”, anh Phong nói.

TheoTienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.