Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang là dự án có quy mô lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên triển khai tại tỉnh. Đây là dự án giao thông nhóm A và được Thủ tướng Chính phủ phân cấp giao cho UBND tỉnh Hà Giang là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. HĐND tỉnh Hà Giang là đơn vị phê duyệt chủ trương đầu tư.
Theo phương án được phê duyệt, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang có tổng chiều dài hơn 27 km.
Điểm đầu dự án (Km0) nối tiếp đoạn qua địa phận tỉnh Tuyên Quang, tại cuối cầu Vĩnh Tuy, thuộc địa phận thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Điểm cuối dự án tại địa phận xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang
Dự án được giao Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Giang làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư gần 3.200 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến 2025. Giải phóng mặt bằng theo phạm vi xây dựng đường cao tốc hoàn chỉnh, tổng diện tích đất cần thu hồi trên 315 ha.
Dự án đã được phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, cắm mốc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới và dự toán chi phí bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu; phê duyệt nhiệm vụ và dự toán khảo sát lập báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Trước đó, UBND tỉnh Tuyên Quang cũng đã quyết định đầu tư Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, giai đoạn 1 (đoạn qua tỉnh Tuyên Quang) với tổng mức đầu tư dự án là 6.800 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là hơn 4.497 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là hơn 2.302 tỷ đồng.
Cụ thể, dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 77 km, quy mô 2 làn xe cơ giới, bắt đầu từ nút giao đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với Quốc lộ 2D thuộc địa phận xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang và điểm cuối tại Km 77 + 00 (điểm cuối phạm vi thiết kế cầu Vĩnh Tuy) khớp nối với dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) - đoạn qua tỉnh Hà Giang.
Khi dự án hoàn thành sẽ tạo hành lang phát triển kinh tế từ trung tâm Thủ đô Hà Nội theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đến Hà Giang đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao. Đồng thời, giải quyết điểm nghẽn về giao thông liên kết vùng, nội vùng giữa hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh và hướng tới hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc.