Sập hệ thống FVP TRADE, hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư đi về đâu?

GD&TĐ -  Sau cú sập FVP TRADE ngày 18/7/2022, hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư đang nằm trên hệ thống sẽ được rút về và chia cho nhóm “leader”...

Sập hệ thống FVP TRADE, hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư đi về đâu?

Dính bẫy lừa đảo, hàng nghìn tỷ đồng đi về đâu?

Theo như đã phản ánh trong bài viết: “Sập sàn forex FVP TRADE, hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư mất trắng”, từ ngày 18/12/2022, đại diện ban quản lý của sàn giao dịch này đã có thông báo gửi nhà đầu tư. Theo đó, công ty đã quyết định tạm thời xóa tất cả dữ liệu hệ thống, quyền truy cập và thông tin đồng thời phong tỏa tài khoản của khách hàng.

Thông báo này đối với nhiều nhà đầu tư chẳng khác nào sét đánh ngang tai, bởi trên hệ thống FVP TRADE vẫn còn đang nắm giữ số tiền lớn của nhà đầu tư. Theo anh Nguyễn Quang T. (Hà Nội) cho biết, số tiền mà hệ thống này huy động được có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Bản thân anh T. cũng đã mất hơn 2 tỷ đồng vì tin tưởng hệ thống FVP. Hiện, anh T. cùng nhóm nạn nhân đang tích cực tập hợp đơn thư, bằng chứng, tài liệu để tố cáo đến các đơn vị truyền thông và Bộ Công an.

“Sau khi hệ thống bị sập ngày 18/12, mới đây, chúng tôi nhận được thông báo từ công ty cho biết họ sẽ mất khoảng 2 tháng để giải trình vụ việc với các tổ chức chống rửa tiền quốc tế.

Tôi cho rằng đây là chiêu bài của họ nhằm câu kéo thời gian, hợp thức hóa dòng tiền trên hệ thống.

Đến thời điểm này chúng tôi nhận định 100% đây là tổ chức lừa đảo có hệ thống và quy mô lớn nhất tại Việt Nam.

Các bước tiếp theo chúng tôi sẽ tập hợp nhà đầu tư để đưa vụ việc này ra ánh sáng. Kính mong các cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra tổ chức lừa đảo hại nước, hại dân này”, anh T. nói.

Cú 'sập' FVP TRADE khiến hàng nghìn nhà đầu tư lao đao

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Thanh, Công ty FVP TRADE hoạt động tại Việt Nam là bất hợp pháp và chưa có đăng ký kinh doanh. Bản thân công ty này cũng giả mạo thương hiệu FVP TRADE đến từ Anh Quốc và không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán phái sinh, huy động vốn.

“Việc một doanh nghiệp nhận ủy thác đầu tư mà chưa đáp ứng các điều kiện hoặc không được tổ chức và hoạt động theo những mô hình nêu trên là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Nếu hoạt động này trở nên phổ biến thì có thể tạo ra rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư và cả hệ thống tài chính - tiền tệ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Tùy theo mức độ vi phạm, những người tham gia kinh doanh vàng tài khoản và ngoại hối sẽ bị xử lý, mức thấp nhất sẽ là xử phạt hành chính, cao hơn sẽ bị truy tố”, Luật sư Thanh giải thích.

Trước những hành vi lừa đảo của hệ thống FVP TRADE, nhà đầu tư cần khẩn trương tố giác tội phạm và làm đơn tố cáo gửi cơ quan điều tra Bộ Công an; phòng An ninh mạng các tỉnh/ thành phố; Phòng cảnh sát hình sự các tỉnh/ thành phố để bảo vệ quyền lợi mình cũng như đưa các đối tượng xấu ra ánh sáng:

*Thủ tục trình báo cơ quan điều tra khi bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản:

1. Thu thập chứng cứ chứng minh nạn nhân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Trước tiên, khi muốn trình báo công an khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người bị hại phải thu thập chứng cứ liên quan đến vụ việc, quá trình thu thập chứng cứ cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Cụ thể trong sự việc này là biên lai chuyển tiền, hình ảnh mở tài khoản, ghi âm, chụp hình trong đó có nội dung trao đổi với tư vấn viên, chuyên gia, phản hồi từ phía sàn…(nếu có), giấy phép hoạt động, địa chỉ sàn…

2.Tố cáo đến cơ quan Công an

Liên hệ trực tiếp, hoặc liên hệ qua điện thoại, đơn tố cáo hoặc liên hệ qua email của cơ quan công an có thẩm quyền tiếp nhận tin tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố vụ án hình sự. (tin tố giáo có thể là lời nói, hoặc bằng văn bản).

Trong đơn tố cáo, nạn nhân cần trình bày rõ nội dung sự việc và gửi kèm các bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo là có cơ sở (nội dung tin nhắn trên điện thoại, qua facebook, số điện thoại, địa chỉ facebook...).

Đối với vụ việc có số lượng nạn nhân lớn và phức tạp, bên cạnh đơn cá nhân nhà đầu tư nên làm một đơn tố cáo tập thể.

Mẫu đơn tố cáo: Xem tại đây

3.Địa chỉ tiếp nhận đơn tố cáo

Nạn nhân có thể tố cáo hành vi lừa đảo đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận, huyện, tỉnh/ thành phố nơi đối tượng lừa đảo cư trú, nếu không xác định được nơi cư trú của đối tượng lừa đảo đó, nạn nhân có thể làm đơn tố cáo gửi Công an quận, huyện, tỉnh/ thành phố nơi nạn nhân cư trú.

Đối với những sự vụ lừa đảo có tính chất chiếm đoạt tài sản bằng hình thức forex, tiền ảo…nhà đầu tư có thể gửi đơn tố cáo trực tiếp đến Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Số 47 Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội) và Cục cảnh sát điều tra – Bộ Công an hoặc gửi đến Phòng An ninh mạng tỉnh/ thành phố nơi cư trú.

Phân chia cấp bậc và hoa hồng trong hệ thống FVP TRADE

Những dấu hiệu lừa đảo của sàn FVP TRADE

Mặc dù sàn FVP TRADE quảng cáo là có giấy phép của FCA là cơ quan quản lý tài chính của Anh quốc, tuy nhiên khi tra cứu giấy phép trên trang web của FCA, không hề cho kết quả nào liên quan đến FVP TRADE.

Ngoài ra, FVP TRADE thông qua quỹ Pamm để nhận tiền ủy thác đem đi giao dịch forex trên chính tài khoản của nhà đầu tư, nhưng khi truy cập nhà đầu tư không hề nhìn thấy biến động tài khoản lên xuống khi quỹ này giao dịch. Chỉ đến khi hết phiên, nhà đầu tư mới được nhìn thấy kết quả lợi nhuận.

Sàn FVP TRADE cũng chỉ cho nhà đầu tư được rút tiền 1 tuần 1 lần vào thứ Hai hàng tuần. Trong trường hợp trang fvptrade.com dừng hoạt động, nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng tiền và không biết tìm ai để đòi quyền lợi.

Hiện nay FVP TRADE chưa hề được cấp phép đăng ký hoạt động tại Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho bất cứ sàn forex nào.

Đại diện Cục quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết, FVP TRADE đang có dấu hiệu của việc kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép.

Những tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận hợp pháp, có thể bị xử lý hình sự tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam (theo Điều 217a Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017).

Trong khi đó, Bộ Công an cũng đưa ra cảnh báo: Sau khi bị bắt, các đối tượng là Leader của sàn khai nhận đây chỉ là chiêu trò lừa đảo, bọn chúng thuê lập trình ra các website, thực hiện các kỹ thuật đồ hoạ điều khiển các chỉ số để nhà đầu tư tin rằng là tài khoản của mình đang ngày một lãi nhằm đánh lừa họ.

Lợi nhuận được trả cho nhà đầu tư khi tham gia tại sàn này có thể là lấy tiền của người này rồi chia cho người kia, lấy tiền của người tham gia sau chia lại cho người tham gia trước.

Còn thực chất các sàn forex này có thực hiện giao dịch trên thị trường ngoại hối hay không thì chưa được kiểm chứng. Khi mời gọi được số lượng nhà đầu tư đáng kể tham gia, các đối tượng sẽ đánh sập trang web và chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.

Những cá nhân có hành vi tham gia vào các hoạt động này nếu làm phát sinh thiệt hại cho các nhà đầu tư có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Hiện nay xuất hiện tình trạng các đối tượng lừa đảo trong lĩnh vực đầu tư tiền ảo, Forex, cờ bạc…đã bắt đầu len lỏi vào trong hệ thống trường học để lôi kéo giáo viên, sinh viên, học sinh tham gia.

Để hạn chế hậu quả của việc làm bất hợp pháp này, Báo Giáo dục và Thời đại bắt đầu triển khai chuyên đề: “Tuyên truyền nhằm làm rõ phương thức, thủ đoạn của các tổ chức lừa đảo chứng khoán, tiền ảo, cờ bạc trá hình” nhằm hạn chế các tác động xấu đến môi trường học đường và nền giáo dục nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ