Quyết định số 1974/QĐ-BVHTTDL của Bộ VH,TT&DL cho phép Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở VH,TT&DL tỉnh Thái Bình tổ chức hội thảo quốc tế “Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp”. Thời gian tổ chức diễn ra từ ngày 29/9 đến ngày 1/10 tại thành phố Thái Bình theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Kinh phí tổ chức hội thảo được trích từ kinh phí xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh nhân (1726 - 2026).
Lê Quý Đôn (sinh ngày 2/8/1726 – 11/6/1784) trong một gia đình nông dân tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay là thôn Đồng Phú thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Tên lúc nhỏ của ông là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, là vị quan thời Lê trung hưng, cũng là nhà thơ và được mệnh danh là nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến.
Ngay từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, chăm học. Năm 14 tuổi, Lê Quý Đôn theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long. Lúc ấy cậu bé 14 tuổi đã học xong toàn bộ sách kinh, sử của Nho gia. 18 tuổi, Lê Quý Đôn thi Hương đỗ Giải nguyên. 27 tuổi đỗ Hội nguyên, rồi đỗ Đình nguyên Bảng nhãn.
Sau khi đã đỗ đạt, Lê Quý Đôn được bổ làm quan và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều Lê - Trịnh, như: Hàn lâm thừa chỉ sung Toản tu quốc sử quán (năm 1754), Hàn lâm viện thị giảng (năm 1757), Đốc đồng xứ Kinh Bắc (năm 1764), Thị thư kiêm Tư nghiệp Quốc tử Giám (năm 1767), Tán lý quân vụ, Thị phó đô ngự sử (năm 1768), Công bộ hữu thị lang (năm 1769), Bồi tụng (Phó thủ tướng) (năm 1773), Lại bộ tả thị lang kiêm Tổng tài quốc sử quán (năm 1775), Hiệp trấn tham tán quân cơ Trấn phủ Thuận Hóa (năm 1776), Hiệp trấn Nghệ An (năm 1783), Công bộ thượng thư (năm 1784)...
Lê Quý Đôn mất ngày 1/5/1784 tại quê mẹ, làng Nguyên Xá, huyện Duy Tiên (nay thuộc Hà Nam). Thi hài ông được đưa về mai táng ở quê nhà. Trong cuộc đời làm quan của Lê Quý Đôn, có mấy sự kiện sau có ảnh hưởng lớn đối với sự nghiệp trước, văn chương của ông.
Học vấn sâu rộng của ông được các học giả Trung Quốc, Triều Tiên rất khâm phục. Lê Quý Đôn có dịp đọc nhiều sách mới lạ, kể cả sách của người phương Tây nói về địa lý thế giới, về ngôn ngữ học, thủy văn học...
Chính nhờ quá trình đi nhiều, thấy nhiều, nghe nhiều, biết nhiều việc đời như vậy mà kiến thức Lê Quý Đôn trở nên phong phú vô cùng. Có thể nói, toàn bộ những tri thức cao nhất ở thế kỷ thứ 18 đều được bao quát vào trong các tác phẩm của Lê Quý Đôn.
Tác phẩm của ông như cái mốc lớn đánh dấu thành tựu văn hóa của cả một thời đại với tất cả những ưu điểm cùng nhược điểm của nó. Tác phẩm của Lê Quý Đôn thống kê có tới 40 bộ, bao gồm hàng trăm quyển, nhưng một số bị thất lạc. Những tác phẩm tiêu biểu của Lê Quý Đôn còn giữ được có thể kể ra như sau: Quần thư khảo biện, Vân đài loại ngữ, Đại Việt thông sử, Kiến văn tiểu lục, Phủ biên tạp lục…