Ngày 3/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 5.
Tại cuộc họp, các đại biểu cho ý kiến điều chỉnh Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Về phương án sáp nhập 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu, do chưa thống nhất tên gọi sau khi sáp nhập nên chính quyền huyện Quỳnh Lưu đề nghị chưa sắp xếp ĐVHC 2 xã này trong giai đoạn 2023-2025.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất với đề xuất này và xem xét thực hiện sáp nhập giai đoạn 2026-2030.
Tượng Hồ Xuân Hương tại khu lưu niệm ở xã Quỳnh Đôi. |
Ông Hồ Sỹ Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi cho biết, quyết định của Tỉnh ủy đúng với mong muốn của xã.
Thời gian qua người dân 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu có nhiều ý kiến chưa thống nhất dẫn đến “lời qua tiếng lại”.
Việc tạm dừng sáp nhập là để 2 xã hóa giải những mâu thuẫn, giúp cho việc sắp xếp đơn vị hành chính ở giai đoạn sau được tốt hơn.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hậu - Trần Đức Hữu cũng cho rằng, tạm dừng sáp nhập là quãng thời gian để người dân nhìn nhận lại sự việc. Chính quyền sẽ tiếp tục tuyên truyền, lấy ý kiến người dân để tìm ra tên gọi mới phù hợp.
Tháng 4/2024, 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu được đề xuất đặt tên mới là xã Đôi Hậu hoặc Quỳnh An sau khi sáp nhập. Tên gọi này khiến dư luận và người dân địa phương băn khoăn.
Nhiều người tỏ ra tiếc nuối cho địa danh Quỳnh Đôi, một xã rất nổi tiếng về học hành và khoa bảng. Một số khác lại cho rằng, tên gọi Đôi Hậu hay Quỳnh An không mang nhiều ý nghĩa cũng như lịch sử của địa phương.
Theo thống kê, xã Quỳnh Đôi có 734 người đỗ Tú tài và Cử nhân, 4 người đỗ Phó bảng, 7 người đỗ Tiến sĩ, 2 người đỗ Hoàng Giáp và 1 người đỗ Thám hoa. Đây cũng chính là quê hương của Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương.
Quỳnh Đôi hiện có 8 Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia và 1 Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.
Còn xã Quỳnh Hậu bắt nguồn từ làng Kẻ Bèo. Năm 990, vua Lê Đại Hành sắc phong Cao Sơn - Cao Các là Thành hoàng làng. Sau nhiều lần tách, nhập, xã có tên Quỳnh Hậu như hiện nay.