Thời gian gần đây, chứng kiến nhiều sao Việt tấp nập ra nước ngoài biểu diễn ở đủ các lĩnh vực từ phim ảnh cho tới âm nhạc, hẳn nhiều người phấn khởi lắm! Nào là ca sỹ Noo Phước Thịnh, nhà sản xuất âm nhạc trẻ SlimV ... tham gia trình diễn tại chương trình Asia Song Festival (diễn ra ở Busan, Hàn Quốc) cùng các nghệ sĩ tên tuổi châu Á như EXO, TWICE …; Nào là diễn viên Isaac quảng bá phim Tấm Cám và đoạt giải Ngôi sao mới tại Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc); Nào là diễn viên Chi Pu tất bật với các hoạt động giao lưu văn hóa, trải nghiệm làm đẹp cùng các ngôi sao thuộc nhóm nhạc nổi tiếng T-ara của xứ sở Kim chi; Nào là diễn viên Ngô Thanh Vân sang Trung Quốc đóng phim hay như ca sỹ Trang Pháp được mời biểu diễn tại chương trình Music Festival (diễn ra ở Nhật Bản) …
Một vài ví dụ trên cho thấy, bên cạnh chuyện sao ngoại ồ ạt tấn công thị trường giải trí Việt thì đâu đó đã xuất hiện xu hướng ngược lại. Hiểu nôm na có nghĩa là anh sang nhà tôi ca hát, tôi cũng sang nhà anh biểu diễn. Có đi có lại mới toại lòng nhau. Điều này chính cô diễn viên Chi Pu từng tâm sự với báo chí nhân một lần cô sang Hàn biểu diễn: “Chuyến đi này tôi được đối tác mời theo hình thức quảng bá văn hóa, trải nghiệm làm đẹp xứ Hàn”.
Đây cũng chẳng phải là trường hợp hi hữu nếu nhìn thẳng vào thực tế sao Việt “đem chuông đi đấm xứ người” thì chúng ta thấy, hoạt động của họ tại nước ngoài vẫn chỉ mang tính chất giao lưu, quảng bá hình ảnh là chính. Một phần vì tính cạnh tranh khốc liệt cũng như sự chuyên nghiệp của thị trường đó, một phần do ít có ngôi sao nào mạnh dạn nghĩ đến việc sang các nước bạn phát triển sự nghiệp.
Vậy thì chúng ta kỳ vọng gì vào một cuộc tấn công không có mũi giáo ấy? Và hỡi những người giỏi tô vẽ, từng mơ mộng nghĩ đây là một hướng đi đầy triển vọng của những ngôi sao 9X, chúng ta được gì sau những cuộc giao lưu, biểu diễn đó? Đừng tưởng bây giờ sao Việt mới biết xuất ngoại? Trước đây Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà … cũng từng “khăn gói quả mướp” ra nước ngoài biểu diễn với những lời tung hô, hi vọng nhưng dấu ấn mà họ tạo được ở nước ngoài đã không trụ được với thời gian.
Trong khi đó chúng ta hãy điểm lại những cái tên ầm ĩ thời gian qua. Nào là Noo Phước Thịnh, Isaac, Nhã Phương … Họ có phải những cái tên vượt trội so với phần còn lại của nền giải trí Việt? Hay họ chỉ đang trong quá trình khẳng định chỗ đứng của mình trong lòng khán giả? Đến đây người viết phải chỉ ra một nghịch lý dễ nhận thấy.
Đó là những ngôi sao ngoại khi tới Việt Nam biểu diễn, phần nhiều họ là những ngôi sao hàng đầu ở nước họ và đã có những tiếng tăm trong khu vực. Vậy với những nghệ sỹ vẫn đang loay hoay khẳng định mình ở trong nước, việc ra nước ngoài biểu diễn liệu có tạo được tầm ảnh hưởng? Điều này một lần nữa, xin hãy để thời gian trả lời.
Dù rằng chúng ta phải thừa nhận việc hiện nay, nhiều ngôi sao khi ra nước ngoài biểu diễn đều mang theo cả một ê kip rất hùng hậu từ: truyền thông, trang phục, trang điểm …. Và chính những điều này đã tạo ra những hiệu ứng tích cực. Nhiều ngôi sao có thêm lượng fan hâm mộ nhất định, nền giải trí Việt cũng được thơm lây vì ngày càng tỏ ra chuyên nghiệp. Thế nhưng dấu ấn Việt tại những thị trường giải trí như Hàn Quốc, Nhật Bản có lẽ vẫn chỉ dừng ở mức hi vọng mà thôi?
Nói vậy người viết hoàn toàn không có ý chê trách những hành động vốn rất cần được khuyến khích và ủng hộ đó. Nhưng với cách làm tự phát, mạnh ai nấy làm như vậy thì việc “đánh chiếm” thị trường giải trí nước ngoài vẫn còn quá viển vông. Hãy nhìn vào làn sóng Hallyu (làn sóng Hàn Quốc) hay làn sóng văn hóa Trung Quốc khi vào Việt Nam, họ có cả một chiến lược dài hơi, một kế hoạch cụ thể, một nguồn hậu thuẫn mạnh mẽ phía sau …
Với những nền tảng như vậy mà khi muốn mời một sao Hàn, sao Trung Quốc nào đó sang Việt Nam biểu diễn, nhiều đơn vị tổ chức cũng phải chấp nhận “5 ăn 5 thua” nữa là? Vì thế việc sao Việt xuất ngoại biểu diễn, chúng ta có thể hi vọng nhưng đừng kì vọng. Bởi thành công không giống như những lời tung hô.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của người viết