Các phát minh đâu chỉ xuất hiện từ những công trình khoa học phức tạp. Chúng có thể bất ngờ xuất hiện từ trí tưởng tượng phong phú của con người, như cậu bé George trong tác phẩm “Thần dược của George”.
Bắt đầu từ thứ giản đơn
Bắt đầu câu chuyện, độc giả sẽ được tác giả Roald Dahl giới thiệu tới ngôi nhà của cậu bé George. Đó là ngôi nhà của người nông dân, tọa lạc tại nơi cực kì hẻo lánh. Khoảng sân trước ngôi nhà của George được lấp đầy bởi những đàn gia súc: Từ gà, bò, dê, lợn cho tới trâu, ngựa,…
Không chỉ dừng lại tại đó, George không những không có anh chị em hay bạn bè xung quanh để chơi cùng, mà lại phải sống chung với người bà ngoại. Thay vì nhân hậu, tốt bụng, luôn có lòng yêu thương như bao bà ngoại khác, bà ngoại của cậu lại ích kỉ, và luôn càu nhàu. Chắc hẳn, George ấy sẽ thiếu đi sự sáng tạo khi phải sống trong ngôi nhà của cậu - một môi trường chán ngắt, tẻ nhạt.
Nhưng không, cậu bé ấy vẫn biết cách để tự tạo ra những việc làm đầy thú vị, sáng tạo. Đó là khi cậu sáng tạo nên những phương thuốc kì diệu từ các vật dụng có sẵn trong nhà.
Bắt nguồn từ thứ thuốc mà bà ngoại đang sử dụng - tuy “Bà uống một muỗng to đầy thuốc bốn lần mỗi ngày”, nhưng lại “chẳng thấy kết quả tốt đẹp gì, bà vẫn cứ khó chịu như trước”, cậu bé George đã quyết định tạo nên một phương thuốc “rất mạnh, rất dữ dội, rất kì diệu”, để từ đó có thể giúp bà ngoại của mình trở nên dễ chịu hơn.
Đó có thể là những vật dụng ở trong phòng tắm, phòng ngủ và phòng giặt đồ, mà theo quan điểm của cậu bé George, sẽ giúp cải thiện ngoại hình xấu xí, nhăn nheo của bà ngoại.
Từ chai “DẦU GỘI ĐẦU” – giúp “rửa sạch bao tử của bà”, ống “KEM ĐÁNH RĂNG” – hữu hiệu trong việc “làm hàm răng xám xịt của bà trắng ra”, cho tới chai “KHỬ MÙI HÔI CƠ THỂ CẢ NGÀY” – giúp cơ thể của bà đỡ hôi hám hơn, hay hộp “XÀ BÔNG BỘT SIÊU TRẮNG DÙNG CHO MÁY GIẶT TỰ ĐỘNG” – với hi vọng giúp cơ thể trở nên sạch sẽ hơn.
Hay đó cũng có thể là hi vọng cải thiện hệ thống xương khớp cho bà với những vật dụng trong nhà kho: Một xị nhớt – giúp “máy móc trong cơ thể bà hoạt động trơn tru hơn”; một ít chất chống đôn – “giúp bộ tản nhiệt của bà không bị đông cứng trong mùa Đông”; hay một ít vốc mỡ bò – “bôi trơn những khớp xương kêu cót két của bà”.
Đó còn là kệ thuốc dành cho gia súc để chữa các bệnh của bà ngoại: Chai thuốc với nhãn “DÙNG CHO NGỰA BỊ ĐAU HỌNG, NGÀY UỐNG HAI LẦN, MỖI LẦN MỘT VIÊN” dành cho cái lưỡi sắc nhọn của bà ngoại.
Để rồi từ những vật dụng bình thường trong nhà ấy, George đã tạo nên những phương thuốc thật kì lạ: Từ chai thuốc giúp tăng kích thước của vật tới 4 – 5 lần, cho tới chai thuốc tăng độ dài của chân và độ dài của cổ, và cuối cùng là chai thuốc có khả năng thu nhỏ vật lại.
Ích kỉ, bẳn tính
Minh họa sinh động trong tác phẩm 'Thần dược của George'. Ảnh: Tấn Quyết. |
Bên cạnh theo chân George trên hành trình chế tạo nên những phương thuốc kì lạ, tác giả Roald Dahl dường như phê phán tới những con người để bản tính “xấu” trong mình hoành hành – đó là sự ích kỉ, bẳn tính và chỉ biết nghĩ cho bản thân.
Chắc chắn rằng, những con người ấy sẽ luôn luôn bị mọi người chê bai, khinh bỉ, và không được tin tưởng, cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Trong câu chuyện, nhân vật người bà ngoại của cậu bé George chính là một con người như vậy. Người bà ấy chỉ cậy độ lớn tuổi tác của mình để suốt ngày chỉ biết ngồi trên chiếc ghế bành, chân gác lên trên một chiếc ghế khác, than thở về mọi thứ bệnh trên đời.
Không những thế, bà luôn sai khiến mọi người xung quanh phải phục tùng và làm theo những gì mình muốn. Tuy chỉ mất vài bước chân là có thể bước từ phòng khách tới nhà bếp để lấy thuốc, nhưng người bà ấy vẫn sai bảo George lấy hộ. Thậm chí, cả tắm rửa – việc vệ sinh tối quan trọng, bà cũng sẵn sàng bỏ qua, chấp nhận “ở dơ” mà ngồi trên chiếc ghế bành.
Để rồi, người bà ngoại ấy đã bị những liều thuốc thần dược của George đánh gục: Với định kiến cho rằng chất lỏng màu nâu là trà, người bà ấy cuối cùng đã uống nhầm phải liều thuốc thần dược số Bốn của George – thứ khiến bà bị co nhỏ và biến mất vĩnh viễn.
Với tác phẩm “Thần dược của George”, tác giả Roald Dahl góp phần thúc đẩy trí tưởng tượng cùng sự sáng tạo vô biên của mỗi người. Không chỉ thế, từ người bà ngoại của George, độc giả cũng có thể tự rút ra những thông điệp rất đắt giá và không bao giờ “cũ” về biết cách cân bằng giữa ý muốn cá nhân và mong muốn của người khác, để từ đó có thể chung sống hòa thuận.
Tác phẩm “Thần dược của George” của tác giả Roald Dahl được đem tới độc giả bởi Nhà xuất bản Kim Đồng, qua lời dịch truyền cảm và hài hước của Nguyễn Thị Bích Nga. Cuốn sách gồm 15 chương, đưa độc giả theo chân cậu bé George sáng tạo nên những phương thuốc “độc lạ”, trải dài từ sự “kì diệu” cho tới sự “kì quặc”.