Sáng tạo trong công tác giảng dạy ở trường học trên địa bàn vùng khó

GD&TĐ - Sự sáng tạo của các giáo đã giúp cho trường Mầm non Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ luôn duy trì được tỷ lệ chuyên cần ở mức 98-99% trở lên.

Đồ dùng dạy học tự chế từ nguyên liệu địa phương

Là đơn vị ở vùng biên giới, đặc biệt khó khăn, với 7 điểm trường bản, vừa thiếu cơ sở vật chất vừa thiếu giáo viên, thế nhưng những năm qua, trường Mầm non Vàng Ma Chải luôn duy trì được tỷ lệ chuyên cần ở mức 98-99% trở lên. Đồ dùng học tập, giảng dạy của cô trò nơi đây phong phú, đa dạng. Từ vỏ ngao, chai nhựa, viên sỏi được các cô giáo chế tạo thành những đồ dùng hữu ích đáp ứng tốt cho công tác dạy và học. Có trên 85% đồ dùng dạy học là tự chế.

Do địa bàn vùng cao, trẻ chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nói tiếng phổ thông còn hạn chế nên các cô giáo đã chủ động học tiếng địa phương để dễ dàng giao tiếp với học sinh và phụ huynh.

Cô giáo trường Mầm non Vàng Ma Chải luyện hát cùng trẻ.

Cô giáo trường Mầm non Vàng Ma Chải luyện hát cùng trẻ.

Cô giáo Má Thị Nhung – Giáo viên trường Mầm non Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ chia sẻ: Tôi là 1 giáo viên vùng cao biên giới, đã công tác ở trên này được 3 năm. Trong quá trình công tác tôi thấy trẻ ở trên này chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nói tiếng phổ thông còn rất nhiều hạn chế, nên tôi cố gắng học tiếng địa phương để có thể dễ dàng giao tiếp và dạy các cháu.

Cô Nhung đã chủ động phối kết hợp với các phụ huynh dạy học thêm ở nhà cho trẻ. Đồng thời, cô sử dụng nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương làm đồ dùng giảng dạy để trẻ dễ tiếp thu, đồng thời tạo cảm giác thân thiện, an toàn cho học sinh.

Theo Cô giáo Đinh Thị Thu Hương – Hiệu trưởng trường Mầm non Vàng Ma Chải, để nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, nhà trường đã tập trung làm tốt công tác tham mưu với cấp uỷ chính quyền địa phương, trong việc duy trì và nâng cao tỷ lệ học sinh chuyên cần. Chỉ đạo giáo viên cắm bản, bám trường bám lớp. Đề xuất với cấp trên bổ sung kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa lớp học, bổ sung thêm giáo viên đảm bảo chất lượng công tác dạy và học.

Tạo niềm tin với các bậc phụ huynh

Song song với việc cùng cấp uỷ, chính quyền vận động học sinh ra lớp; đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy, các trường học trên địa bàn huyện Phong Thổ chú trọng công tác nuôi dạy bán trú, trong đó, tập trung thực hiện các mô hình trồng rau, nuôi gà, lợn, góp phần cải thiện bữa ăn, đảm bảo sức khoẻ cho học sinh học tập. Tạo niềm tin với các bậc phụ huynh yên tâm khi đưa con đến trường.

Thầy giáo Phạm Xuân Trường – Hiệu trưởng trường THCS Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ cho biết, trong công tác hướng nghiệp tổ chức cho học sinh trồng rau, trong năm học này, nhà trường trồng thêm nấm để tăng thêm bữa ăn cho các em học sinh. Thầy Trường hy vọng, với mô hình trồng rau sạch, trồng nấm tại chỗ cho học sinh, chất lượng bữa ăn được nâng lên và chất lượng giáo dục được nâng cao.

Còn theo ông Khổng Văn Thiện – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ, năm học 2022-2023, ngày giáo dục đại phương đã xác định việc nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn rất quan trọng. Đối với giáo dục đại trà, tăng cường tuyên truyền, truyền thông giáo dục, nhất là thực hiện Nghị quyết số 29 của BCH Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục; phòng giao chỉ tiêu, số lượng, chất lượng cho các trường. Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên toàn ngành. Đào tạo nâng chuẩn đối với giáo viên.

“Đối với giáo dục mũi nhọn, những năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh đạt cao, vì vậy, chúng tôi tập trung rà soát, phân luồng học sinh để có cách bồi dưỡng, nhằm đạt kết quả cao nhất’, ông Khổng Văn Thiện cho biết.

Năm học 2022-2023, toàn huyện Phong Thổ có trên 25 nghìn học sinh ở các cấp bậc học.
Năm học 2022-2023, toàn huyện Phong Thổ có trên 25 nghìn học sinh ở các cấp bậc học.

Năm học 2022-2023, toàn huyện Phong Thổ có 52 trường với hơn 900 lớp, nhóm lớp, trên 25 nghìn học sinh ở các cấp bậc học. Để tiếp tục phát huy kết quả, nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó, ngành giáo dục đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Từ sự phối hợp của cấp uỷ, chính quyền địa phương, giúp đỡ của các tổ chức Hội, câu lạc bộ thiện nguyện, chương trình “Nâng bước em đến trường” của Biên phòng, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, và sự nỗ lực của các thầy cô giáo, các đơn vị trường, giáo dục của huyện biên giới Phong Thổ ngày càng khởi sắc. Chỉ tính riêng trong năm học 2021-2022, toàn ngành giáo dục có 910 lớp, nhóm lớp ở 52 trường học với gần 24.600 học sinh, trên 1.600 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ học sinh mầm non, tiểu học ra lớp đạt trên 99,9%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng bậc Mầm non giảm còn khoảng 10%. Trên 98% học sinh bậc Tiểu học hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục. 100% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, 99,88% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.