Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc nâng cao chất lượng công tác GDTC và thể thao trường học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã phát động phong trào tập luyện thể dục thể thao (TDTT) trong toàn ngành GD. Bộ trưởng yêu cầu duy trì đều đặn tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ trong các nhà trường, khuyến khích tổ chức một số môn thể thao vừa rèn luyện sức khỏe, vừa phát triển tài năng.
Thực tế thời gian qua cho thấy, môn GDTC và thể thao trong trường học được các trường quan tâm, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Vì vậy, cần phải có các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả môn học này trong nhà trường.
Theo thống kê, hiện nay cả nước có gần 80.000 giáo viên TDTT, trong đó có khoảng 74% giáo viên chuyên trách và 26% giáo viên bán chuyên trách. Đặc biệt ở cấp tiểu học chỉ có 20% số trường có giáo viên chuyên trách.
Ở cấp tiểu học chỉ có 17% số trường có nhà tập TDTT, 15% số trường có sân tập TDTT. Cấp THCS có 12% số trường có nhà tập TDTT, 15% số trường có sân tập TDTT; cấp THPT có 30% số trường có nhà tập TDTT, 15% số trường có sân tập TDTT.
Chương trình môn học GDTC của các cấp học cấu trúc chưa cân đối, nhiều nội dung còn mang nặng tính kỹ thuật. Hầu hết các trường dạy chương trình cũ ban hành từ năm 2000, ít có các hướng dẫn, các kĩ năng thực hành, không có các hoạt động thể thao ngoại khóa. Một số trường còn xem nhẹ việc thực hiện chương trình môn học GDTC, triển khai chương trình GDTC hình thức, kém hiệu quả.
Hoạt động thể thao trường học hướng dẫn nội dung còn nghèo nàn, hình thức hoạt động đơn điệu, chưa thu hút được đông đảo lực lượng HS tham gia tập luyện TDTT. Nguồn lực đầu tư cho công tác GDTC và thể thao trường học chưa đáp ứng yêu cầu.
Do vậy, đổi mới GDTC, thể thao trong trường học là yêu cầu cần thiết trong tổng thể đổi mới chương trình GDPT và phải được làm quyết liệt, sáng tạo để thay đổi cả nhận thức và hành động về hoạt động GDTC và thể thao trường học. Trong đó, cách dạy, cách học môn thể dục phải thay đổi để không còn là giờ học nhàm chán, GDTC không còn là môn phụ trong suy nghĩ của cả người dạy và người học.
Trong thời gian qua, nhiều cơ sở GD đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả để đổi mới GDTC, khiến học sinh hứng thú tham gia TDTT. Đơn cử như các trường học ở Bắc Giang. Việc tập thể dục giữa giờ được thực hiện tại 100% trường tiểu học và THCS với các hình thức phong phú như tập với trống, với nhạc, đan xen các bài dân vũ và võ cổ truyền. Những đổi mới trong hoạt động thể dục giữa giờ như vậy được GV và HS đón nhận một cách tích cực và hào hứng.
Việc đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng GDTC, đẩy mạnh hoạt động thể thao trường học sẽ góp phần nâng cao sức khỏe, tầm vóc cho thế hệ trẻ, để các em tự tin, vươn lên trong học tập, công tác và trong cuộc sống, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp, văn minh.