Đổi thay tích cực về giáo dục ở xã nông thôn mới nâng cao An Thịnh

GD&TĐ - Trên đà xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, tạo đà cho những chuyển biến tích cực về giáo dục.  

Đổi thay tích cực về giáo dục ở xã nông thôn mới nâng cao An Thịnh.
Đổi thay tích cực về giáo dục ở xã nông thôn mới nâng cao An Thịnh.

Quyết tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao

Xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, sau 5 năm triển khai thực hiện việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới và xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã An Thịnh đã nỗ lực không ngừng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới và hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, đổi thay diện mạo mới cho giáo dục là điều nhận thấy rõ nét nhất ở đây.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND xã An Thịnh cho biết: Là xã vùng thấp cách trung tâm huyện Văn Yên 4 km, có tổng diện tích tự nhiên là 2.660,87 ha xã có 11 thôn với số hộ là 2.680 hộ. Số nhân khẩu là 9.815 khẩu gồm 10 dân tộc cùng chung sống trên địa bàn xã là Kinh, Tày, Dao, Nùng, Cao Lan, Mường, Thái, Hoa, Na Ha, H’Mông. An Thịnh có đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo chiếm 64%.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã An Thịnh đã đoàn kết, cố gắng vượt qua khó khăn thách thức, phát huy những lợi thế của địa phương. Hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội được xây dựng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân; Kinh tế nông nghiệp có hướng chuyển biến mạnh mẽ chuyển dịch sang phi nông nghiệp.

Chợ An Thịnh nơi cung cấp những sản vật của người dân địa phương.

Chợ An Thịnh nơi cung cấp những sản vật của người dân địa phương.

"Đời sống nhân dân ngày một nâng lên thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 50,22 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo (theo chuẩn mới giai đoạn 2021 - 2025) giảm còn 7,69%; Năm 2017 xã An Thịnh được UBND tỉnh Yên Bái công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền xã xác định “Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc”. Những đổi thay này là tiền đề quan trọng góp phần đổi thay giáo dục" - Chủ tịch xã Nguyễn Chiến Thắng

Góp phần đổi thay giáo dục

Xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã An Thịnh đã đạt được các tiêu chí về Trường học. Theo đó, yêu cầu của tiêu chí có tỷ lệ trường học các cấp (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở) đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất theo quy định. Các xã có từ 3 trường trở xuống: 100% đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, trong đó ≥ 50% đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1.

Kết quả, xã An Thịnh có 3/3 đơn vị trường học, Trường mầm non An Thịnh đã đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn và Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 năm 2022. Trường tiểu học công nhận lại đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và Trường THCS đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 năm 2022. Hiện 100% các đơn vị trường học trên địa bàn xã đảm bảo cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, mức độ 2.

Xây dựng nông thôn mới nâng cao góp phần tích cực đổi thay diện mạo giáo dục.

Xây dựng nông thôn mới nâng cao góp phần tích cực đổi thay diện mạo giáo dục.

Nói về quá trình xây dựng trường Chuẩn quốc gia mức độ 2, cô giáo Phạm Thị Thanh, hiệu trưởng Trường mầm non An Thịnh cho biết: Sau khi tự đánh giá và đánh giá ngoài, nhà trường niêm yết công khai các danh mục, tiêu chí đã đạt, chưa đạt và kế hoạch cải tiến chất lượng để tổ chức thực hiện, đồng thời định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh và triển khai khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch cải tiến chất lượng. Kết quả, cuối năm 2022 trường được công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục Cấp độ 3 và trường mầm non đạt chuẩn quốc gia Mức độ II.

Đảm bảo chất lượng chăm sóc, nuôi dạy và giáo dục trẻ theo yêu cầu, trường đã bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Sắp xếp bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp, tham gia tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Phân công giáo viên giảng dạy bảo đảm đúng, đủ kiến thức kỹ năng cho học sinh; xây dựng lực lượng giáo viên dạy giỏi đủ về số lượng và đóng vai trò nòng cốt trong việc duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Chúng tôi tiến hành thực hiện khảo sát, các điều kiện tiếp cận với các chuẩn quy định về kiểm định chất lượng giáo dục, về trường đạt chuẩn quốc gia theo các Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT. Tham mưu với các cấp lãnh đạo về kế hoạch thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 năm 2022 và giai đoạn tiếp theo năm 2022-2027.

Theo đó, tham mưu đẩy nhanh tiến độ xây dựng đầy đủ phòng học phòng chức năng, đầu tư các trang thiết bị dạy học đúng chuẩn quy định. Đảm bảo thực nhiện đúng tiến độ. Tạo cảnh quan môi trường, sắp xếp hệ thống trang thiết bị đảm bảo theO tiêu chí trường học hạnh phúc và trường học lấy trẻ làm trung tâm. - Cô giáo Phạm Thị Thanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.