Sáng nay Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ

GD&TĐ - Sáng nay (4/6), Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ liên quan 4 nhóm vấn đề.

Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn
Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn

Từ ngày 4-6/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Kiểm toán; Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nhóm vấn đề đầu tiên được chất vấn thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường. Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực Công Thương. Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực Kiểm toán. Người trả lời chất vấn là Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn. Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Theo chương trình, từ 9h50 phút đến 11h20 ngày 6/6, lãnh đạo Chính phủ sẽ phát biểu làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội).

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội).

Lần đầu tiên Kiểm toán Nhà nước - một trong 4 nhóm lĩnh vực được lựa chọn để chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nhấn mạnh, điều này thể hiện sự đổi mới trong việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan kiểm soát quá trình các đơn vị thực thi pháp luật.

Nội dung này cũng cho thấy tư duy không ngừng đổi mới trong hoạt động của Quốc hội theo hướng ngày càng dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, thực sự vì Nhân dân.

Đại biểu Hoàng Văn Cường kỳ vọng, Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ đưa ra những vấn đề để tăng cường chất lượng công tác kiểm toán, đặc biệt không chỉ với kiểm toán của Nhà nước, mà còn phát huy vai trò của các kiểm toán độc lập.

Thậm chí, Kiểm toán Nhà nước có thể trưng dụng lực lượng kiểm toán độc lập để thực hiện các nhiệm vụ kiểm toán cho các khu vực công. Như vậy, sẽ giải quyết được yêu cầu tất cả hoạt động về sử dụng tài sản công đều phải thực hiện kiểm toán hàng năm.

Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu).

Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu).

Trước thềm phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) mong muốn, các bộ trưởng, trưởng ngành được lựa chọn chất vấn không trả lời chung chung, mà nêu giải pháp cụ thể, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề được chất vấn.

Bởi khi đại biểu Quốc hội chất vấn cũng là ghi nhận ý kiến của cử tri và Nhân dân để chuyển tải tới các bộ trưởng, trưởng ngành và người đứng đầu Chính phủ.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Bùi Xuân Thống (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) nhận định, các nội dung được lựa chọn đưa ra chất vấn lần này sát với thực tế cuộc sống, cũng là mong mỏi của cử tri.

Đại biểu Bùi Xuân Thống lấy ví dụ vấn đề môi trường; công tác quản lý thị trường, những vấn đề về phát triển văn hóa… được cử tri quan tâm. Đại biểu mong muốn, không chỉ 4 bộ trưởng, trưởng ngành mà các tư lệnh ngành liên quan sẽ có thêm góc nhìn từ phản ánh của đại biểu Quốc hội, có thêm các giải pháp quản lý tốt hơn trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ