(GD&TĐ) - Câu chuyện sàng lọc giáo viên (GV) đã được Bộ GD&ĐT đề cập từ năm học 2005-2006 để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiến tới nâng chất lượng toàn diện cho ngành giáo dục. Hai năm gần đây, tại Đồng bằng sông Cửu Long, qui mô lớp học giảm khiến cho lượng giáo viên dôi dư, bình quân mỗi tỉnh khoảng 1.000 người. Đây là cơ hội để ngành giáo dục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nâng cao chất lượng giáo dục bắt đầu từ sàng lọc giáo viên
Hiện nay, số GV ở Bạc Liêu bị dôi dư là 1.310 người. Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Vĩnh Long, số GV dôi dư tỉnh này trên 800 người.
Đội ngũ GV của các tỉnh ĐBSCL, tỉ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn khá cao, thế nhưng thực tế cho thấy giai đoạn thập niên 1980 và 1990 đào tạo còn chấp vá. Đây chính là lổ hỗng về chất lượng GV. Thời gian qua các tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục khá tốt nhờ vào các chương trình mục tiêu quốc gia. Thời điểm hiện nay số lượng học sinh đang đà giảm do hiệu quả của chương trình dân số quốc gia, vấn đề mở rộng qui mô không còn, vì thế đây chính là dịp tốt nhất cho việc sàng lọc GV nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho giáo dục khu vực.
Mở đầu là tỉnh Đồng Tháp và Bạc Liêu.
Tỉnh Đồng Tháp vừa quyết định phê duyệt đề án nâng cao chất lượng giáo dục từ năm 2013-2015 với kinh phí dự kiến 2.800 tỉ đồng, trong đó kinh phí bồi dưỡng, đào tạo GV hơn 35 tỉ đồng.
Đề án nêu rõ những hạn chế, yếu kém của ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp: Chất lượng chăm sóc nuôi dạy trẻ mầm non; kết quả học tập của học sinh; và tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của tỉnh còn thấp so với nhiều tỉnh trong khu vực. Riêng tỉ lệ tốt nghiệp THPT bình quân 5 năm qua tỉnh xếp thứ 9/13 tỉnh, thành trong khu vực và thứ 50/63 tỉnh, thành cả nước. Sự phát triển trường học hai buổi/ngày; trường đạt chuẩn quốc gia, trường chuyên... vẫn còn tụt hậu so với các tỉnh trong khu vực.
Bà Lê Thị Ái Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng thẳng thắn đánh giá chất lượng giáo dục ở hai bậc học nền tảng là tiểu học và THCS của tỉnh vẫn thấp so với mặt bằng chung của khu vực ĐBSCL. Và bà chỉ ra nguyên nhân: Hầu hết GV trong biên chế đều đạt chuẩn và trên chuẩn, nhưng thực tế không ít GV có chất lượng giảng dạy kém, nhất là bậc tiểu học và THCS. Có hiện tượng vừa thừa vừa thiếu giáo viên. Thừa GV ở các trường tiểu học, THCS, nhất là địa bàn nông thôn. Thiếu nhân viên thư viện, thí nghiệm, y tế học đường...
Bạc Liêu cũng có đề án “Tiếp tục sắp xếp đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (giai đoạn 2012-2015)” vừa được ban hành, sẽ sàng lọc trên 500 GV, cán bộ quản lý.
Lộ trình
Tỉnh Đồng Tháp sẽ rà soát đội ngũ nhà giáo và có chính sách để giải quyết đầu ra cho đội ngũ GV không đạt yêu cầu về chuyên môn, không có khả năng nâng cao trình độ để đổi mới. Mục tiêu cụ thể là năm 2015 phải có 99% đạt chuẩn, trong đó có tỉ lệ trên chuẩn tiểu học là 60%, THCS 50%, THPT 20%. Ngoài ra, 50% giáo viên tiểu học và 100% giáo viên trung học có trình độ A tin học trở lên.
Để cụ thể đề án này, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, có kế hoạch thẩm định năng lực của từng GV. GV yếu kém sẽ được đào tạo lại hoặc bồi dưỡng ngắn hạn. Nếu không đạt yêu cầu sẽ buộc thôi việc. Bắt đầu sàng lọc ở khối THPT, sau đó lần lượt tới THCS, tiểu học và mầm non.
Vấn đề năng lực của GV đang được xem là thách thức lớn nhất hiện nay trong mục tiêu hướng tới việc dạy học có chất lượng bậc tiểu học.
Ngay cả những địa phương ở vùng khó khăn, tỷ lệ GV tiểu học đạt chuẩn hoặc trên chuẩn về bằng cấp ngày càng cao (gần 100%). Tuy nhiên, chuẩn đó được xuất phát từ mức độ học vấn rất thấp, rồi đào tạo từ xa nâng dần lên mà có.
Sở GD-ĐT Bạc Liêu đang phối hợp với các sở, ngành liên quan để làm đề án sắp xếp lại đội ngũ GV. Dự kiến, những người “nằm” trong diện bị sàng lọc là những GV chưa đạt chuẩn trình độ và những GV không có năng khiếu sư phạm. Đối với GV chưa đạt chuẩn trình độ mà tuổi đời còn trẻ thì sẽ sắp xếp công việc cho tương xứng với trình độ đào tạo, sau đó sẽ có kế hoạch đào tạo tiếp tục đến khi đạt yêu cầu. Còn những GV đạt chuẩn trình độ nhưng không có năng khiếu giảng dạy thì sẽ được chuyển làm công việc phù hợp khác trong nhà trường như: văn phòng, thư viện... Sau đó, sẽ có bồi dưỡng nghiệp vụ để họ làm tốt công tác này. Với những GV lớn tuổi, năng lực không đáp ứng yêu cầu hoặc chưa đạt chuẩn trình độ mà vì một lý do nào đó không thể tiếp tục học để nâng cao thì sẽ “vận động” nghỉ theo chính sách gắn với thời gian cống hiến cho ngành.
Thực hiện không dễ
Dư luận trong đội ngũ GV ở Đồng Tháp và Bạc Liêu đang lo lắng làm sao có cách đánh giá công bằng đối với GV: bằng cấp chuẩn hóa, trên chuẩn hay kỹ năng mềm, hay chất lượng học sinh? Có người tuy bằng cấp không chuẩn nhưng chất lượng giảng dạy tốt. Với họ, chuyện phải rời bục giảng sau bao nhiêu năm công tác là điều vô cùng khó khăn về mặt tư tưởng. Vậy nên phải làm tốt công tác tuyên truyền và có những chính sách hỗ trợ thỏa đáng, minh bạch. Đây là vấn đề nhạy cảm, khi đặt vấn đề giải pháp cụ thể, nhiều lãnh đạo sở GD&ĐT các tỉnh chưa dám thổ lộ. Thực tế, nếu kiểm tra các trường hầu như không có GV yếu kém, bây giờ đánh giá lại, đưa vào “danh sách đen” là chuyện không dễ. Không khéo sẽ sinh ra hiện tượng kiện cáo tập trung. Cũng có tâm lý e ngại trường hợp lợi dụng sàng lọc GV để “tạo lợi ích nhóm”.
Nhà giáo ưu tú Trần Vĩnh Thuận, nguyên hiệu trưởng trường THPT Chuyên Bạc Liêu, chia sẻ: “Lâu nay, chúng ta vẫn ngộ nhận giữa hai khái niệm: thành tích và chất lượng. Thành tích chỉ là cái đạt được có giá trị nhất thời, còn chất lượng là cái có được từ nhiều thành tích cộng lại trong một quá trình lâu dài. Những GV trẻ hiện nay có thể có thành tích cao (bằng cấp khá, giỏi), nhưng chưa chắc chất lượng cao. Để tuyển chọn đội ngũ mới thay thế thì chúng ta phải nhìn vào chất lượng, chứ không nên nhìn vào thành tích thể hiện trong bằng cấp”.
Vấn đề thực tiễn đặt ra là phải có chính sách tinh giản biên chế thỏa đáng như Nghị định 132/CP trước đây. Các đề án của hai tỉnh vừa nêu cũng chưa có kinh phí cho việc tinh giản biên chế này. Nếu tính theo NĐ-132/CP thì mỗi tỉnh phải có vài trăm tỉ đồng để thực hiện chính sách.
Đối với Đồng Tháp, chúng tôi thực hiện việc rà soát, sàng lọc và điều chỉnh đội ngũ CBQL, GV theo các bước: - Phân loại một cách thực chất trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của từng CBQL, từng GV thông qua nhiều kênh (bản thân CB, GV tự đánh giá; đánh giá của Tổ, của nhà trường; đánh giá qua các đợt thanh tra hoạt động sư phạm và thanh tra chuyên đề; đánh giá của tập thể hội đồng sư phạm nhà trường...). TS Hồ Văn Thống – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp |
Nguyễn Ngọc