Sản xuất vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi: Còn nhiều thách thức

GD&TĐ - Với nỗ lực không ngừng trong nghiên cứu, các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã bước đầu tạo ra được mẫu vắc xin vô hoạt đầu tiên có kết quả khả quan. Hy vọng của các nhà khoa học là sẽ tiếp tục nghiên cứu để hướng tới mục tiêu sản xuất thành công vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Lấy mẫu dịch bệnh (Ảnh nhóm nghiên cứu cung cấp)
Lấy mẫu dịch bệnh (Ảnh nhóm nghiên cứu cung cấp)

Thành công với mẫu vắc xin vô hoạt

Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã bùng phát tại 61 tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành nông nghiệp đã huy động tất cả nguồn lực, khả năng để nghiên cứu các phương thức ngăn chặn và khống chế dịch bệnh. Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các nhà nghiên cứu của Khoa Thú y đã khẩn trương vào cuộc nghiên cứu, phân lập, sàng lọc và lựa chọn những chủng virus gây bệnh từ thực địa để bước đầu nghiên cứu sản xuất vắc xin vô hoạt phòng bệnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Hiên, người chuyên nghiên cứu vắc xin của Khoa Thú y chia sẻ: Ngay khi DTLCP bùng phát ở Trung Quốc, chúng tôi đã nhận được chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ NN&PTNT, cũng như của Ban Giám đốc Học viện phải tìm hiểu sâu về vấn đề này. Với bề dày kinh nghiệm, các nhà khoa học của Học viện đã bắt tay vào việc từ tháng 11/2018. Chúng tôi cũng tìm hiểu về nguyên lý, cách phòng chống cũng như tham khảo các tài liệu trên thế giới về bệnh dịch này.

 

Chúng tôi đã nghiên cứu xong về quy trình sản xuất ra được mẫu vắc xin. Nhưng điều quan trọng trong quá trình kiểm nghiệm là phải xác định được: Thứ nhất, vắc xin phải vô hoạt, vô trùng và tinh khiết. Thứ hai, vắc xin phải đặc biệt an toàn với vật nuôi (khi tiêm con vật không có phản ứng và triệu chứng gì). Thứ ba, vắc xin phải có hiệu lực trong liệu pháp công cường độc (tiêu chuẩn vàng để đánh giá hiệu lực của vắc xin): Những con vật không tiêm vắc xin khi thử công cường độc đều sẽ chết.

 
PGS.TS Nguyễn Bá Hiên

Ngay trong giáo trình từ năm 2012, Học viện cũng đã đề cập về loại dịch bệnh này. Vì vậy khi bệnh dịch xuất hiện tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu không thấy quá đột ngột. Khoa Thú y của Học viện tiến hành các bước như thu thập mẫu ở ngoài môi trường, chẩn đoán dịch… Khoa Thú y của Học viện là nơi đầu tiên phát hiện và báo cáo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT để công bố DTLCP ở Việt Nam. Sau đó trên cơ sở này, họ tiếp tục tiến hành thu thập mẫu ở các ổ dịch, phân lập virus.

“Chúng tôi đã phân lập được hàng chục mẫu virus ở những ổ dịch khác nhau sau đó mang về sàng lọc và cuối cùng đã chọn được một loại chủng cường độc đại diện, nhằm mục đích sản xuất kít thử cũng như sản xuất vắc xin. Song song với đó, nhóm nghiên cứu tiến hành sản xuất thử nghiệm vắc xin với sự hợp tác rất chặt chẽ của các nhà khoa học Hàn Quốc. Sau hơn 3 tháng kể từ khi có dịch, nhóm đã nghiên cứu thành công một số mẫu vắc xin vô hoạt đầu tiên. Nhóm nghiên cứu của Học viện đã mang những mẫu vắc xin này để thử nghiệm trên thực tiễn, bước đầu cho kết quả rất khả quan. Những con lợn đã được tiêm vắc xin sống với tỷ lệ cao vào khoảng 70 - 80%”, PGS.TS Nguyễn Bá Hiên cho biết.

Còn nhiều thách thức

PGS.TS Nguyễn Bá Hiên khẳng định: “Việc nghiên cứu thành công vắc xin phòng bệnh DTLCP là mong đợi của cả đất nước. Trước hết, chúng ta sẽ khống chế được thiệt hại do bệnh, sau đó đánh giá được bước tiến nổi trội về khoa học trong lĩnh vực sinh học. Nhưng cũng cần xác định rõ, đây là vấn đề rất khó, cần quá trình nghiên cứu bài bản, công phu và lâu dài.

Việc tối quan trọng có tính chất quyết định là phải tìm ra được một môi trường tế bào tổ chức từ một dòng tế bào Celline nào đó, một tổ chức phôi hay một loại động vật thích hợp mà virus gây bệnh DTLCP có thể nhân lên tốt (cả thế giới đang tìm tới để nghiên cứu). Khi có được một môi trường nuôi thích hợp, chúng ta có hi vọng sản xuất thành công vắc xin thương mại. Kể từ khi có tế bào nuôi virus thích hợp đến khi sản xuất thành công vắc xin phải mất ít nhất 2 năm nghiên cứu và thí nghiệm”.

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Hiên, dự trù thời gian 2 năm cũng đã là quá lạc quan. Bởi vì gần đây ông có nhận được thông tin công bố từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA): Bộ này bảo đảm cung cấp đầy đủ cho việc nghiên cứu về ASF (dịch tả lợn châu Phi), nhưng để có một vắc xin có hiệu lực cho ASF sớm nhất họ cũng mất 8 năm. Và phải mất nhiều năm để trả lời những câu hỏi về cách thức lây lan của virus này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Di Maria có cơ hội tái hợp Messi ở Inter Miami.

Di Maria tái hợp Messi ở Inter Miami?

GD&TĐ - Nguồn tin từ nhà báo Leonardo Paradizo tiết lộ, người đồng đội tại tuyển Argentina của Messi là Di Maria có thể gia nhập Inter Miami vào mùa hè tới.